Thứ bảy, 20/04/2024 19:02 (GMT+7)

Tìm cách cứu du lịch Mũi Né

MTĐT -  Chủ nhật, 28/10/2018 09:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kể từ sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24/10/1995, tiềm năng du lịch của vùng biển Mũi Né (Bình Thuận) tưởng đã được đánh thức. Thế nhưng, sau 23 năm, du lịch nơi đây vẫn giẫm chân tại chỗ.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận mới đây đã tổ chức một hội thảo nhằm tìm giải pháp quản lý các điểm đến du lịch Bình Thuận, trong đó tập trung hiến kế dọn rác Mũi Né.

Biển một bên và rác một bên

Bà Daria Mishukova - CEO dự án Business & Leisure - đã đến Mũi Né gần 10 năm trước và gắn bó với mảnh đất này đến nay. Mỗi khi quay trở lại Mũi Né, bà lại buồn lòng. Lần trở lại cách đây chưa đầy 1 tháng, bà ngỡ ngàng khi nhận ra khắp nơi đầy rác. Rác ngập ngụa từ bãi biển đến các con đường lớn khiến những người bạn của bà đến Mũi Né du lịch khi trở về thường phàn nàn.

Các lều quán dọc bãi biển và hoạt động khai thác hải sản đang thải ra một lượng rác không nhỏ Ảnh: Việt Khánh.

Chuyến du lịch của anh V.Q (ngụ quận 1, TP HCM) cùng gia đình tại Mũi Né mới đây trở thành một chuyến đi khó chịu. Ngay khi đến nghỉ dưỡng tại 1 resort ven biển, anh đã thấy choáng khi các món ăn trong buổi ăn sáng buffet đều được đậy kín để tránh sự tấn công của ruồi. Cả nhà anh cũng không thể thảnh thơi nằm trên bãi biển thư giãn hoặc vui chơi ngoài trời vì ruồi nhặng và muỗi liên tục tấn công. Cuối cùng chuyến du lịch trên biển phần lớn đều trải qua trong phòng khách sạn, cửa đóng kín mít. Nguyên nhân do resort này nằm cạnh một bãi cá, khi ngư dân đánh bắt hải sản, kéo lên bờ, xác cá nhỏ dạt trên biển bốc mùi hôi thối khiến ruồi nhặng kéo đến ken đặc.

Ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Thuận, cũng phải ví von "biển một bên và rác một bên" khi nói về vấn nạn rác tại các bờ biển của tỉnh Bình Thuận. Bình Thuận hiện có 400 cơ sở du lịch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận hồ sơ môi trường. Hầu hết các cơ sở này đều nằm ở ven biển. Ông Thái thừa nhận tại các điểm, khu du lịch cộng đồng và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nhỏ lẻ thường xuyên xảy ra cảnh rác thải, nước thải chưa được thu gom, xử lý triệt để. Các cơ sở du lịch nằm dọc đường Nguyễn Đình Chiểu, đường ĐT 719 và một số khu vực ven biển Hàm Tiến - Mũi Né chưa có hệ thống thoát nước nên xả nước thải trực tiếp ra biển.

Xử nghiêm hoạt động xả thải

Ông Võ Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), cho rằng bãi biển có đẹp tới đâu, nhà hàng ăn có ngon đến mức nào, khách sạn cao cấp bao nhiêu nhưng khách du lịch phải đi trên những bãi biển đầy rác thì điểm đến đó không thể là một điểm đến an toàn và hấp dẫn.

Rác ngập bãi biển Mũi Né (Bình Thuận) Ảnh: Đình Chiêu.

Nạn rác thải và ô nhiễm môi trường ở Mũi Né hiện nay là do tình trạng rác đại dương tấp vào bờ hằng năm vào mùa gió nam; hệ thống nhà vệ sinh công cộng chưa có, chưa đủ chuẩn hoặc đã xuống cấp; các hoạt động chế biến hải sản trong khu dân cư của người dân gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường; hệ thống ống xả nước thải ra biển của các cơ sở kinh doanh du lịch không bảo đảm mỹ quan, gây tâm lý không thoải mái cho du khách.

Ông Thông cho rằng cần kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch, chế biến hải sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc xả thải ra môi trường biển. Ngoài ra, phải tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh du lịch và chế biến hải sản ở các khu vực gần những khu du lịch.

Theo ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, để giải quyết nạn rác thải, không chỉ riêng ngành du lịch mà cần có sự vào cuộc của cả xã hội. Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trong cộng đồng nhằm huy động sự tham gia tích cực của người dân vào bảo vệ môi trường biển.

Khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý ô nhiễm

Ông Đỗ Văn Thái nhận định cần khuyến khích các cơ sở kinh doanh du lịch tiếp nhận và áp dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm, tái sử dụng và tái chế chất thải. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, khuyến khích, phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường du lịch, tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình xem xét thẩm định môi trường dự án đầu tư liên quan đến hoạt động du lịch và giám sát các nguồn gây ô nhiễm môi trường du lịch.

 Theo Người lao động

Bạn đang đọc bài viết Tìm cách cứu du lịch Mũi Né. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất