Thứ sáu, 29/03/2024 20:50 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 11/1: Sông Mekong đang kiệt quệ vì ô nhiễm

MTĐT -  Thứ năm, 11/01/2018 17:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hội An nhiễm mặn, người dân gặp khó khăn hay Hải Dương bắt quả tang doanh nghiệp xả nước thải bẩn ra môi trường… là những tin môi trường đáng chú ý trong ngày.

65 điểm sạt lở bờ sông, hàng trăm hộ dân tỉnh Vĩnh Long bị ảnh hưởng

Chiều 11/1, tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long năm 2017, ông Đặng Văn Lượng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Long trong năm 2017 có bước khởi sắc, tổng giá trị đạt hơn 20.130 tỷ đồng, tăng 2,14%; kim ngạch xuất khẩu hơn 420 triệu USD, vượt kế hoạch 16% và đạt cao nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng thêm được 8 xã so đầu năm 2017”.

Tuy nhiên, ông Lượng cho biết, còn nhiều vấn đề đáng lo ngại trong thời gian qua khi thiên tai diễn biến phức tạp làm 1 người chết, gây thiệt tài sản hơn 23,5 tỷ đồng.

“Tình hình sạt lở bờ sông diễn ra trên diện rộng với hơn 65 điểm, chiều dài hơn 4.811 m bờ sông, kênh rạch… Sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 691 hộ dân, trong đó có nhiều hộ cần di dời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân…”, ông Lượng cho biết.

Tình hình sạt lở bờ sông tại Vĩnh Long diễn ra trên diện rộng.

Hội An: Nhiễm mặn, người dân gặp khó khăn

Nguồn nước tưới bị nhiễm mặn nghiêm trọng, khiến nông dân xã Cẩm Kim (TP. Hội An, Quảng Nam) không thể xuống giống sạ trà đầu vụ đông xuân 2018. Điều đó khiến cho người dân nơi đây đang gặp khó khăn, và vô cùng lo lắng.

Ông Trần Ngọc Hùng ở thôn Trung Châu, xã Cẩm Kim quyết định cuốc bỏ đám lúa mới sạ để chuyển sang trồng hoa màu. Trước đây, thửa ruộng nằm sát nhánh sông Thu Bồn rộng 636m2 này là đất màu, được HTX Nông nghiệp Cẩm Kim giao cho ông trồng lác. Nhiều năm bị lũ lụt bồi lấp, chiếu lác mất giá nên ông cải tạo thành đất trồng lúa. Sau đợt lũ hồi tháng 11 năm ngoái với lượng phù sa dồi dào, ông gieo sạ vụ đông xuân với hy vọng sẽ bội thu.

Ông Lê Trung Tấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Kim cho biết, do địa hình xã nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, hàng năm, nguồn nước bị nhiễm mặn sớm nên địa phương luôn chủ động xây dựng kế hoạch và lịch gieo sạ trà đầu bao giờ cũng sớm hơn lịch gieo sạ của tỉnh 5 – 10 ngày.

Tuy nhiên, từ vụ hè thu năm ngoái đến nay, hồ này đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Khảo sát độ mặn tại đây từ đầu năm 2018 đến nay cho thấy độ mặn lên đến 12 phần nghìn, trong khi độ mặn trong nước cho phép đưa vào đồng chỉ ở mức dưới 0,8 phần nghìn.

Nguồn nước tưới bị nhiễm mặn nghiêm trọng.

Dòng Mekong đang kiệt quệ vì ô nhiễm

Dòng sông Mekong từng là sinh kế của hàng trăm triệu người dân nhiều quốc gia ở châu Á đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo các thông tin mới nhất từ Ủy hội sông Mekong, do tốc độ hủy hoại đáng báo động của dòng Mekong thời gian qua, nguyên thủ của sáu quốc gia trong vùng có cuộc họp cấp cao ngày 10/1 tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) để tìm giải pháp cho vấn đề này.

Dòng Mekong khởi nguồn từ cao nguyên Thanh - Tạng (tây nam Trung Quốc) rồi xuyên qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và cuối cùng là Việt Nam, sau đó đổ ra biển. Ước tính có khoảng 60 triệu người dân các quốc gia kể trên sinh sống dựa vào dòng sông này trên tổng số 326 triệu dân sống dọc theo chiều dài dòng sông.

Theo SCMP, tính đến thời điểm này, Trung Quốc đã dựng 6 con đập ở thượng nguồn và dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm từ 6 đến 7 đập khác về phía nam, bất chấp các cảnh báo từ giới khoa học cũng như các nhà hoạt động bảo vệ môi trường.

Các công ty Trung Quốc bị tố đã và đang đầu tư hàng triệu USD vào nhiều dự án đập thủy điện, nhưng không tiến hành đánh giá các tác động môi trường và xã hội một cách toàn diện…

Cá trên dòng Mekong ngày càng cạn kiệt.

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng năm 2017.

Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng.

Hải Dương: Bắt quả tang doanh nghiệp xả nước thải bẩn ra môi trường

Sáng nay 11/1, Tổng cục thủy lợi - Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an), Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CA Hải Dương bất ngờ kiểm tra đột xuất Công ty CP quản lý công trình đô thị Hải Dương tại địa chỉ: Số 1, đường Thống Nhất, P. Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương).

Tuy nhiên, vào thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp này đã có thái độ không hợp tác với đoàn kiểm tra liên ngành.

Đoàn đã kiểm tra khu vực cống T2  (thuộc sự quản lý của Công ty CP quản lý công trình đô thị Hải Dương). Đây là tuyến kênh chính, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hoạt động tưới tiêu, thoát nước cho cả một khu vực rộng lớn thuộc địa bàn các phường Cẩm Thượng, Tân Bình, Phạm Ngũ Lao, Bình Hàn, Lê Thanh Nghị (TP.Hải Dương).

Tại thời điểm kiểm tra, nước thải chưa qua xử lý chảy từ phía bên trong nhà máy ra bên ngoài môi trường qua hệ thống cống ngầm đi từ trong nhà máy chạy theo đường ống đổ ra dòng kênh T2.

Theo phản ánh của người dân địa phương, nguyên nhân khiến nguồn nước kênh T2 ô nhiễm nặng chủ yếu là do nước xả thải trực tiếp của một số nhà máy, công ty có vị trí nằm cận kề đổ ra kênh, ngoài ra cũng có một phần nước sinh hoạt của người dân.

Sơn La triển khai Kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2018

Ngày 11/1, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2018. Hội nghị được triển khai trực tuyến tới điểm cầu các huyện trên toàn tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La năm 2017, Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tham mưu triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2014; Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 31/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ môi trường…. Tập trung xử lý triệt để di dời 9 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, năm 2017 đã xem xét, trình cấp có thẩm quyền xác nhận 4/9 cơ sở đủ điều kiện ra khỏi cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm: Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu, Mộc Châu, Mường La, Đa khoa Thảo Nguyên Mộc Châu; còn 4 cơ sở đang lập dự án và tiến hành đầu tư; 1 cơ sở đã dừng hoạt động.

Về kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2018, tỉnh Sơn La đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, sẽ tập trung xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản tập trung. Đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế với 2 bệnh viện tuyến huyện. Hoàn thành cải tạo môi trường Bãi chôn lấp rác thải rắn bản Khoang, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La. Điều tra, đánh giá, tìm kiếm, đề xuất nguồn nước bổ sung, dự phòng, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng nước phục vụ sinh hoạt trong khu vực một số huyện, thành phố có nguy cơ gặp sự cố ô nhiễm nguồn nước hiện có.

Lào Cai: Đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ môi trường trong năm 2018

UBND tỉnh Lào Cai vừa tổ chức thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm sẽ được triển khai trong quý I/2018.

Theo đó, năm 2017, công tác quản lý đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư được tăng cường, tiến độ đo đạc địa chính, cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất cho các doanh nghiệp, hộ gia đình được đẩy mạnh, phát hiện và giải tỏa kịp thời những điểm đen có nguy cơ khai thác trái phép như vùng quặng gốc vàng ở Văn Bàn hay vùng khai thác cát sỏi ở Bảo Yên.

Trong tháng 1 và quý 1/20018, tỉnh Lào Cai sẽ tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018; tập trung chăm sóc thu hoạch cây trồng vụ Đông, phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất vụ Xuân.

Đặc biệt năm 2018, tỉnh Lào Cai sẽ chú trọng hơn đến công tác bảo vệ môi trường nhất là môi trường tại các khu công nghiệp như Tằng Loỏng, hay khu công nghiệp ven thành phố Lào Cai. Năm 2018 cũng sẽ là năm giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến quy hoạch đô thị, hay mở rộng địa giới và phát triển khu du lịch Sa Pa nhằm nâng tầm Sa Pa xứng đáng là khu du lịch quốc gia.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 11/1: Sông Mekong đang kiệt quệ vì ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới