Thứ sáu, 29/03/2024 06:01 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 4/6: Bãi rác ô nhiễm rộng như sân vận động

MTĐT -  Thứ hai, 04/06/2018 17:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nông Cống (Thanh Hóa), bãi rác ô nhiễm rộng như sân vận động; Hà Nội, phạt nặng “hung thần” gây ô nhiễm đường phố… là một số tin môi trường trong ngày.

Mưa lũ cuốn trôi 3 cầu dân sinh tại Cao Bằng

Ngày 3/6 vừa qua, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) cho biết, mưa lớn liên tục trong những ngày qua đã xuất hiện lũ ống cục bộ lúc rạng sáng cùng ngày gây ra nhiều thiệt hại.

Theo thông tin trên MT&CS, rạng sáng 3/6, tại tỉnh Cao Bằng xuất hiện mưa lớn ở nhiều nơi gây ra lũ ống cục bộ. Mưa nhiều tại huyện Bảo Lâm còn gây ra lũ quét bất ngờ trong đêm khiến 3 cây cầu dân sinh đi các xã Nam Quang, Nam Cao, Tân Việt bị cuốn trôi.

Ngoài ra, mưa lũ còn làm sập và cuốn trôi toàn bộ tài sản của một hộ dân ở xã Tân Việt, gây ngập úng 25 ha lúa, ngô; cuốn trôi đất đá gây sạt lở, vùi lấp 10 ha hoa màu.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bảo Lâm đã đến hiện trường phối hợp cùng chính quyền xã huy động nhân dân đến giúp gia đình bị nạn thu dọn nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống.

33% đối tượng được thanh tra, kiểm tra có vi phạm về bảo vệ môi trường

Qua 701 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 2.565 tổ chức, cá nhân thì có 33% số đối tượng được thanh tra, kiểm tra có vi phạm.

Theo số liệu vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Hồng Hà gửi đến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), năm 2017, qua 701 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 2.565 tổ chức, cá nhân (tập trung vào các cơ sở có nguồn thải lớn từ 200m³/ngày đêm trở lên) thì đã có 33% số đối tượng được thanh tra, kiểm tra có vi phạm; các vi phạm chủ yếu tập trung vào các nội dung như: không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết Bảo vệ môi trường đã được phê duyệt (chiếm 40%); không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết Bảo vệ môi trường (chiếm 21%); vi phạm về quản lý chất thải nguy hại (chiếm 14%); xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải (chiếm 13%).

Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, các cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính 700 tổ chức, cá nhân với số tiền là 82 tỷ 80 triệu đồng, truy thu 239 triệu đồng.

Nông Cống (Thanh Hóa): Bãi rác ô nhiễm rộng như sân vận động

Theo báo TN&MT đưa tin, bãi rác huyện Nông Cống được UBND huyện ký quyết định số 319/QĐ-UBND, chuyển giao việc quản lý và xử lý cho công ty cổ phần Xây dựng và Quản lý giao thông Công chính Nông Cống từ ngày 15/3/2012, với diện tích 8,3 ha, 4 hố chứa rác, đây là nơi tập kết rác của toàn huyện với số lượng lớn khoảng 50 tấn/ngày.

Hiện bãi rác vẫn chưa được quy hoạch đạt chuẩn nên tình trạng ứ đọng rác ngày một tăng, gây ô nhiễm nghiêm trọng và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân sinh sống quanh đó.

Ảnh: Báo TN&MT.

Nhiều hộ dân sinh sống quanh đó cho biết: Những hôm nắng ráo, mùi hôi thối hòa lẫn mùi khói khét lẹt từ bãi rác, ngửi mà thấy khó chịu, hễ khi nào trâu, bò đi qua bãi rác là ruồi muỗi bám đầy. Nhiều hôm ăn cơm cũng không thể nuốt nổi, chỉ sợ sống gần bãi rác ô nhiễm lại sinh bệnh tật, vì vậy rất mong chính quyền địa phương và cơ quan chức nắng sớm có biện pháp khắc phục.

Đầu năm 2014, lò đốt rác theo công nghệ Nhật Bản được xây dựng, tuy nhiên với trữ lượng rác thải toàn huyện khoảng 50 tấn/ngày, đêm thì có khác nào “lấy kiến cõng voi”.

Theo quan sát của PV, toàn bộ diện tích 8,3 ha rác thải chỉ có 3 nhân công, vỏn vẹn 1 chiếc máy ủi và băng chuyền cỡ nhỏ. Việc thiếu trang thiết bị cộng với lò đốt rác quá nhỏ là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng tồn đọng rác thải vẫn chưa được giải quyết.

Hà Nội: Phạt nặng “hung thần” gây ô nhiễm đường phố

Dân số tăng nhanh bởi tốc độ đô thị hóa và các công trình xây dựng nhà ở, hạ tầng giao thông… mọc lên như “nấm sau mưa”. Nhiều người còn ví von Hà Nội đang giống một “đại công trường” xây dựng. Dạo một vòng các tuyến đường vành đai như Phạm Văn Đồng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, quốc lộ 32… dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đoàn xe tải chở đất, đá, vật liệu xây dựng chạy trên đường, bỏ lại phía sau những “cơn lốc” bụi.

Điểm chung của các tuyến đường vành đai, tuyến đường nằm sát công trình xây dựng là mặt đường bị cày nát, những "ổ gà", "ổ voi"… xuất hiện nhan nhản. Toàn bộ cây cối, nhà cửa… của các hộ dân sinh sống hai bên đường luôn phủ một lớp bụi.

Theo ghi nhận của PV TN&MT, địa bàn quận Nam Từ Liêm có nhiều công trình đang thi công trên một số tuyến đường như Hàm Nghi, Lê Đức Thọ... khiến lượng xe tải ra vào phục vụ vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng để thi công rất lớn. Ngoài ra, xe chạy từ các tỉnh qua đường Vành đai 3, đường 70... rầm rập suốt ngày đêm, che chắn không bảo đảm nên đất, cát rơi vãi ra đường, gây bụi bẩn, mất mỹ quan đô thị.

Tuyến đường 70 đoạn qua phường Đại Mỗ, Tây Mỗ từ nhiều năm nay đã trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông bởi hàng trăm lượt xe tải chạy qua hằng ngày cày xới, rơi vãi vật liệu xây dựng xuống đường mà người dân nơi đây ví như những "hung thần" gây bụi bẩn.

Tương tự, hàng loạt xe chở đất đá, vật liệu xây dựng… đang hoành hành trên một số tuyến đường thuộc địa phận quận Bắc Từ Liêm. Cụ thể, tại đường Hoàng Tăng Bí, xe chở vật liệu xây dựng nối đuôi nhau chạy bất kể ngày đêm, không che chắn cẩn thận khiến đất, cát rơi vãi đầy đường. Cầu thủy lợi Liên Mạc có biển báo sức chịu tải dưới 10 tấn nhưng hằng ngày vẫn phải "cõng" một lượng lớn xe quá tải chạy qua.

Trước thực trạng trên, các địa phương, cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm. Cụ thể, các quận, huyện, thị xã đã làm việc với chủ đầu tư các dự án đang thi công, chủ phương tiện vận tải yêu cầu phải ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.

Ảnh: Báo TN&MT.

Tuy nhiên, thực tế vẫn không thể kiểm soát hết các hành vi cố tình vi phạm. Đặc biệt, tại các tuyến đường trọng điểm, được xem là điểm “nóng” ô nhiễm môi trường, dù lực lượng chức năng đã có nhiều phương án xử lý, ngăn chặn nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi.

Ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2018, lực lượng thanh tra giao thông đã kiểm tra, xử lý 1.299 vụ xe tải vi phạm về vệ sinh môi trường, phạt tiền trên 2,6 tỷ đồng. Trong đó, có hai hình thức vi phạm bị xử lý theo thẩm quyền: Xe chở vật liệu xây dựng không che chắn làm rơi vãi xuống đường và xe ép rác chưa xử lý khiến nước chảy ra đường.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 4/6: Bãi rác ô nhiễm rộng như sân vận động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.