Thứ năm, 28/03/2024 15:23 (GMT+7)

Thanh Hóa: Rừng xanh không ngừng kêu cứu

MTĐT -  Thứ hai, 23/09/2019 09:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng chục cây gỗ lớn trong cánh rừng tự nhiên nằm sâu bên trong khu vực thác Trai Gái tại xã Xuân Lẹ bị lâm tặc đốn hạ. Nhiều cây lớn đã được lâm tặc xẻ thành hộp và tiến hành vận chuyển ra ngoài.

Từ cuối năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ phá rừng rất nghiêm trọng. Trong đó có nhiều vụ đã được cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ở xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa)  những cánh rừng tự nhiên vẫn ngày đêm bị “chảy máu”. Dường như sự quyết liệt của các ngành chức năng nơi đây trong công tác bảo vệ rừng vẫn là chưa đủ?   

Gỗ bị hạ nằm ngổn ngang trong rừng 

Theo Tuổi trẻ Thủ đô, sau khi nhận được thông tin về tình trạng phá rừng xảy ra tại thác Trai Gái của xã Xuân Lẹ, chúng tôi liên hệ người dẫn đường và chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết rồi tức tốc lên đường. Sau khi vượt qua 5 con suối, người dẫn đường bắt đầu chỉ cho chúng tôi những khu vực có rừng bị phá. 

Theo tay người dẫn đường, những lối mòn mà lâm tặc đi vào khai thác gỗ bắt đầu xuất hiện. Tại đây, những vết chân trâu, vết trượt tạo thành từng rãnh sâu trên nền đường do kéo gỗ hiện rõ. Từ dòng khe nhỏ hướng lên những đường mòn này nhiều chỗ có những cọc gỗ bên dưới lối đi. Người dẫn đường khẳng định, đó là vết chân trâu, vết trượt của việc vận chuyển gỗ. Các đối tượng vận chuyển gỗ đóng những cọc cây bên lối mòn để tránh gỗ lăn xuống suối trong quá trình vận chuyển. 

Sau khoảng 1 giờ đi bộ trong rừng, chúng tôi tiếp cận một điểm phá rừng còn mới nguyên. Trước mắt chúng tôi, nhiều thân cây gỗ đã bị cưa đỗ ngã về phía sườn núi, gốc cây đang “rỉ máu” có đường kính từ 45 – 60 cm. Những cây gỗ bị đốn hạ được xẻ thành những phách vuông vắn theo kích thước 25x25 cm, dài từ 2,5-4m, hai đầu đã được đục móc để vận chuyển. Tuy nhiên, người dẫn đường cho hay, đây chưa phải là “điểm nóng nhất” về phá rừng ở thôn Liên Sơn.   

Nhiều cây gỗ lớn mới vừa bị lâm tặc đốn hạ.

Sau khi ghi nhận tình trạng phá rừng ở đây xong, nhóm PV tiếp tục hướng về đỉnh Bù Rinh, nơi mà người dẫn đường cho hay, tình trạng phá rừng còn khủng khiếp hơn rất nhiều lần khu vực này. Bên trong khu vực đỉnh Bù Rinh này có những cây Sến nhiều năm tuổi đã bị đốn hạ, đang nằm ngổn ngang chờ đến lượt bị "xẻ thịt".  

Đi bộ tiếp hơn 1 giờ đồng hồ nữa, cuối cùng chúng tôi cũng đến được điểm phá rừng tiếp theo như người dẫn đường cho hay. Một khung cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là nhiều cây gỗ có đường kính từ 70 – 100 cm bị đốn hạn nằm vắt ngang qua suối. Những cây gỗ này  nằm nguyên tại hiện trường và đã được lực lượng chức năng đánh dấu kiểm tra. Theo người dẫn đường thì đây phần lớn là gỗ sến, thuộc gỗ nhóm II, xếp cùng nhóm với đinh hương, lim, nghiến, táu… 

Trong một khu vực rất nhỏ, chúng tôi ghi nhận có 20 cây gỗ có đường kính từ 70 – 100 cm, chiều dài từ 10 – 20 mét bị đốn hạ nằm vắt ngang qua suối. Những cây gỗ bị “gục ngã” bởi những nhát cưa sắc ngọt, nhựa cây tứa ra đã đông cứng. Ngay sát khe suối là một chiếc chòi do “lâm tặc” bỏ lại. Có lẽ khi lâm tặc mới đốn hạ chưa kịp xẻ thịt những thân cây để lấy gỗ thì bị lực lượng chức năng phát hiện nên bỏ lại chờ thời cơ khác vào vận chuyển ra. 

Chặt cây cổ thụ để lấy lan rừng? 

Những năm gần đây, những cánh rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Thường Xuân đã được bảo vệ rất nghiêm ngặt, số vụ vi phạm về rừng cũng đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng rừng xanh "chảy máu" vẫn ngày đêm diễn ra khiến nhân dân không khỏi bức xúc. 

Trao đổi với về tình hình an ninh rừng trên địa bàn, ông Phạm Thăng Long – Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân, cho biết: Sau khi Thủ tướng Chính phủ có lệnh đóng cửa rừng thì an ninh rừng trên địa bàn đã ổn định hơn nhiều so với trước đây. Hàng năm, số vụ vi phạm về rừng đều giảm. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện  xảy ra 44 vụ vi phạm về rừng. 

Khi chúng tôi đề cập đến tình trạng khai thác rừng đang xảy ra ở khu vực thác Trai Gái thuộc địa bàn thôn Liên Sơn, ông Long cho biết: vụ việc này chúng tôi đã ra quyết định khởi tố vụ án hành sự. Hiện toàn bộ hồ sơ đã chuyển sang cho Công an điều tra, xử lý theo quy định. “Những cây gỗ bị chặt ở đây chủ yếu là Táu Muối, thuộc nhóm VI, số lượng 14 cây” – ông Long nói. 

Bên cạnh đó, ông Long cũng thông tin thêm, hộ gia đình ông Vi Văn Sơn, người thôn Liên Sơn cũng đã tự ý khai thác 29 cây rừng có đường kính từ 14 – 35 cm, tại lô 139, khoảnh 1, tiểu khu 69, với số lượng gỗ là 3,8m3 . Hành vi của ông Sơn đã được kiểm lâm huyện Thường Xuân lập biên bản và báo cáo các ngành chức năng.

Những cây gỗ được đốn hạ và xẻ thành cách phách đúng quy cách chờ vận chuyển ra ngoài tiêu thụ.

Thông tin với chúng tôi, ông Đỗ Văn Hoan – Phó chủ tịch huyện Thường Xuân cho biết: "Chúng tôi cũng đã nắm bắt được tình trạng một số đối tượng vào rừng khai thác gỗ. Vụ việc đã được khởi tố vụ án và đang chờ kết quả điều tra của phía công an. Việc bảo vệ rừng được chúng tôi chỉ đạo rất sát sao và nghiêm ngặt, tuy nhiên vẫn còn một số đối tượng lén lút vào rừng khai thác gỗ, gây mất an ninh rừng là không thể tránh khỏi. 

Các đối tượng họ chặt những cây gỗ này để lấy phong lan (lan thảo quả - PV) chứ không phải khai thác gỗ. Mỗi cây gỗ này cho khoảng 20 kg lan thảo quả và bán với giá từ 50 – 60 nghìn đồng/ 1kg”. Loại lan thảo quả này chỉ có ở những cây trên". 

Với nhiều cây gỗ lớn trong rừng tự nhiên tại xã Xuân Lẹ bị đốn hạ không thương tiếc, gây bức xúc cho người dân. Điều này người dân cũng không khỏi nghi ngờ về năng lực trong công tác quản lý rừng của lực lượng kiểm lâm.  Hơn nữa, theo như cách trả lời báo chí của vị Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân về tình trạng khai thác rừng thì chẳng khác gì người ta đang “giết trâu để lấy dây thừng”?

Trước đó, theo Người Đưa Tin, tình trạng phá rừng đã và đang diễn ra trầm trọng tại xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, những cánh rừng già tự nhiên của xã đang bị lâm tặc xẻ thịt ngày đêm. Tình trạng phá rừng lại càng xảy ra rầm rộ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành lệnh đóng cửa rừng trên toàn quốc.

Cảnh tượng hiện ra trước mắt là la liệt cây gỗ bị đốn hạ. Nhiều cây gỗ có đường kính 70- 90cm, chiều dài gần 20m bị đốn hạ, thân gỗ đã được lấy đi, có những gốc cây cổ thụ nhựa còn đang chảy.

Gỗ được lâm tặc tập kết tại một khe suối ở thôn Cụt Ạc chờ vận chuyển ra ngoài.

Tiến sâu vào vùng lõi, nhiều cây gỗ quý có tuổi đời vài chục năm bị đốn hạ nằm trơ gốc, vết cưa còn mới tinh nhưng gỗ đã được lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng. Đa phần gỗ bị khai thác đều được lâm tặc tuyển chọn từ những cây gỗ quý, có giá trị kinh tế cao.

Gỗ sau khi khai thác được lâm tặc dùng trâu kéo, làm đường để vận chuyển ra điểm tập kết rồi dùng xe ô tô chở đến nơi tiêu thụ. Trong cánh rừng già, chi chít những con đường còn mới được lâm tặc tạo nên để kéo gỗ đến điểm tập kết.

Ngược dòng suối Ván, nhiều cây gỗ tròn được lâm tặc khai thác kéo để bên bờ suối. Ngoài ra, tại các khe suối, lâm tặc còn dìm gỗ xuống chỗ sâu để tránh bị phát hiện, chờ ngày vận chuyển.

Ông Phạm Xuân Chinh, Hạt phó hạt Kiểm lâm Thường Xuân (phụ trách địa bàn) cho hay, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 150 vụ phá rừng, chủ yếu xảy ra ở các xã trọng điểm như: Yên Nhân, Bát Mọt, Xuân Chinh, Xuân Lẹ. 

Ứng Chi (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Rừng xanh không ngừng kêu cứu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.