Thứ sáu, 29/03/2024 21:44 (GMT+7)

Tin MT ngày 20/3: Dân cầu cứu vì công ty môi trường gây ô nhiễm

MTĐT -  Thứ ba, 20/03/2018 17:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ô nhiễm trên các tuyến kênh ở Hải Dương ngày càng nghiêm trọng, khẩn cấp bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái sông Mê Công... là một số tin môi trường trong ngày.

Bắc Ninh: Dân cầu cứu vì Công ty CP môi trường Thuận Thành gây ô nhiễm

Công ty CP môi trường Thuận Thành (Bắc Ninh) là đơn vị chuyên thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải nguy hại. Tuy nhiên, thời gian gần đây công ty này lại đang trở thành thủ phạm chính của việc gây ô nhiễm môi trường tại địa phương.

Theo PhapluaNet đưa tin, nhiều người dân tại thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông (Thuận Thành, Bắc Ninh) phản ánh Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành trong quá trình đốt, xử lý chất thải đã xả khí thải ra môi trường làm ô nhiễm không khí xung quanh nhà máy.

Qua khảo sát thực tế, rất nhiều ống xả thải ngầm được chôn bao quanh nhà máy. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường xung quanh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước tưới tiêu của bà con nông dân. Những chiếc ống xả thải được chôn ngầm dưới đất và nối thẳng từ trong nhà máy ra ngoài kênh mương.

Không chỉ vậy, nhiều người dân xung quanh còn cho biết, nhà máy này chủ yếu đốt rác vào buổi tối, gây ra mùi khét khó chịu và vô cùng nguy hiểm. Đặc biêt, không chỉ có rác thải thông thường mà còn có các xe chở hóa chất ra vào nhà máy và đổ cả xuống mương nước, mùi hôi thối lan ra cả vùng.

Công ty xả khí thải gây ô nhiễm không khí. Ảnh: PhapluatNet.

Bình Phước: Thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng do mưa và lốc xoáy

Chiều 16/3, trên địa bàn huyện Lộc Ninh (Bình Phước) xuất hiện một trận mưa trên diện rộng. Mưa kéo theo lốc xoáy, gây thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng cho người dân huyện Lộc Ninh.

Theo báo Bình Phước, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề là 2 xã Lộc Phú và Lộc Quang. Tại xã Lộc Phú, theo thống kê sơ bộ của UBND xã: Lốc xoáy đã làm tốc mái 6 căn nhà, gãy đổ hơn 58.000 trụ tiêu từ 1- 4 năm tuổi của 52 hộ dân.

Tại xã Lộc Quang, lốc xoáy cũng làm gãy đổ hoàn toàn hơn 29.000 trụ tiêu của 36 hộ dân, trong đó hộ bị thiệt hại ít nhất cũng khoảng 100 trụ, có hộ bị gãy đổ trên 3.000 trụ tiêu. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh, thiệt hại do lốc xoáy gây ra trên địa bàn huyện ước khoảng 10 tỷ đồng.

Quảng Ninh: Tiểu thương đồng loạt đóng cửa hàng vì tăng phí vệ sinh môi trường

Đã nhiều ngày nay, hàng trăm tiểu thương buôn bán trong khu vực chợ Hạ Long (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) đồng loạt đóng cửa, không bán hàng.

Khu chợ được xây dựng với quy mô 4 tầng và có số lượng hơn 1.400 hộ kinh doanh, buôn bán được chia theo từng khu, tất cả đều đồng loạt đóng cửa.

Được biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do, 3 ngày trước, BQL chợ Hạ Long bất ngờ ngừng cung cấp điện toàn khu chợ khiến hoạt động buôn bán đảo lộn.

Trước đó, ngày 7/3, UBND TP. Hạ Long đã ra một văn bản thông báo về việc nâng giá thu phí bảo vệ môi trường. Cụ thể, trước đây, trong hợp đồng với BQL chợ Hạ Long, các tiểu thương phải nộp 65 nghìn đồng/ tháng tiền phí vệ sinh môi trường. Nhưng theo văn bản mới của UBND TP. Hạ Long, mỗi hộ kinh doanh phải nộp phí 135 nghìn/ tháng.

Khu chợ nằm giữa thành phố du lịch sẩm uất đóng cửa nhiều ngày nay. Ảnh: Tiền Phong.

“Chúng tôi rất bất bình trước việc tăng phí thu vệ sinh môi trường. So với trước đây thì họ tăng hơn 100% phí và đặc biệt hơn là họ còn đòi truy thu chúng tôi 3 tháng trước, kể từ ngày 1/1/2018. Trong khi đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì BQL chợ lại bất thình lình cắt điện, cắt nước. Tất cả chúng tôi phải đóng cửa và đưa nhau lên UBND tỉnh kiến nghị sự việc này.” - Đại diện tiểu thương chợ Hạ Long trao đổi với báo Tiền Phong cho hay.

Tiền Giang: Dự án thi công gây sạt lở khiến dân bất an

Theo báo Thanh Niên đưa tin, những người dân sống ven rạch Bà Ngoạn và Vàm Xoàn (xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) đang ngày đêm sống trong lo sợ bởi khu vực này đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo đó, 6 điểm sạt lở với chiều dài hàng trăm mét ven rạch Bà Ngoạn và Vàm Xoàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, sinh hoạt, gây mất an toàn nơi ở của một số nhà dân.

Theo người dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc nạo vét lòng kênh rạch thuộc dự án “Cơ sở hạ tầng khu du lịch cù lao Thới Sơn” của UBND TP. Mỹ Tho gây ra.

Khu vực ven rạch đang bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: TNO. 

Bà La Thị Sinh (65 tuổi, ngụ ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn) bức xúc cho biết, nhà bà chỉ có hơn 300m2 đất. Từ khi có việc nạo vét rạch Bà Ngoạn, đất của bà bị sạt lở xuống rạch hết mấy chục mét vuông và căn nhà cũng sắp sụp tới nơi. Con đường nằm ven rạch dẫn vào nhà bà cũng bị lở nhiều điểm. Việc nạo vét kênh rạch để làm du lịch đã làm đảo lộn cuộc sống gia đình bà.

Hải Dương: Ô nhiễm trên các tuyến kênh ngày càng nghiêm trọng

Theo kết quả quan trắc của cơ quan chuyên môn môi trường Hải Dương tại 17 tuyến kênh phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn (trong vụ chiêm xuân) mức độ ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.

Nhiều thông số cao hơn quy chuẩn cho phép, 17 tuyến kênh có thông số E.Coli vượt từ 3,9-75 lần, 16 tuyến kênh có thông số NO2+-N vượt từ 1,3-2,92 lần, 15 tuyến kênh có thông số NH4+-N vượt từ 1,03-7,48 lần...

Để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước mặt, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hải Dương, đề nghị các địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường nước của người dân; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nguồn nước.

Nhiều kênh rạch ở Hải Dương đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: TN&MT.

Khẩn cấp bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái sông Mê Công

SGGP thông tin, ngày 20/3, tại TP Cần Thơ, Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers – IR) phối hợp cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Liên minh cứu sông Mê Công (Save the Mekong coliation – StM) và Diễn đàn Môi trường Mê Công (MEF) tổ chức diễn đàn “Bảo vệ con người và hệ sinh thái sông Mê Công, trong bối cảnh nhiều biến động”, thu hút nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng các ngành chức năng tham gia.

Theo Tổ chức Sông ngòi quốc tế, lưu vực sông Mê Công là một trong những khu vực trên thế giới bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu. Tại các quốc gia lưu vực sông Mê Công, những thay đổi về đa dạng sinh học do biến đổi khí hậu gây ra sẽ tác động đến sinh kế của người dân, từ đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Điều lo ngại hiện nay là lưu vực sông Mê Công đã, đang và sẽ đối mặt những thay đổi mạnh mẽ về môi trường do các hoạt động phát triển trên dòng sông này, đặc biệt là các dự án thủy điện ở dòng chính.

Lưu vực sông Mê Công là một trong những khu vực bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu. Ảnh: Internet.

Hiện nay, ngoài 7 công trình đập dòng chính đã hoàn thành trên phía thượng nguồn của Trung Quốc, thì 11 con đập đang và sẽ xây dựng ở hạ lưu sông Mê Công tại Lào và Campuchia được đánh giá sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với nguồn phù sa, nguồn thủy sản, chất lượng nước, đa dạng sinh học… của dòng sông.

Với những tác động kép của biến đổi khí hậu và hoạt động phát triển các đập thủy điện, khiến lưu vực sông Mê Công đứng trước những thách thức lớn trong thích ứng và phát triển. Điều này cũng gây rủi ro và khó khăn trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hiệp quốc đặt ra về xóa nghèo, giảm bất bình đẳng, sử dụng tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm…

Các chuyên gia ở Trung tâm Con người và Thiên nhiên thì lo lắng về những tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến “vựa lúa” ĐBSCL.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin MT ngày 20/3: Dân cầu cứu vì công ty môi trường gây ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới