Thứ sáu, 29/03/2024 22:20 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 1/11: Ô nhiễm môi trường tàn phá đất Phong Châu

MTĐT -  Thứ tư, 01/11/2017 18:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin môi trường ngày 1/11: Phú Thọ: Ô nhiễm môi trường tàn phá đất Phong Châu; Bà Rịa – Vũng Tàu: Ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi heo;...

Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm vụ phá rừng tại Đắk Lắk

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản giao Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo kết quả xử lý các vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép xảy ra trên địa bàn huyện Ea Súp thời gian vừa qua.

Theo đó Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các chủ rừng (Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ea H'mơ và Ya Lốp), UBND huyện, Hạt Kiểm lâm Ea Súp, UBND 4 xã (Ia J’lơi, Ia J’lốp, Ea Rôk, Cư Kbang) tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến các vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép trên địa bàn, xử lý theo quy định.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý việc khai thác, mua, bán, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên trái phép theo đúng các quy định của pháp luật.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi heo

Hiện nay,  tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trại chăn nuôi vẫn chưa được cải thiện gây nhiều bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là người dân hai huyện có mật độ chăn nuôi cao là Xuyên Mộc và Châu Đức. 

Ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi heo

 Theo số liệu thống kê sơ bộ của Phòng TN-MT huyện Châu Đức, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 295 trang trại chăn nuôi với quy mô trên 100 con heo cần phải lập đề án BVMT.

Tuy nhiên, phần lớn các trang trại này đã xây dựng và hoạt động trước ngày 1-4-2015 nên không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường.

Ngoài các trang trại quy mô lớn, hiện nay trên địa bàn huyện Châu Đức có nhiều hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi nhỏ, lẻ nằm xen lẫn trong khu dân cư tập trung với mật độ cao, gây nhiều bức xúc cho cộng đồng dân cư trong khu vực vì mùi hôi, ô nhiễm nguồn nước.

Trước thực trạng nêu trên, nhằm kiểm soát công tác bảo vệ môi trường tại các trang trại chăn nuôi, UBND huyện Xuyên Mộc đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh tạm dừng chủ trương chấp thuận các dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện trong một thời gian để huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết, xử lý xong các tồn đọng của từng trang trại hiện có.

Cá chết hàng loạt ở Quảng Ngãi do nhiễm khuẩn

Trước tình trạng cá chết hàng loạt tại đập hố Chuối, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân nơi đây, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc, điều tra nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do nhiễm khuẩn Aeromonas spp.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, các mẫu cá xét nghiệm bị nhiễm vi khuẩn Aeromonas spp. Vi khuẩn Aeromonas spp gây tỷ lệ chết ở động vật thủy sản thường từ 30-70%; xảy ra khi môi trường bị ô nhiễm, cá bị street, thay đổi sinh lý đột ngột hay bị nhiễm những mầm bệnh khác.

Qua xác minh của cơ quan chức năng, nguồn gốc con giống được hộ nuôi nhập về từ Bình Định, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Dự án “khủng” cải thiện môi trường nước xin gia hạn 1 năm

Ngày 31/10, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế, cho biết Dự án 5.000 tỷ đồng này không thể về đích như cam kết với đối tác vào cuối tháng 7/2018. Do vướng các trình tự thủ tục theo khung pháp lý áp dụng đặc thù cho dự án có yếu tố vốn nước ngoài.

Công việc ngổn ngang, Dự án sẽ khó hoàn thành vào tháng 7 năm sau nên sẽ xin gia hạn thêm 1 năm đến 2019

Được chính thức khởi công từ tháng 8/2015, đến nay, gói thầu Nhà máy xử lý nước thải, các trạm bơm và cống áp lực từ trạm bơm chính dẫn về nhà máy đang thực hiện được gần 30% giá trị phần xây dựng. Các gói thầu khác như xây dựng cống chung lưu vực 6, 7 và 8 tuy tiến độ thực hiện đang đạt từ 53,8 đến 58,5% giá trị phần xây dựng…

Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ tham mưu cho Chính phủ để Thủ tướng quyết định, cho phép đàm phán với nhà đầu tư Nhật Bản. Từ đó sẽ xin đối tác gia hạn thời gian hoàn thành dự án thêm một năm nữa đến năm 2019 là hoàn tất”

Phú Thọ: Ô nhiễm môi trường tàn phá đất Phong Châu

Không khí xung quanh các nhà máy tại thị trấn Phong Châu (Phù Ninh, Phú Thọ) nồng nặc mùi hóa chất, hầu hết cây cối trong khu vực đều bị vàng úa, không thể phát triển.

Được biết, công ty cổ phần Đông Á hoạt động từ năm 2003, loại hình sản xuất, kinh doanh chính là hóa chất : Xút, Javen, axit HCl. Trước đây, vào ngày 18/9/2014, công ty cổ phần Đông Á đã xảy ra sự cố rò rỉ khí Clo.

Lượng khí độc này tràn vào các nhà dân trong khu 9, gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân, nhất là trẻ nhỏ và người già. Công ty cổ phần Đông Á buộc phải xin lỗi và gửi quà tới những cháu nhỏ bị ảnh hưởng.

Điều ngạc nhiên là, trong kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường của Tổng cục môi trường vào tháng 6/2016 có khẳng định công ty không hề phát sinh khí thải trong quá trình sản xuất, đã thực hiện đúng các cam kết bảo vệ môi trường. Thế nhưng không hiểu sao, việc người dân khu 9 bức xúc, phản ánh vẫn rầm rộ.

TRANG TRIỆU (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 1/11: Ô nhiễm môi trường tàn phá đất Phong Châu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới