Thứ sáu, 29/03/2024 13:14 (GMT+7)

Sở Tài chính lý giải vì sao giá nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng

Cẩm Anh -  Thứ ba, 12/11/2019 18:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lãnh đạo Sở Tài chính khẳng định mức giá 10.246 đồng/m3 là mức giá tối đa tạm tính. Tỉ lệ tăng giá cụ thể căn cứ vào chính sách pháp luật theo từng thời kỳ, không được vượt quá khung của Bộ tài chính.

Chiều ngày 12/11, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính đã có phần trả lời chất vấn vì sao giá nước sạch sông Đuống theo văn bản số 3310 được tính ở mức 10.246 đồng/m3, cao hơn giá nước sông Đà.

Theo ông Hà, năm 2017, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Nguyễn Doãn Toản ký Văn bản số 3310, trong đó nêu nội dung liên quan đến giá nước sạch nhà máy nước sông Đuống. Trong đó có 2 nội dung gồm, chấp thuận giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sông Đuống năm 2017 là 10.246 đồng/m3, chưa có VAT, đây là giá tối đa tạm tính.

Bên cạnh đó, lộ trình tăng giá tối đa là 7%/năm, không vượt quá khung giá nước sinh hoạt theo quy định của Bộ tài Chính.

Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính (áo trắng bên trái). 

Ông Hà giải trình, theo quy định tại Điều 31 và 38 của Nghị định 117 năm 2007, Chính phủ có quy định liên quan đến thỏa thuận dịch vụ cấp nước, thỏa thuận được ký kết giữa UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền với đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn, trong thảo thuận cấp nước có nội dung liên quan đến giá nước, lộ trình và các nguyên tắc điều chỉnh giá nước.

Việc ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện dự án. Chính vì vậy, trên cơ sở đề nghị của nhà đầu tư, trên căn cứ lập và tổ chức thực hiện dự án nhà máy nước mặt sông Đuống, thành phố đã có văn bản chấp thuận giá nước sạch tại thời điểm này, giá tạm tính là tối đa.

Theo Quyết định số 17, năm 2017, UBND thành phố Hà Nội có quy định về nội dung các đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước ký kết thỏa thuận dịch vụ với cơ quan quản lý nhà nước về nước sạch.

Trong Quyết định 2869 ngày 3/6/2016 về phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án nước mặt sông Đuống, thành phố đã giao trách nhiệm cho Sở Xây dựng chủ trì kết hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan hướng dẫn nhà tư có văn bản thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước theo đúng Nghị định 117 và Nghị định 124.

Như vậy, trên cơ sở chấp thuận của thành phố, Sở Xây dựng đã ký thỏa thuận dịch vụ cấp nước với Công Cổ phần nước mặt sông Đuống theo đúng quy định.

Toàn cảnh buổi họp báo thường vụ UBND thành phố Hà Nội chiều ngày 12/11. 

Ông Hà cho biết, mức giá tạm tính tối đa 10.246 đồng/m3 được căn cứ theo Nghị định 117 năm 2017 của Chính phủ, trong đó quy định giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ chi phí quản lý, giá thành toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ để đơn vị cấp nước duy trì và phát triển trên cơ sở quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan thẩm quyền công bố và hoặc ban hành và có mức lợi nhuận hợp lý.

Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2017, dự án mới ở gia đoạn chuẩn bị thực hiện, nhưng theo quy định để tính đúng, tính đủ giá nước thì dự án phải hoàn thành, đi vào hoạt động và được quyết toán. Do vậy, chấp hành nghị định 117, các bên phải ký thỏa thuận dịch vụ cấp nước.

Theo đó, việc xác định giá nước trên cơ sở 1 số nguyên tắc. Đối với các phần hao phí để tính toán dựa trên quyết định 590 năm 2014 của Bộ Xây dựng, ban hành lĩnh vực kinh tế kỹ thuật liên quan đến nước sạch; Đối với chi phí khấu hao lãi vay được tính trên tổng mức đầu tư được duyệt trên Quyết định 2869 của UBND thành phố...

Phân bổ được thực hiện theo thông tư 45 năm 2013 của Bộ Tài chính. Đối với chi phí sửa chữa bảo dưỡng được xác định theo Thông tư 03 năm 2017 của Bộ xây dựng, chi phí quản lý xây dựng được tạm tính 5%, là mức thấp nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay.

Chi phí bán hàng tạm tính 10% tương đương chi phí nhà máy sông Đà, đến năm 2020, tỷ lệ thất thoát nước tối đa là 18%. Tuy hiện dự án chưa đi vào hoạt động, công ty đang đề xuất 8,4%, lợi nhuận tính mức tối thiểu 5%.

Phó Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội cùng lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Tài chính trả lời chất vấn báo chí. 

Trên cơ sở những nguyên tắc tính toán, theo quy định tại Thông tư 75 năm 2012 của liên Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính ra mức 10.246 đồng/m3. Mức này chỉ là mức tạm tính tối đa, mức cụ thể được xác định sau khi nhà máy đi vào hoạt động, quyết toán chính thức’, ông Hà nói.

Về lộ trình điều chỉnh giá hàng năm là 7%, ông Hà cho biết, theo Quyết định 3839 của UBND thành phố năm 2013 xác định mức giá bình quân năm 2017 cao hơn 70% so với bằng giá năm 2009, với 70% xác định trong 8 năm rơi vào khoảng 8,8%, nhà đầu tư đề nghị 7%, liên ngành đang tạm chấp thuận.

Tuy nhiên, ông Hà khẳng định, tỉ lệ tăng cụ thể căn cứ vào chính sách pháp luật theo từng thời kỳ tại từng thời điểm xác định giá nước sạch không được vượt quá khung của Bộ tài Chính.  

Bạn đang đọc bài viết Sở Tài chính lý giải vì sao giá nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới