Thứ bảy, 20/04/2024 12:54 (GMT+7)

Sự phục hồi du lịch miền Trung đem niềm tin cho người làm du lịch

MTĐT -  Thứ ba, 09/05/2017 09:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự phục hồi của du lịch miền Trung trong thời gian gần đây đã góp phần đem lại niềm tin cho những người làm du lịch để tiếp tục nỗ lực vượt khó.

Điều này cũng cho thấy sự đồng lòng vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp trong việc giúp du lịch miền Trung “hồi sinh”đã phát huy hiệu quả.

Sau loạt bài phản ánh về tình hình du lịch miền Trung đang từng bước phục hồi, phát triển mạnh mẽ sau hơn một năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển, Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung về vấn đề này. 

Du lịch miền Trung đang đi đúng hướng

-Thưa ông, sau hơn một năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố môi trường biển, giờ đây các tỉnh miền Trung đã ghi nhận sự khởi sắc ấn tượng của hoạt động du lịch. Là lãnh đạo ngành du lịch, từng trực tiếp khảo sát du lịch miền Trung cách đây một năm, ông ấn tượng điều gì khi chứng kiến du lịch miền Trung đang từng bước “hồi sinh”?

+Có lẽ, với những người trực tiếp khảo sát, tìm hiểu về du lịch miền Trung sau sự cố môi trường biển cách đây hơn một năm, chắc hẳn ai cũng sẽ bất ngờ về sự hồi phục nhanh chóng của du lịch biển miền Trung ngày hôm nay. Tuy sự phục hồi đó vẫn còn chậm, nhưng mang tính chất tạo đà, là cơ sở để những người làm du lịch tin rằng du lịch miền Trung đang đi đúng hướng.

"Việc phục hồi dù mới chỉ là bước đầu nhưng đã chứng tỏ sự đồng lòng nỗ lực của chúng ta trong một năm vừa qua, từ vai trò chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, ban ngành, và sự vào cuộc của chính quyền địa phương và cộng đồng DN đã phát huy hiệu quả trong thời gian gần đây" (Ảnh: Hồng Hạnh)

-Theo ông, du lịch miền Trung có được sự phục hồi ấn tượng này là nhờ những yếu tố gì?

+ Sự phục hồi của du lịch miền Trung, theo tôi,có những vấn đề sau: Trước hết trên cơ sở đánh giá toàn diện môi trường biển, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã cho công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng về môi trường biển miền Trung đã an toàn trở lại. Đây là cơ sở khoa học cho du khách yên tâm và những người làm du lịch tổ chức khai thác thế mạnh du lịch biển miền Trung, từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế.

Thứ hai, việc khách trở lại miền Trung cũng cho thấy việc hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành Trung ương đã phát huy hiệu quả. Ngay từ sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, Bộ VHTTDL đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp Bộ VHTTDL đã ban hành kế hoạch ứng phó với thảm họa du lịch biển tại miền Trung.  Trên cơ sở đó, Bộ đã ban hành kế hoạch toàn diện trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung, từ xây dựng sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến, tuyên truyền… Nhờ sự hỗ trợ, vào cuộc của Bộ VHTTDL và các Bộ ban ngành khác đã góp phần khắc phục sự cố, tạo niềm tin cho du khách đến miền Trung.

Ngoài ra, phải khẳng định rằng, chủ trương xây dựng Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó phát huy thế mạnh, tài nguyên sẵn có của các địa phương đang được cả nước quan tâm thông qua Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch thành ngành Kinh tế mũi nhọn. Các tỉnh miền Trung cũng xác định đây là một trong những thế mạnh của kinh tế miền Trung, từ đó tập trung chỉ đạo ngành du lịch phát huy thế mạnh trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch để vừa phục hồi du lịch miền Trung sau sự cố môi trường biển, vừa phát huy thế mạnh của miền Trung.

Để có được kết quả này, cũng phải ghi nhận sự nỗ lực lớn của các DN, nhất là DN du lịch đã tìm mọi cách duy trì sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, từ đó tạo niềm tin cho du khách.

Ngoài ra, sự đồng lòng vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn XH trong việc hỗ trợ chia sẻ khó khăn với ngành du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh việc đảm bảo an ninh an toàn cho du khách, hạn chế mặt trái của du lịch, hiện tượng “chặt chém”…, giúp cho du khách hiểu được về với miền Trung không chỉ là thụ hưởng những sản phẩm du lịch độc đáo, có giá trị, mà còn an toàn, thân thiện, từng bước tạo dựng niềm tin cho du khách đến với miền Trung nhiều hơn.

Qua báo cáo của 4 tỉnh miền Trung, trong 4 tháng đầu năm, lượng khách đến miền Trung tăng 2%-3% so cùng kỳ 2016. Trong đó, lượng khách quốc tế đến Huế tăng 11-12%, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, tỷ lệ khách nội địa đều cao hơn cùng kỳ năm 2016. Đó là tín hiệu đáng mừng.

-Thưa ông, thực chất đã có nhiều giải pháp,hành động hỗ trợ để “cứu” du lịch miền Trung đã được triển khai cách đây một năm. Còn nhớ, lãnh đạo của một số tỉnh miền Trung còn xuống biển tắm, ăn hải sản để kêu gọi, khuyến khích du khách đến, tuy nhiên lượng khách đến với miền Trung vẫn sụt giảm mạnh. Giờ đây, khi các giải pháp, hành động hỗ trợ dường như không còn nổi bật trên các phương tiện truyền thông như trước, nhưng đông đảo du khách vẫn đến với miền Trung. Vậy vấn đề mấu chốt ở đây là gì?

+Theo tôi, có hai vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, là ngành Du lịch không chỉ có trách nhiệm thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với địa phương, quốc gia mình, mà còn có trách nhiệm bảo vệ du khách, tạo môi trường thuận lợi nhất để du khách thụ hưởng sản phẩm du lịch tốt nhất. Nếu môi trường chưa thực sự an toàn, chưa tốt thì chúng ta không có quyền khuyến khích và mời khách đến những điểm như vậy.

Thứ hai, cùng với việc công bố biển miền Trung an toàn trở lại thì công tác xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch được tiến hành hiệu quả. Việc du khách trở lại với sản phẩm du lịch biển miền Trung phải đáp ứng hài hòa hai yếu tố như trên, thì chúng ta mới có thể khẳng định du lịch miền Trung đang đi đúng hướng.

Bài học về phát huy nội lực vượt khó và phối hợp liên ngành trong xử lý khủng hoảng

- Vậy theo ông, từ kinh nghiệm của du lịch miền Trung vượt qua khó khăn do sự cố môi trường biển, chúng ta có thể rút ra bài học gì cho ngành du lịch?

+Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Chính vì tính chất đặc thù đó nên ngành Du lịch rất nhạy cảm, những sự cố biến động về chính trị, thời tiết, dịch bệnh.. đều có thể ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức đến du lịch. Với việc sự cố môi trường biển miền Trung, ngay từ đầu năm 2016, khi chúng tôi đi khảo sát tại đây, tình hình du lịch biển hết sức thê thảm.

Các điểm đến, các cửa hàng ăn uống, mua sắm có thể nói là thê thảm vì không có khách. Từ những người lái xe điện, taxi, thậm chí là cậu bé đánh giày đều than vãn là thất nghiệp vì không có khách, không có thu nhập. Điều này cho thấy tính chất nhạy cảm trong du lịch rất cao.

Do là ngành kinh tế tổng hợp tính chất liên ngành liên vùng cao như vậy, một khi du lịch biển thất thu, khách không đến với sản phẩm du lịch biển miền Trung nữa, các ngành phục vụ du lịch từ nông nghiệp, ngư nghiệp, dịch vụ ăn uống, lưu trú đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc phục hồi dù mới chỉ là bước đầu nhưng đã chứng tỏ sự đồng lòng nỗ lực của chúng ta trong một năm vừa qua, từ vai trò chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, ban ngành, và sự vào cuộc của chính quyền địa phương và cộng đồng DN đã phát huy hiệu quả trong thời gian gần đây. Vì vậy, bài học về phát huy nội lực khắc phục khó khăn và phối hợp liên ngành trong xử lý khủng hoảng là rất thời sự.

-Vậy trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ điều gì cho du lịch miền Trung?

+ Trong chương trình Hành động quốc gia về Du lịch năm 2017 do Bộ trưởng phê duyệt, việc hỗ trợ tạo điều kiện cho du lịch miền Trung phục hồi trở lại là một trong những ưu tiên của ngành. Trong đó, có một số giải pháp nổi bật như: Tiếp tục tổ chức các đoàn fam đưa các DN lữ hành, cơ quan truyền thông, báo chí về với miền Trung để khảo sát, đánh giá, tìm hiểu cơ hội đầu tư, xây dựng sản phẩm mới; Tiếp tục phối hợp với DN du lịch, xác định và tạo điều kiện phát huy thế mạnh du lịch miền Trung; hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở cả lĩnh vực lữ hành, khách sạn; Thông qua các hội chợ du lịch quốc tế, e-marketting, chương trình quảng bá… sẽ giới thiệu du lịch Việt Nam nói chung và du lịch miền Trung nói riêng đến với du khách trong ngoài nước để nhiều quốc gia biết đến du lịch miền Trung…

Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền về Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, để những địa phương nào xác định có tiềm năng thế mạnh Du lịch, có sản phẩm thì sẽ quyết liệt xây dựng những kế hoạch, định hướng phát triển du lịch địa phương mình thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế chung.

Với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ đó, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp các ngành, sự quan tâm của cả nước, DN, tin rằng du lịch miền Trung sẽ từng bước trở lại, không chỉ phục hồi như thời kỳ trước mà còn phát triển mạnh mẽ hơn.

-Xin cảm ơn ông!

Theo Báo điện tử Tổ quốc

Bạn đang đọc bài viết Sự phục hồi du lịch miền Trung đem niềm tin cho người làm du lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ