Thứ năm, 28/03/2024 16:02 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 14/1: Người dân ở TP Rạch Giá sống chung ô nhiễm

MTĐT -  Chủ nhật, 14/01/2018 16:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nước sông Cửu An (Hưng Yên) ô nhiễm nặng nề hay nông dân Phú Yên gặp bế tắc khi tiêu chết hàng loạt… là một số tin môi trường trong ngày.

Hưng Yên: Sông Cửu An ô nhiễm nặng ảnh hưởng nghiêm trọng

Sông Cửu An thuộc hệ thống công trình Bắc Hưng Hải chảy qua địa bàn huyện Ân Thi (Hưng Yên) đang bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất.

Theo người dân huyện Ân Thi (Hưng Yên), tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Vào dịp cuối năm, sông Cửu An thường xuyên trở thành nỗi ám ảnh của người dân các xã Đa Lộc, Bãi Sậy... Đoạn sông dài gần 3km chảy qua các khu vực này có màu đen kịt, nổi váng, sủi bọt và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Những hộ dân sống ven sông luôn đóng kín cửa cả ngày lẫn đêm, mỗi khi đi ra ngoài phải đeo khẩu trang hoặc bịt mũi.

Khoảng 5 năm trở lại đây tình trạng sông Cửu An ô nhiễm diễn ra ngày càng trầm trọng. Đỉnh điểm là về mùa hanh khô nước luôn trong tình trạng đen đặc, không thể sử dụng để tưới dưỡng cho cây vụ Đông.

Về mùa hè tình trạng hôi thối nồng nặc còn hơn nữa, nước chảy đến đâu, cây cối và tôm cá chết ở đó, ngay cả rau bèo trên sông nếu đem cho lợn gà ăn cũng bị nhiễm độc và chết.

Sông Cửu An ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân.

Phú Yên: Nông dân gặp bế tắc khi tiêu chết hàng loạt

Nhiều nông dân Phú Yên rơi vào bế tắc do không thể tìm ra cách để ngăn chặn tình trạng tiêu chết hàng loạt do ảnh hưởng của cơn bão số 12 vừa qua.

Không dễ để có ngay số vốn dù chỉ vài chục triệu đồng để đầu tư cây trồng mới sau khi phá bỏ vườn tiêu bị chết, nhiều gia đình ở miền núi Phú Yên đành phải bỏ vườn trống. Vườn tiêu - nguồn thu nhập của cả gia đình, lúc này lại là ngọn nguồn của những khoản nợ.

Hàng trăm người dân ở TP Rạch Giá sống chung ô nhiễm

Phải sống chung với mùi hôi thối mỗi ngày đó là tình cảnh của hàng trăm hộ dân tại hẻm 1079D, đường Lâm Quang Ky thuộc khu phố 5, phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang.

Dù đã phản ánh với chính quyền nhiều năm nhưng tình trạng này chưa được giải quyết. Hẻm 1079D, đường Lâm Quang Ky lúc nào cũng nồng nặc mùi hôi tanh bốc lên từ dòng kênh dọc theo con hẻm.

Nước trong kênh đã chuyển sang màu xanh đen, bọt nổi đầy. Tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sức khỏe hơn 100 nhân khẩu ở đây. Có gia đình do không chịu nổi mùi hôi đành rời nhà đi nơi khác.

Nước kênh ô nhiễm nhiều người phải chuyển đến nơi khác sống.

Đồng Nai: Bắt quả tang xả nước thải hầm cầu ra môi trường

Vào lúc 17h ngày 9/1, tại ấp 5, xã Sông Trầu, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai phối hợp cán bộ môi trường xã Sông Trầu kiểm tra và bắt quả tang xe ô tô xả nước thải hầm cầu ra môi trường.

Theo đó, vào khoảng thời gian trên lực lượng chức năng bắt quả tang xe ôtô BKS 60C-213.35 do tài xế Hoàng Anh Kiên (25 tuổi, ngụ ấp 5, xã Sông Trầu) đang xả nước thải hầm cầu ra môi trường.

Làm việc với công an, tài xế Kiên khai nhận số nước thải hầm cầu trên được hút tại các hộ dân trên địa bàn rồi mang đến ấp 5, xã Sông Trầu để đổ.

Qua đó, công an huyện Trảng Bom đã tiến hành lập biên bản tạm giữ xe ô tô (trên xe có khoảng 3m3 nước thải hầm cầu chưa kịp xả) và tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý.

Vĩnh Phúc: Thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng

Hiện nay, việc giao rừng cho người dân quản lý, bảo vệ và phát triển đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực ở nhiều địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc.

Huyện Lập Thạch là địa phương có độ che phủ rừng tương đối cao (26,4% ) với tổng diện tích rừng trên địa bàn huyện trên 4.000 ha; trong đó, diện tích rừng phòng hộ hơn 430 ha, diện tích rừng sản xuất gần 3,6 nghìn ha.

Xác định việc giao, khoán rừng cho từng hộ dân địa phương quản lý là phương án chiến lược trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm Lập Thạch bàn giao hơn 4.000 ha rừng cho các đơn vị, hộ dân trên địa bàn huyện Lập Thạch quản lý; trong đó, giao cho các đơn vị kinh doanh 724 ha, giao cho hộ dân gần 3,3 nghìn ha.

Thời gian đầu, khi mới được giao rừng, do người dân chưa có kinh nghiệm trồng rừng sản xuất, cùng với khó khăn về vốn để mua giống cây, phân bón, nên việc phát triển rừng đạt hiệu quả chưa cao. Ở một số nơi, nhiều hộ dân được giao rừng còn chưa mặn mà phát triển kinh tế đồi rừng.

Mực nước biển ở Hà Lan dâng cao kỷ lục trong năm 2017

Viện nghiên cứu biển Deltares của Hà Lan cho biết, bão và các chu kỳ thủy triều đã khiến mực nước biển ở dọc bờ biển của Hà Lan năm 2017 ghi nhận mức cao kỷ lục.

Theo chuyên gia Fedor Baart, thuộc tổ chức trên, mực nước biển đã tăng dần từ năm 1890, thêm 0,2 cm mỗi năm do băng tan chảy và đại dương đang nóng lên. Điều này có nghĩa là mực nước biển mỗi năm một cao hơn.

Năm 2017, mực nước biển Hà Lan dâng cao kỷ lục.

Năm 2017, viện trên đo được mực nước trung bình dọc bờ biển của Hà Lan cao hơn 11cm so với mức nước trung bình tại Amsterdam. Mức cao nhất trước đó ghi nhận được là vào năm 2007, khi con số này là 9cm.

Viện trên cho biết trong năm 2017, lần đầu tiên kể từ năm 2007 có nhiều trận bão đã xảy ra chỉ trong một năm. Chính điều này khiến mực nước biển dâng cao. Những trận bão mạnh có thể làm nước biển dâng cao tạm thời 1m, gây ra mức tăng trung bình khoảng 1cm.

Mực nước biển luôn được giám sát kỹ ở Hà Lan vì hầu hết diện tích lãnh thổ nước này đều nằm dưới mực nước biển và được bảo vệ tránh khỏi lũ lụt nhờ một loạt biện pháp đề phòng như mạng lưới đê, đụn cát, cối xay gió để thoát nước và các đập nước thông minh.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 14/1: Người dân ở TP Rạch Giá sống chung ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.