Thứ sáu, 19/04/2024 05:52 (GMT+7)

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp

MTĐT -  Thứ bảy, 17/12/2011 20:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 10/12, Tổng cục Môi trường phối hợp với Dự án VPEG tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng quản lý môi trường khu công nghiệp (KCN) và định hướng kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp

Ngày 10/12 tại Sơn Tây, Tổng cục Môi trường phối hợp với Dự án VPEG tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng quản lý môi trường khu công nghiệp (KCN) và định hướng xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp đến năm 2020. Phó Tổng cục trưởng Lê Kế Sơn tới dự và chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục, đại diện Sở TN&MT Hà Nội, Đại học Xây dựng, các nhà nghiên cứu, khoa học.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Lê Kế Sơn cho biết mục tiêu của hội thảo nhằm rà soát tổng thể các thông tin liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp bao gồm thực trạng môi trường KCN, hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường KCN như hiệu lực của hệ thống văn bản pháp luật, cơ cấu tổ chức bộ máy, hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí, hệ thống quan trắc, cơ sở dữ liệu môi trường KCN… Từ đó đề xuất mô hình quản lý môi trường KCN với Chính phủ sao cho thật hiệu quả.

Phó Tổng cục trưởng mong muốn thông qua hội thảo sẽ nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận về các vấn đề bức xúc trong quản lý môi trường KCN và góp ý hoàn thiện thuyết minh đề cương nhiệm vụ “Xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia về kiểm soát ô nhiễm KCN đến năm 2020” để kịp thời triển khai thực hiện trong năm 2012.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ. Từ khi thực hiện chính sách đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày một cao, cơ cấu kinh tế đã chuyển biến theo hướng công nghiệp hóa.
Trong sự phát triển chung đó, ngành công nghiệp đã đóng một vai trò quan trọng. Các KCN và khu chế xuất phát triển đã thúc đẩy nền kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ.Song, cùng với sự phát triển này cũng tạo áp lực ảnh hưởng tới chất lượng môi trường do sự gia tăng lượng thải tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng các KCN.
Một lượng lớn chất thải (khí, nước thải, chất thải rắn) từ các khu công nghiệp được phát sinh. Các chất thải công nghiệp dù ở dạng rắn, lỏng hay dạng khí đều có một tỷ lệ không nhỏ chứa các chất hoặc hợp chất có đặc tính gây nguy hại đến môi trường và là nguy cơ tiềm tàng các tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, công tác quản lý môi trường KCN các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, thậm chí còn bộc lộ những vấn đề yếu kém. Cụ thể là quy hoạch các KCN chưa quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường, việc giám sát quy hoạch cũng chưa triệt để.
Hệ thống pháp luật và các chế tài ràng buộc việc thực hiện bảo vệ môi trường KCN đã được ban hành nhưng chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng tái phạm pháp luật bảo vệ môi trường trở thành thường xuyên. Bản thân các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường KCN cũng còn thiếu cụ thể và chưa đi vào cuộc sống; đặc biệt là những quy định liên quan đến trách nhiệm bảo vệ môi trường KCN của các chủ thể như chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng, ban quản lý KCN, cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò pháp lý của ban quản lý KCN cũng chưa được xác định.
Công tác thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường chưa đáp ứng so với yêu cầu quản lý và quy mô phát triển các KCN. Sự phối hợp công tác, chia sẻ thông tin BVMT giữa các chủ thể quản lý môi trường địa phương còn có những hạn chế, bất cập. Sự phân công và phối hợp giữa Ban quản lý KCN với các cơ quan quản lý môi trường địa phương ở nhiều nơi chưa tốt, thiếu nhịp nhàng, dẫn đến hiệu lực và hiệu quả quản lý môi trường kém.
Cơ sở hạ tầng của các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại địa bàn các tỉnh có các KCN hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều KCN đi vào hoạt động trong khi hệ thống hạ tầng môi trường, các công trình xử lý chất thải vẫn chưa hoàn thiện.
Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường ở nhiều KCN còn chưa nghiêm túc. Kết quả thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Môi trường năm 2010 cho thấy tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường tại các KCN vẫn xảy ra trong khi khắc phục rất chậm trễ. Các loại chất thải trong KCN chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn môi trường xả trực tiếp ra môi trường và có chiều hướng gia tăng về mức độ.
Do đó, việc Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp là điều rất cần thiết nhằm quản lý có hiệu quả môi trường khu công nghiệp, phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững, đóng góp chung vào sự nghiệp bảo vệ môi trường./                       
Bạn đang đọc bài viết Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.