Thứ năm, 28/03/2024 17:06 (GMT+7)

Thanh Oai: Dòng sông nổi bọt dày hàng mét do sông Nhuệ bị ô nhiễm

MTĐT -  Thứ hai, 05/02/2018 14:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Do nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng nề nên mỗi lần trạm bơm Sái hoạt động thì dòng nước chảy vào ruộng lại nổi bọt trắng xóa, bốc mùi hôi thối khó chịu.

Những ngày gần đây, trạm bơm Sái (xã Mỹ Hưng – Thanh Oai – Hà Nội) bơm nước sông Nhuệ vào các cánh đồng khu vực xã Bình Minh, Mỹ Hưng, Tam Hưng… để người dân đổ ải, cấy trồng lúa, hoa màu.

Cùng với đó lại xuất hiện hiện tượng nước bị ô nhiễm sủi bọt, bốc mùi hôi thối, khiến nhiều người qua đường vừa khó chịu, thậm chí mùi ô nhiễm bốc lên khắp vùng đe dọa cuộc sống của người dân.

Được biết, để đảm bảo nguồn nước phục vụ đổ ải, làm đất chuẩn bị gieo cấy cho vụ Đông Xuân, trạm bơm này đã phải hoạt động liên tục từ tháng 1/2018.

Dòng nước ở khu vực trạm bơm Sái nổi bọt trắng xóa.

Nước từ sông Nhuệ được bơm đổ vào đồng ruộng. Theo dòng chảy, từng đợt nước đen ngòm từ các cống bơm đổ ra bốc mùi khó chịu, kéo theo đó là những mảng bọt trắng xóa trôi theo dòng nước. Bọt trắng tích tụ có những nơi cao 2m, ngập cả đầu người.

Người dân sống cạnh trạm bơm Sái cho biết, người ta bơm nước sông Nhuệ quá ô nhiễm vào ruộng chúng tôi, khi lội ruộng đắp bờ, cấy lúa chân tay mẩn ngứa mọc lên nhiều nốt to như mụn, chưa kể tiềm ẩn những hóa chất ô nhiễm cấy trồng lúa để ăn… nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn rất cao.

Anh Nguyễn Văn Đính cho biết, nhiều người chăn nuôi thủy cầm như ngan, vịt… nếu để thủy cầm uống nước sông Nhuệ ô nhiễm vậy sẽ chết ngay, năm trước nhà tôi có gần 50 con ngan để bán dịp Tết, người ta bơm nước sông Nhuệ vào đồng, số đàn ngan gia đình chết gần hết do uống phải nước thải ô nhiễm.

Còn theo người vận hành máy bơm tại đây thì, mấy năm gần đây, cứ sắp đến mùa cấy trồng anh em ở đây vận hành máy bơm nước sông Nhuệ để lấy nước phục vụ người dân mấy xã quanh khu vực để cấy trồng. Trước đây, nước sông Nhuệ còn đỡ, chứ mấy năm nay ô nhiễm quá, mà không bơm nước thì đến vụ cấy trồng, bà con không có nước.

Cách đây không lâu, cũng tại sông Nhuệ đoạn chảy qua tỉnh Hà Nam cũng xảy ra tình trạng tương tự. Vào khoảng cuối tháng 12/2017, một đoạn sông tại khu vực chợ Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam bất ngờ nổi bọt trắng xóa, dày gần 1m đã khiến người dân nơi đây vô cùng hoang mang.

Không chỉ vậy, đoạn sông này còn bốc mùi hôi thối nồng nặc. Dưới lớp bọt, nước sông ngả màu đen kịt, thậm chí những bọt bẩn này bay vào nhà dân, nhiều gia đình phải chuyển trẻ con, người già sang nơi khác để sống.

Lý giải về hiện tượng này, các chuyên gia môi trường và chính quyền địa phương cho rằng là do nguồn nước từ sông Nhuệ về bị ô nhiễm nặng.

Vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ đã tồn tại nhiều năm qua, đặc biệt tại các đoạn sông chảy qua khu dân cư, các khu đô thị lớn.

Theo kết quả phân tích của Sở TN&MT Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ diễn biến nhanh và phức tạp. Nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng nề là do nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất của khu, cụm công nghiệp, làng nghề, chưa qua xử lý hoặc đã được xử lý nhưng không đạt quy chuẩn cho phép, đổ ra sông.

Ngoài ra, tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng trực tiếp vào dòng sông càng làm trầm trọng thêm mức độ ô nhiễm...

Theo ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, theo cơ chế tự làm sạch, chất lượng nước sông Nhuệ sẽ được cải thiện khi được nước sông Hồng bổ cập thường xuyên ở thượng nguồn. Tuy nhiên, từ năm 2003, số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, mực nước sông Hồng thường xuyên duy trì ở mức thấp hơn so với yêu cầu của thiết kế (có thời điểm mực nước sông Hồng tại Hà Nội chỉ còn 0,1m).

Đặc biệt, vào mùa khô, chỉ khi có các đợt xả từ các hồ Thác Bà, Tuyên Quang, Hòa Bình, mới có thể duy trì mực nước trên 2m tại Hà Nội để đáp ứng yêu cầu mực nước tối thiểu. Với mực nước đó, hệ thống thủy lợi sông Nhuệ không thể lấy nước từ sông Hồng qua cống Liên Mạc bằng hình thức tự chảy theo nhu cầu. Và có thời điểm, mực nước sông Hồng thấp hơn sông Nhuệ, nên phải thực hiện việc đóng cống để giữ nước trong sông Nhuệ phục vụ sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong lưu vực. Do không được sông Hồng bổ cập nước thường xuyên và sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch làm nguồn nước sông Nhuệ thêm ô nhiễm.

Dòng "sông Tuyết" bị ô nhiễm ở Hà Nam.

Liên quan đến việc khắc phục ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ trên địa bàn TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã yêu cầu UBND tỉnh Hà Nam, đối với các đoạn sông đang bị ô nhiễm phải tạm thời dừng các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm cho mục đích sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho đến khi chất lượng nước được cải thiện, rà soát điều chỉnh lại kế hoạch lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2018.

Chỉ đạo rà soát các nguồn xả nước thải trên địa bàn hệ thống sông Nhuệ - sông Đáy, xử lý nghiêm những cụm, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải không đạt quy chuẩn cho phép.

Đối với UBND TP Hà Nội, Thứ trưởng đề nghị đơn vị quản lý phải chỉ đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi sông Nhuệ cho mở cống Liên Mạc để lấy nước sông Hồng bổ sung nhằm làm tăng lưu lượng nước sông Nhuệ và làm loãng nồng độ độc các chất ô nhiễm. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xử lý nước thải và cải tạo, nạo vét hệ thống thủy lợi trên sông Nhuệ - sông Đáy, thanh tra, kiểm tra các nguồn xả thải ngăn chặn không cho xả thải trực tiếp ra sông Nhuệ.

P.V (tổng hợp theo Thương hiệu &PL, KTĐT)

Bạn đang đọc bài viết Thanh Oai: Dòng sông nổi bọt dày hàng mét do sông Nhuệ bị ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.