Thứ sáu, 19/04/2024 16:30 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 15/4: Nhà máy ngang nhiên xả thải ra môi trường

MTĐT -  Chủ nhật, 15/04/2018 17:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhà máy tuyển khoáng sản fluorit ngang nhiên xả thải ra môi trường, rác thải ngập ngụa kênh thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất… là một số tin môi trường trong ngày.

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm tại Điện Biên

Sau nhiều ngày nắng nóng, không có mưa cộng với tình trạng đốt nương trên địa bàn các huyện vùng cao khiến nhiệt độ tại tỉnh Điện Biên tăng mạnh. Ông Phạm Văn Khiên, Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, cho biết, thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao tại Điện Biên với gần 5.500 điểm tại tám huyện; cảnh báo cháy rừng ở Điện Biên cấp độ V - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Trong đó, nhiều nhất là huyện Điện Biên với trên 2.000 điểm, huyện Nậm Pồ 918 điểm, Điện Biên Đông gần 600 điểm. Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với gió Lào thổi mạnh rất dễ làm cháy và cháy lan trên nương rẫy, nhất là khu vực người dân đang đốt nương làm rẫy.

Để chủ động các phương án phòng cháy, chữa cháy, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các địa phương duy trì hoạt động các tổ đội xung kích với trang thiết bị, phương tiện, sẵn sàng cơ động triển khai lực lượng khi có lệnh; xây dựng các phương án phòng, chống cháy rừng. UBND tỉnh cũng yêu cầu, tại những địa bàn được cảnh báo có nguy cơ cháy rừng cao thì Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ, phòng chống cháy rừng và đặc biệt UBND cấp xã phải có trách nhiệm hướng dẫn các chủ rừng thực hiện đúng quy định bảo vệ, phòng chống cháy rừng, tuyệt đối không đốt nương vào thời gian cao điểm. Nếu có phát, dọn nương nên đốt vào những ngày lặng gió, vào buổi sáng sớm khi trời còn râm mát (từ 5 – 7 giờ) hoặc chiều tối (từ 17 giờ trở đi).

Chi cục Kiểm lâm tỉnh ra văn bản chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn trực tiếp hướng dẫn người dân phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa tùy theo địa hình, độ dốc, độ dày thực bì.

Quảng Ninh: Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên

Theo báo TN&MT thông tin, nhằm triển khai đạt hiệu quả Chủ đề năm 2018 về “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh tích cực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong việc bảo vệ, gìn giữ môi trường.

Cụ thể, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã và thành phố đã tích cực, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch của đơn vị để thực hiện chủ đề công tác năm 2018 với 65 nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với điều kiện từng ngành và từng địa phương và bám sát chỉ đạo của tỉnh.

Điển hình, quý I/2018 đã có 14/14 địa phương và các đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất với số lượng cây trồng đạt trên 427 nghìn cây.

Rác thải ngập ngụa kênh thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất

Tên kênh là "Hi vọng" nhưng tình trạng ô nhiễm đang khiến nhiều người dân sống tại đây rơi vào cảnh tuyệt vọng. Rác thải bao trùm cả con kênh, chôn kín luôn dòng chảy.

Theo VTV, nhiều năm nay, cứ vào mùa mưa, sân bay Tân Sơn Nhất lại đối mặt với tình trạng ngập nước. Nguyên nhân được cho là bởi lượng rác thải khổng lồ đang bị ứ đọng tại kênh Hi vọng, một trong những kênh thoát nước chính của sân bay này.

Rác cũ chưa trôi, rác mới lại đổ về. Đáng buồn khi thủ phạm gây ra tình trạng tắt nghẽn dòng chảy lại chính là người dân.

Kênh Hi vọng cũng là một trong những kênh thuộc hệ thống thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, rác đã ngăn dòng chảy. Các năm trước, vào mùa mưa, sân bay này từng bị ngập nước đến 30cm ở nhiều sân đậu máy bay.

Nhà máy xả thải ra môi trường

Theo báo Thanh niên đưa tin, Việc xả thải của nhà máy tuyển khoáng sản fluorit của Công ty khoáng sản Phú Yên ở xã Xuân Lãnh, H. Đồng Xuân, nằm đầu nguồn sông Hà Nhao, đã khiến hàng ngàn hộ dân ở hạ nguồn hết sức lo lắng.

Nhà máy được vận hành chính thức vào năm 2013. Trước khi vận hành, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Sở TN-MT tỉnh Phú Yên xác nhận. Nhưng do không tiêu thụ được sản phẩm, vào tháng 6.2014 nhà máy ngưng hoạt động, đến tháng 10/2016 mới vận hành trở lại.

Ông Trần Trung Trực, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT tỉnh Phú Yên), cho biết nhà máy chế biến sâu fluorit với quy trình xử lý nước thải là tái sử dụng 100% lượng nước thải nên không xả thải ra môi trường.

Nhà máy xả thải ra môi trường. Ảnh: TNO.

Thế nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Qua tìm hiểu, nhà máy đặt hệ thống ống ngầm để xả ra bờ sông Hà Nhao. Nước thải ra có mùi hôi nồng nặc và trên mặt nước lợn cợn chất kết tỏa màu nâu.

Mặc dù Chi cục Bảo vệ môi trường đã nhiều lần kiểm tra nhưng không phát hiện đường ống xả thải này. Khi PV Thanh Niên đưa ra clip hình ảnh nước thải ra sông thì ông Trực tỏ ra bất ngờ.

Người dân nơi đây cho biết, lâu nay người dân sử dụng nước sông Hà Nhao để cho gia súc, gia cầm uống. Nhưng kể từ khi nhà máy hoạt động thì không dám dùng nữa.

Không chỉ xả theo đường ống ngầm, nhà máy còn xả thải theo hệ thống thoát nước mưa khiến con rạch chảy từ nhà máy ra sông biến thành màu nâu. Tuy nhiên, theo ông Trực, qua kiểm tra sở dĩ nước thải theo hệ thống thoát nước mưa là do sự cố hư phốt bơm cát thải, làm nước thải trong dây chuyền chảy ra ngoài sàn nhà nên công nhân làm vệ sinh cho chảy theo hệ thống thoát nước mưa để thoát ra ngoài.

“Hệ thống thoát nước vệ sinh nhà xưởng được thu gom qua các kênh mương bên trong nhà xưởng và thoát ra hệ thống nước mưa là chưa phù hợp. Chúng tôi đã đề nghị công ty khẩn trương tách riêng nước vệ sinh nhà xưởng ra khỏi hệ thống thoát nước mưa và đưa về hệ thống xử lý nước thải để xử lý trước ngày 24/4”, ông Trực nói.

Lai Châu: Khó khăn trong thu gom bao bì thuốc BVTV

Hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nhiều nông dân làm dụng thuốc BVTV trong sản xuất gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, môi trường, nguồn nước. Trong khi phần lớn nông dân sau khi sử dụng thuốc thì bao bì, vỏ chai được tập kết theo kiểu “tiện đâu, vứt đấy” gây khó khăn trong công tác thu gom.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, những năm gần đây nhu cầu sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.

Việc sử dụng thuốc BVTV của người dân cơ bản thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở kinh doanh và trên bao bì. Đặc biệt là những vùng nguyên liệu của các công ty, nhà máy được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Công tác thu gom, xử lý vỏ thuốc BVTV đã qua sử dụng cũng nhiều tồn tại, hạn chế. tình trạng người dân thiếu ý thức trong việc thu gom, xử lý vỏ thuốc BVTV của người dân khiến rác thải, vỏ thuốc BVTV đã qua sử dụng bị vứt tại đồng ruộng, vườn đồi ngày càng lớn. Điều này kéo theo hoạt chất tồn dư trong bao bì cao, gây hại cho môi trường.

Nguyên nhân của những tồn tại là do các địa phương chưa chủ động bố trí  kinh phí để xây dựng bể chứa thu gom. Chưa có mô hình, quản lý, thu gom vận chuyển và công nghệ xử lý phù hợp, chưa có địa điểm tập kết xử lý riêng. Nhận thức của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vẫn chưa được thu gom, còn vứt trên đồng ruộng, nương rẫy. Cùng với đó là chế tài xử lý đối với hoạt động xả thải vỏ thuốc BVTV đã qua sử dụng ra môi trường chưa nghiêm.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 15/4: Nhà máy ngang nhiên xả thải ra môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước