Thứ sáu, 29/03/2024 14:41 (GMT+7)

Sự quan liêu của Tổng cục Môi trường vụ 50 triệu kg CTR 'bốc hơi'

Lam Vy -  Thứ năm, 10/09/2020 10:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Báo cáo của cơ sở được gửi đến cả tháng nhưng không được quan tâm, chỉ đến khi Bộ trưởng Bộ TNMT nhắc nhở, Tổng cục Môi trường mới vội vã ra văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo trong 24 giờ

Ngày 22/7/2020 Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên (Sở TNMT) ra công văn số 2157/STNMT-BVMT. Nội dung công văn thông tin về tình hình chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), thức ăn thừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Công văn gửi tới Sở TNMT 7 tỉnh thành gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang.

Theo đó, Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên không có thông tin về thực trạng thu gom xử lý CTRSH, thức ăn thừa của các cơ sở đã nhận chuyển giao nêu trên. Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên thông báo đến các sở TNMT các tỉnh, nơi có cơ sở đã tiếp nhận CTRSH, thức ăn thừa từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đề nghị xem xét, nắm bắt việc xử lý CTRSH, thức ăn thừa tại các cơ sở nêu trên kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải của các cơ sở. Hiện đề nghị của Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên vẫn đang được các tỉnh rà soát.

Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên thông báo đến các sở TNMT các tỉnh, nơi có cơ sở đã tiếp nhận CTRSH, thức ăn thừa từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. ( Ảnh Tuổi trẻ Pháp Luật).

Tuy nhiên, một điều cần nhắc tới là vai trò mờ nhạt của Tổng cục Môi trường – Bộ TNMT.

Nguồn tin của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam cho hay, trước khi những thông tin về báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên được các cơ quan báo chí đăng tải thì Sở TNMT tỉnh Bắc Giang cũng đã có báo cáo tương tự. Tuy nhiên, báo cáo của Bắc Giang không được quan tâm, phải đến khi Bộ trưởng có sự nhắc nhở thì lãnh đạo Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường mới “cuống cuồng” đối phó. Có thể nhận thấy sự quan liêu của lãnh đạo Tổng cục khi ra văn bản ngày 4/9 và yêu cầu các tổ chức, cá nhân báo cáo trước ngày 5/9, tức là chưa đầy 24h sau khi ban hành văn bản!?

Đáng lẽ, căn cứ trên các báo cáo từ cả tháng trước, Tổng cục Môi trường đã có nhiều thời gian hơn để kiểm tra, nắm bắt và đưa ra phương án xử lý chuẩn xác chứ không phải “nước đến chân mới nhảy” như lúc này. Vậy câu hỏi đặt ra là Tổng cục có trách nhiệm thế nào khi tiếp nhận văn bản báo cáo sự việc từ địa phương? Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ngồi đó để làm gì khi ngay cả công tác chuyên môn, Bộ trưởng cũng phải nhắc nhở mới làm?

Ngay sau khi nhận được văn bản từ phía cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên, Sở TN&MT Bắc Giang sau khi kiểm tra, rà soát đã nhanh chóng phản hồi: "Theo phụ lục kèm công văn của Sở TN&MT Thái Nguyên và kết quả xác minh cho thấy trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có Công ty CP xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình và hộ gia đình ông Ngô Văn Thức thực hiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt, thức ăn thừa từ tỉnh Thái Nguyên.

Trong đó, Công ty cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình có trụ sở văn phòng tại KĐT Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội, có duy nhất 1 nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu tại xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang được Bộ TN&MT cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại mã số QLCTNH: 1-2-3-4-5-6.014.VX cấp lần 4 ngày 10/4/2019".

Theo báo cáo quản lý chất thải nguy hại của công ty gửi Sở TN&MT Bắc Giang năm 2018, 2019 cho thấy Công ty thực hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ các chủ nguồn thải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh khác (không có tỉnh Thái Nguyên), vận chuyển, xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải tại Bắc Giang và một phần chuyển giao cho Công ty TNHH MTV môi trường Đức Đoan, Công ty cổ phần xây dựng Century Vina xử lý (không rõ địa chỉ).

Nội dung báo cáo không thể hiện rõ Công ty đã vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các chủ nguồn thải nào về xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải ở Bắc Giang hoặc chuyển giao cho đơn vị khác xử lý, khối lượng là bao nhiêu”, Công văn của Sở TN&MT Bắc Giang nêu.

Công ty cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình có trụ sở văn phòng tại KĐT Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.

Như vậy, gần 14,9 triệu kg chất thải rắn sinh hoạt mà Công ty Hoà Bình thu gom từ tỉnh Thái Nguyên đã đi đâu?

Trước đó, thông tin về khối lượng trên 50 triệu kg chất thải từ các nhà máy công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã “bốc hơi” khiến dư luận được một phen bàng hoàng.  Theo đó, một số công ty môi trường không thu gom bất kỳ mẩu CTRSH nào trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Thế nhưng, họ vẫn bị “bêu tên” trong danh sách cần phát hiện, chấn chỉnh, xử lý gửi 7 tỉnh thành phía Bắc. Một công ty trong danh sách cho biết, giai đoạn 2018 – 2019 đơn vị này không thực hiện vận chuyển, và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thức ăn thừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như số liệu mà Sở TNMT Thái Nguyên cung cấp. Đơn vị này chỉ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp (có danh sách khách hàng, hóa đơn đi kèm).

Phó Giám đốc Sở TNMT Thái Nguyên cho biết, thông tin khối lượng chất thải tại phụ lục đi kèm Công văn số 2157/STNMT-BVMT dựa vào báo cáo của các chủ nguồn thải trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau đó, một số công ty môi trường đã có phản ứng trước số liệu báo cáo của Sở TNMT Thái Nguyên là khá bất ngờ. Phía chủ nguồn thải thông tin đã chuyển giao chất thải cho các đơn vị xử lý nhưng một số đơn vị trong danh sách khẳng định không tiếp nhận số chất thải này.

Danh sách 14 tổ chức, cá nhân có thu gom, xử lý CTRSH giai đoạn 2018 – 2019. Danh sách này bao gồm: Công ty TNHH Môi trường Phú Hà, Công ty Cổ phần Môi trường An Sinh, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp và Môi trường Việt Nam, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 11, Công ty TNHH Môi trường Việt Tiến, Công ty TNHH Xử lý môi trường sao sáng Bắc Ninh.

Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hùng Phát, Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình, Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành, Công ty Cổ phần thương mại Dịch vụ và Môi trường Đại Phát, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và Công nghiệp 10, Công ty TNHH SX TM&DV Nhật Tân, Công ty Cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình. Tổng khối lượng chất thải sinh hoạt chuyển giao ngoài tỉnh xử lý là 50.459.254 kg.

Bạn đang đọc bài viết Sự quan liêu của Tổng cục Môi trường vụ 50 triệu kg CTR 'bốc hơi'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.