Thứ sáu, 19/04/2024 04:37 (GMT+7)

Thu thuế BVMT với túi nilon: Còn nhiều lỗ hổng

MTĐT -  Thứ sáu, 28/09/2018 17:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thực tế, số tiền thu thuế BVMT từ túi nylon những năm qua là không đáng kể và giảm dần, sản phẩm túi nylon vẫn được tiêu thụ rất nhiều với giá thành thấp.

Những năm gần đây cụm từ “ô nhiễm trắng” được nhắc đến nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là thuật ngữ được các nhà khoa học dùng để nói về việc ô nhiễm môi trường do lạm dụng túi nhựa. Nhận thức được tác hại của túi nhựa, các quốc gia trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế việc sử dụng túi nhựa, như cấm sản xuất hoặc cấm nhập khẩu; tính thuế/phí cao để khuyến khích người dân sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

Tại Việt Nam, theo thống kê, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon, trong đó phần lớn là túi nylon khó phân hủy. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nylon không được tái sử dụng mà thải bỏ, lượng chất thải nhựa và túi nylon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.

Và theo một công bố của Ocean Conservancy, Trung Quốc, Indonesia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam chính là 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, đóng góp tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới.

Từ những con số đáng báo động trên, rác thải túi ni long đang trở thành vấn đề đáng lo ngại ở Việt Nam. Ngay từ năm 2010, Nhà nước đã nhận thấy tầm quan trọng của việc đánh thuế môi trường đối với túi nylon. Bên cạnh việc tăng ngân sách quốc gia, đánh thuế môi trường đối với túi nylon là 1 trong những giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất và sử dụng túi nylon một cách tràn lan của người dân.

Mức thuế BVMT đối với túi nylon hiện hành là 40.000 đồng/kg, sau ngày 1/1/2019 sẽ là 50.000 đồng/kg. Thế nhưng trên thị trường hiện nay giá 1kg túi cũng chỉ khoảng 40.000 đồng/kg.

Ô nhiễm trắng đang trở thành vấn đề của toàn cầu. Ảnh: Internet. 

Thực tế, thời gian qua trong hệ thống một số siêu thị lớn đã sử dụng nhiều loại túi nhựa thân thiện với môi trường. Tuy nhiên tại các chợ truyền thống, việc sử dụng túi nhựa siêu mỏng khó phân hủy, gây hại cho môi trường vẫn còn phổ biến. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên các cơ quan hữu quan chưa kiểm soát hữu hiệu việc thực hiện nộp thuế đối với các cơ sở nhỏ, siêu nhỏ sản xuất loại túi nhựa này.

Đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc theo dõi, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh túi nylon rất khó khăn do cơ sở sản xuất túi nylon phần lớn (khoảng 70%) là cơ sở sản xuất nhỏ nộp thuế khoán, nên trên thực tế số thu thuế BVMT từ túi nylon những năm qua là không đáng kể và giảm dần, sản phẩm túi nylon vẫn được tiêu thụ rất nhiều với giá thành thấp.

Kiến nghị về vấn đề này, theo Thời báo KTSG, bà Đỗ Hoàng Oanh, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, hiện “Các cơ sở vẫn sản xuất mà không phải đóng Thuế BVMT theo quy định. Người dân vẫn tiếp tục sử dụng loại túi này do giá thành rẻ. Như vậy, song song với việc tăng cường thu thuế theo quy định, cần phải nâng cao nhận thức người tiêu dùng, để cùng chung tay hạn chế ô nhiễm môi trường do túi nhựa khó phân hủy gây ra”.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Viện chiến lược và Chính sách Tài chínhđề nghị, cần có biện pháp để kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng túi nhựa từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, thông qua các biện pháp hành chính và các biện pháp kinh tế. Việc xem xét điều chỉnh mức Thuế BVMT đối với túi nhựa theo hướng tăng mạnh, nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng, đồng thời huy động nguồn thu vào ngân sách nhà nước, để chi cho các hoạt động bảo vệ và xử lý các sự cố môi trường.

Bên cạnh đó, có thể thấy rằng ngay việc đánh thuế bảo vệ môi trường với túi nilong có lỗ hổng ngay từ luật, cụ thể, theo báo Lao động, theo Luật Thuế bảo vệ môi trường ngày 15/11/2010, Nghị định số 69/2012/NĐ-CP ngày 14/9/2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011 và Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28.9.2012 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 quy định: “Túi nylon thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dạng túi được làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nylon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận túi nylon thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.

Còn theo Nghị định số 69/2012/NĐ-CP cũng quy định trường hợp bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc nhập khẩu hoặc mua trực tiếp của người sản xuất/người nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói thì không phải chịu thuế. Điều này có thể hiểu rằng, nếu bao bì từ nhà sản xuất/nhập khẩu sử dụng đúng mục đích (người sử dụng cuối cùng) thì sẽ không phải chịu thuế. Nhà sản xuất/nhập khẩu chỉ cần có cam kết sử dụng đúng mục đích của khách hàng tiêu thụ bao bì thì xem như không phải chịu thuế.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thu thuế BVMT với túi nilon: Còn nhiều lỗ hổng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.