Thứ ba, 23/04/2024 15:05 (GMT+7)

Thủy điện nhỏ, ẩn họa lớn

MTĐT -  Thứ sáu, 27/07/2018 13:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với lợi thế về địa hình, những năm qua trên địa bàn miền Trung đã có mật độ thủy điện dày đặc và chủ yếu là công trình thủy điện nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo phân tích của TS. Đặng Đình Thống trên Tạp chí Năng lượng VN, theo phân cấp của Việt Nam, các nguồn thủy điện có công suất đến 30MW thì được phân loại là thủy điện nhỏ. Các nguồn thủy điện có công suất lớn hơn gọi là thủy điện lớn.

Tuy nhiên, theo Tổ chức thủy điện nhỏ của Liên hiệp quốc (Small Hydropower UNIDO), thì các nguồn thủy điện có công suất từ 200 kW - 10 MW gọi là thủy điện nhỏ, còn các nhà máy có công suất từ 10 MW - 100 MW là thủy điện vừa.

Như vậy, theo phân loại của Việt Nam thì thủy điện nhỏ (công suất £ 30MW) đã bao gồm các thủy điện vừa. Điều này có nghĩa là đối với các dự án thủy điện nhỏ có công suất trên 15MW cũng cần phải chú ý thẩm định nghiêm túc về quy hoạch, thiết kế, xây dựng và về các tác động môi trường và xã hội.

Theo đánh giá, tiềm năng thủy điện nhỏ của Việt Nam vào khoảng 4.000MW, trong đó loại nguồn có công suất từ 100kW-30MW chiếm 93- 95%, còn loại nguồn có công suất dưới 100kW chỉ chiếm 5 - 7%, với tổng công suất trên 200MW.

Về hiệu quả kinh tế thì thủy điện nhỏ không bằng thuỷ điện lớn. Theo thống kê từ các công trình thủy điện đã và đang vận hành thì suất đầu tư thủy điện nhỏ vào khoảng 25 - 30 tỉ đồng/MW, trong khi đối với thủy điện lớn là 20 - 25 tỉ đồng/MW (tính theo mặt bằng giá năm 2011).

Hiện riêng tại miền Trung và Tây Nguyên có gần 50 NM thủy điện nhỏ (công suất 30MW trở xuống) đang xây dựng hoặc đã phát điện. Phần lớn là thủy điện bậc thang, các nhà đầu tư chủ yếu là ngoài ngành điện. Việc xây dựng những công trình thủy điện nhỏ này thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua các đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng đến dân sinh. Ngoài ra, việc quản lý, giám sát thi công quá lỏng lẻo như hiện nay sẽ là điều đáng lo ngại cho vùng hạ du. Điển hình là Quảng Nam, riêng tỉnh này đã phải gồng gánh đến 42 dự án thủy điện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Cụ thể, Quảng Nam có tới 42 thủy điện được phê duyệt có tổng công suất 1.606 MW, điện lượng bình quân hàng năm 6.199 triệu Kwh. 10 dự án được Bộ Công thương phê duyệt và 32 dự án vừa và nhỏ do tỉnh Quảng Nam phê duyệt.

Dù vậy, năm 2017 tỉnh Quảng Nam lại đề nghị xây thêm 4 nhà máy thủy điện và đề xuất này đã vấp phải sự phản đối từ người dân cho tới chuyên gia. Nhiều người cho rằng, xây thêm 4 nhà máy thủy điện là không cần thiết và chưa tính đến hệ lụy sâu xa.

Được gì, mất gì?

Thực tế từ khi hàng chục nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, người dân Quảng Nam đã không ít lần gánh chịu hậu quả những trận lũ, động đất ập đến khiến họ không kịp trở tay.

Những năm qua, Quảng Nam cũng được biết đến là địa phương liên tục xảy ra các trận động đất. Không đâu xa, hôm qua (26/7), trên địa bàn hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My đã xảy ra đến 4 trận động đất chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Đáng nói, ngay tại huyện Bắc Trà My là nơi có nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 mà nguyên nhân được cho là do thủy điện tích nước mà ra.

Hay xa hơn là hồi tháng 9/2015, sự cố vỡ cống dẫn dòng đập thủy điện Sông Bung 2, xã Zuôi, huyện Nam Giang khiến 28 triệu m3 nước đổ xuống hạ du đã cuốn 2 công nhân đang thi công công trình mất tích.

Hay như cơn lũ dữ quét qua làng Pà Ooi (xã La Êê, Nam Giang) hung hãn như một cơn sóng thần. Chỉ trong vòng vài phút, ba ngôi nhà bị nước cuốn trôi, hàng chục hộ thiệt hại nặng về tài sản, hoa màu. Ngôi làng nhỏ bé nằm cách đập thủy điện Sông Bung 2 chừng 5 cây số đường chim bay bỗng chốc tan hoang.

Sự cố khiến hàng người dân xã Đại Sơn, Đại Lãnh, huyện Đại Lộc nằm bên sông Vu Gia tháo chạy lên núi trú tránh.

Nguyên nhân là do những trận lũ thủy điện trước đó ập tới, cộng thêm việc các hộ dân của xã đang làm ăn dưới chân đập thủy điện Sông Bung 2 điện về báo “vỡ đập” nên hàng trăm hộ dân 2 xã này chủ động trước khi lũ ập đến.

Đập thủy điện Sông Bung 2 bị vỡ hồi năm 2016, tràn vào nhà dân. Ảnh: VNE.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Mới đây, trả lời báo Nông nghiệp VN về việc, tình trạng “ai cũng có thể làm thủy điện”, trách nhiệm của những cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? GS Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, trước hết phải khẳng định, việc khoán trắng cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ là một lỗ hổng về quản lý.

Do đặc thù của công trình đập mà các cơ quan quản lý ở trung ương vẫn phải theo sát, kiểm tra (nên huy động các chuyên gia thực sự có kinh nghiệm tham gia) mặc dù đã phân cấp cho các địa phương.

Một số những qui định pháp lý cũng phải hoàn thiện đảm bảo an toàn và hiệu quả công trình, lợi ích cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường và lợi ích của nhà đầu tư.

Trách nhiệm chính trước hết là chủ đầu tư, các cơ quan phụ trách vấn đề quy hoạch, cấp phép và có thể cả chính quyền địa phương. Ví dụ, khi các công trình xẩy ra sự cố, cần phải rà soát lại nguyên nhân vì sao? Trách nhiệm của ai là rõ ngay. Đa số các sự cố nguyên nhân chính thường là do thiếu kiến thức và trách nhiệm trong quá trình thẩm định dự án, thi công xây dựng dự án. Thế thì trách nhiệm có thể thuộc về ai nữa nếu không phải là do những người làm công tác quản lý thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm thực tế đặt bút phê duyệt những dự án và những chủ đầu tư không có chuyên môn, chính quyền địa phương thiếu quan tâm?...

Phát triển nóng vội

Trong khi đó, trao đổi với báo Lao động, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, đã có thời gian Việt Nam nóng vội phát triển thủy điện, nên gặp nhiều bất cập. Chính vì vậy nên đã để lại những hệ quả lâu dài, đến bây giờ vẫn phải khắc phục.

Những năm gần đây, Quảng Nam đã nhiều lần rà soát lại các thủy điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xin phép giảm các dự án thủy điện lại và không phát triển thêm. Có ít nhất 7-8 thủy điện bị loại khỏi quy hoạch vài năm gần đây.

Ông Thanh cũng thừa nhận, việc phát triển dày đặc các nhà máy thủy điện ở miền Trung trong thời gian ngắn còn bộc lộ nhiều yếu điểm, chủ quan và thiếu tính bền vững, kể cả các cơ sở pháp lý cũng chưa đồng bộ, chặt chẽ.

Nhà máy thủy điện sông Tranh 2. Ảnh: Internet.

Miền Trung địa hình dốc núi cao, muốn ngăn được hồ chứa có dung tích lớn thì phải xây đập cao. Đã vậy, những thiết kế lại không được thẩm định các yếu tố liên quan đến môi trường. Nhiều thủy điện không có cống xả đáy, xả bù cát, hồ chứa không thiết kế dung tích phòng, cắt lũ.

Chưa kể các phương án vận hành liên hồ chứa, vận hành các mùa khô hạn, lũ lụt... đều thiếu và phải từng bước xây dựng hoàn thiện sau khi các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, gây tác hại đến môi trường, cộng đồng.

Tuy vậy, ông Thanh cũng trấn an, người dân không nên quá lo lắng, vì ngoài 6 nhà máy thủy điện lớn là Sông Tranh 2, Đắk My 4; A Vương, Sông Bung 2, 4, 6 nằm gần hạ lưu, xây dựng kiên cố, thì các dự án thủy điện bậc thang khác đều ở thượng nguồn. Phần lớn các dự án này không có hồ chứa hoặc dung tích không đáng kể. Nếu có sự cố thì lượng nước cũng quá nhỏ, các thủy điện lớn ở hạ lưu thừa sức hứng, đựng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thủy điện nhỏ, ẩn họa lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới