Thứ năm, 25/04/2024 12:33 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 29/3: Rác “bức tử” rừng ngập mặn

MTĐT -  Thứ năm, 29/03/2018 19:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rác “bức tử” rừng ngập mặn ở Thanh Hóa, nhiều vấn đề môi trường, khí hậu được nêu ra tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai diễn ra vào sáng 29/3… là một số tin môi trường trong ngày.

13.246 hộ dân ở miền núi phía Bắc sống trong khu vực ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất cao

Số liệu trên được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai diễn ra vào sáng 29/3.

Theo VTV, trong khoảng gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và cơ sở hạ tầng.

Năm 2017, lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng tại các tỉnh miền núi: tại huyện Mường La (tỉnh Sơn La), Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) vào đầu tháng 8; tại các huyện Tân Lạc, Đà Bắc, TP Hoà Bình (tỉnh Hòa Bình) từ giữa tháng 10; sạt lở đất ở huyện Bắc Trà Mỹ, Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Lũ quét, sạt lở đất trong năm đã làm 71 người chết và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi. Hiện nay, còn 13.246 hộ đang sinh sống tại những nơi không đảm bảo an toàn có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất.

Hàng chục nghìn hộ dân ở vùng núi phía Bắc bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất.

Theo ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai, trong bối cảnh thiên tai diến biến phức tạp, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất, lũ ống lũ quét gây ra như: lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm cho một số vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; xây dựng bản đồ nguy cơ trượt lở đất đá; cắm biển cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm...

Sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL do khai thác thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong?

Theo VTV, sáng 29/3, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, thành phố Hà Nội. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Tại Hội nghị lần này, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã trao đổi về tình trạng sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long.

"Từ năm 2010 trở về trước, sạt lở và bồi lắng các dòng sông và bờ biển nơi đây theo quy luật tự nhiên chung và tạo cân bằng tương đối. Song từ năm 2010 đến nay diễn biến sạt lở diễn ra rất nhanh và ngày càng phức tạp, tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của khu vực này" - ông Nguyễn Trường Sơn cho biết - "Qua công tác quản lý và báo cáo của các địa phương, trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL hiện có 562 điểm bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 513 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 520km và 49 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 266km. Sạt lở đặc biệt nguy hiểm 40 điểm gồm 266km".

Bên cạnh yếu tố đặc điểm vị trí địa lý, các nguyên nhân chính gây ra hiện trạng trên đã được ông Nguyễn Trường Sơn đưa ra cụ thể. Theo đó, một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là do các nước trên thượng nguồn sông Mê Kông gia tăng các hoạt động kinh tế, tập trung vào thủy điện, gây ra hệ lụy tiêu cực đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong tương lai gần, số lượng hồ chứa được quy hoạch trên thượng lưu sông Mê Kông sẽ là 161 công trình với tổng dung tích 101,9 tỷ m3. Do đó dẫn đến lượng phù sa, bùn cát về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm chỉ còn dưới 20% so với trước năm 2012.

Đặc biệt, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng đang gây sụt lún đất tăng dần trong những năm qua. Trong 25 năm (1991-2016), nhiều vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long mực nước ngầm hạ xuống hơn 5m, gây nên sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực 1,1cm/năm, có những nơi sụt lún 2,5cm/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.

Bình Thuận: Nông dânkhốn đốn vì nước tưới và đất bị nhiễm mặn

Theo báo Nhân dân đưa tin, đã hơn hai năm qua, những bức xúc của hàng trăm hộ nông dân ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) về việc nhiều cơ sở sản xuất giống thủy sản mặc nhiên xả nước thải tràn lan khiến cho nguồn nước tưới và hàng chục ha đất sản xuất của nông dân ngày càng bị nhiễm mặn vẫn chưa được giải quyết.

Nguồn nước tưới tiêu bị nhiễm mặn nghiêm trọng.

Theo phản ảnh của nhiều hộ dân ở hai thôn Mỹ Tường 1 và Mỹ Tường 2, xã Nhơn Hải, tình trạng nguồn nước sản xuất và đất đã bị nhiễm mặn nhiều năm qua, mấy năm gần đây, khi trên địa bàn xã xuất hiện nhiều trại sản xuất tôm giống, ốc hương…, các chủ trại tha hồ bơm nước biển lên sản xuất rồi vô tư xả thải trực tiếp ra môi trường chung quanh mà không thông qua hệ thống xử lý nước thải.

Từ đó, nước biển thẩm thấu ngày càng nhiều, khiến cho nguồn nước tưới và đất bị nhiễm mặn, nông dân không thể trồng hành, tỏi và cây hoa màu khác. Nếu trước đây, mỗi năm, nông dân trồng bốn vụ, thì nay chỉ còn trồng được hai vụ/năm; năng suất giảm so với trước đây rất nhiều.

Theo thống kê của địa phương, hiện có gần 400 cơ sở chuyên sản xuất giống thủy sản. Hai xã Nhơn Hải và Thanh Hải nằm trong vùng quy hoạch sản xuất giống thủy sản tập trung của tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích khoảng 100 ha. Trong đó, xã Nhơn Hải là 80 ha. Hiện tại, gần 51 ha đất nằm trong quy hoạch đã xây trại sản xuất tôm giống.

Mặc dù đã được quy hoạch là khu sản xuất giống thủy sản tập trung của tỉnh, nhưng cho đến thời điểm này, kết cấu hạ tầng giao thông, điện, hệ thống xả thải chung chưa được đầu tư đồng bộ, nên chuyện nước mặn xâm thực ngày càng cao.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã thuê đất mở rộng diện tích sản xuất giống thủy sản rồi xả thải nước biển sau khi sản xuất ra hầm rút, không qua xử lý làm nước thẩm thấu đã gây nhiễm mặn khoảng 30 ha đất sản xuất, đồng thời gây ngập nhiều diện tích ruộng muối của diêm dân nơi đây.

“Lãnh đạo cùng hành động” bảo vệ môi trường

Chương trình “Lãnh đạo cùng hành động” lần thứ 5 vừa khép lại bằng các giải pháp bền vững cho những vấn đề cấp thiết như ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, hướng nghiệp cho sinh viên..

Được ví như lá phổi của TP.Hà Nội, Hồ Tây là một biểu tượng văn hóa trong lòng mỗi người dân Thủ đô. Hiện tượng cá chết hàng loạt tại đây vào năm 2016 đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phục hồi hệ sinh thái Hồ để cứu lấy lá phổi của Thủ đô. Đây cũng là mục tiêu mà nhóm các nhân viên xuất sắc của Dow hướng đến khi triển khai chương trình “Lãnh đạo cùng hành động” lần thứ 5 tại Việt Nam. 

Kết quả là các thành viên của chương trình đã xây dựng được bộ thông số gồm chỉ số về mật độ tảo và nồng độ oxy hòa tan để đo lường sức khỏe của Hồ Tây, kèm với đó là sổ tay hướng dẫn chi tiết cách thực hiện và phương pháp cũng như cách sử dụng dụng cụ đo lường.

Tinh thần làm việc của các thành viên “Lãnh đạo cùng hành động” đã được bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng đánh giá hết sức cao. Theo bà, các nhà lãnh đạo tương lai của Dow thậm chí còn truyền cảm hứng giúp Trung tâm cải tiến cách làm việc nhóm, hướng đến tính chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Đắc Lắc: Bờ sông Krông Ana và Krông Nô sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Theo báo Nhân dân, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Ana và Krông Nô đoạn chảy qua địa bàn huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc diễn ra nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng làm mất nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất của hàng chục hộ dân. Nguyên nhân là do việc đóng, xả nước của các công trình thủy điện ở thượng nguồn và tình trạng khai thác cát tràn lan.

Mặc dù hiện nay đang là mùa khô ở Tây Nguyên, nhưng theo phản ánh của các hộ dân thuộc tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng, xã Ea Rbin, huyện Lắc thì tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô, đoạn chảy qua địa phận buôn Plao Siêng vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Để bảo đảm tính mạng và tài sản của mình, nhiều hộ dân đã tự di dời nhà cửa vào bên trong nhưng tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục đe dọa. Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Hiệu ở tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng, từ năm 2009 đến nay phải di dời và dựng lại nhà của tới ba lần, vì cứ dựng nhà lên được một thời gian thì bờ sông lại bị sạt lở vào đến tận móng nhà.

Cũng theo phản ảnh của người dân buôn Plao Siêng, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô đã xảy ra trong nhiều năm qua không chỉ nhiều hộ dân phải di dời nhà cửa mà nhiều diện tích đất sản xuất cũng bị sạt lở xuống lòng sông, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

Sạt lở bờ biển đe dọa cuộc sống người dân Bến Tre

Mấy năm qua, tình hình sạt lở bờ biển tại tỉnh Bến Tre diễn biến rất phức tạp, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống và sản xuất của người dân. Tại ba huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, sạt lở làm một lượng lớn diện tích rừng phòng hộ, hoa màu và nhà của người dân bị sóng biển cuốn trôi.

Tỉnh Bến Tre có chiều dài bờ biển hơn 65 km với hàng trăm hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản ven bờ, trồng hoa màu trên những giồng cát ven biển. Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu làm cho thời tiết diễn biến thất thường; gió to, sóng lớn liên tục ập vào bờ khiến tình hình sạt lở nghiêm trọng. Cuộc sống của người dân ven biển bị đe dọa do mất đất và buộc phải liên tục di dời nhà cửa.

Từ năm 2013 đến nay, sạt lở ở bờ biển khu vực xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) đã xóa sổ 110 ha đất sản xuất của người dân. Trong đó, khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng 9,5 km với 97 hộ dân đang sinh sống. Nhiều hộ dân bị mất đất, mất nhà do sạt lở bờ biển gây ra.

Tại huyện Ba Tri, tình hình sạt lở bờ biển cũng rất phức tạp. Người dân sống ven biển ấp Thạnh Hải (xã Bảo Thuận) hầu như nhà nào cũng mất đất vì sạt lở; có gia đình mất hết đất sản xuất, nhà cửa cũng bị cuốn trôi nên phải bỏ đi xứ khác làm thuê, làm mướn kiếm sống.

Gia đình ông Dương Ngọc Thanh có gần một ha đất trồng dưa hấu, củ cải trắng ngay sát bờ biển. Hơn chục năm qua, bờ biển bị sạt lở nên “nuốt” đất dần dần. Bây giờ diện tích đất của gia đình ông chỉ còn 3.000 m2 và đang tiếp tục sạt lở gần tới căn nhà đang ở. Ông Thanh cho biết: “Trước đây căn nhà của tôi ở cách bờ biển gần một km với vạt rừng bần, giồng cát nhưng nay đã sạt lở vào gần tới nhà. Với tình hình này chỉ vài năm nữa toàn bộ nhà cửa ở khu vực này sẽ bị trôi xuống biển”.

Thanh Hóa: Rác “bức tử” rừng ngập mặn ven biển

Theo báo TN&MT, Năm 2014 - 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa (chủ đầu tư) triển khai trồng mới, bảo vệ và phát triển 300ha rừng ngập mặn tại các xã Đa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa). Đến nay, nhiều diện tích rừng ngập mặn đang bị rác “bủa vây”, điều này đã khiến nhiều cánh rừng bị chết, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phồng chống bão lũ của địa phương.

Nhiều diện tích rừng ngập mặn bị rác bủa vây.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 29/3: Rác “bức tử” rừng ngập mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới