Thứ tư, 17/04/2024 02:40 (GMT+7)

Tin MT ngày 7/5: “Tra tấn” môi trường, 1 cty bị phạt 90 triệu đồng

MTĐT -  Thứ hai, 07/05/2018 16:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Tra tấn” môi trường Công ty Đại Việt bị xử phạt 90 triệu đồng, doanh nghiệp đóng quỹ thiên tai tối đa 100 triệu đồng/năm… là một số tin môi trường trong ngày.

Doanh nghiệp đóng quỹ thiên tai tối đa 100 triệu đồng/năm

UBND TP. HCM vừa mới ban hành kế hoạch thu – nộp Quỹ phòng chống thiên tai năm 2018 đối với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trên địa bàn TP.

Theo kế hoạch thu – nộp Quỹ Phòng, chống thiên tai do UBND TP. HCM mới ban hành, năm 2018, mỗi doanh nghiệp sẽ đóng góp tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, công dân Việt Nam, nam từ đủ 18 tuổi đến hết 60 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 55 tuổi đóng góp Quỹ Phòng, chống thiên tai TP một lần cho năm 2018.

Cụ thể: cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp. Người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng.

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 141/2017 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, mức 3.980.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng 1 (gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè); mức 3.530.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng 2 (huyện Cần Giờ). Người lao động khác, ngoài các đối tượng nói trên, đóng 15.000 đồng/người/năm.

Hà Nội: “Tra tấn” môi trường Công ty Đại Việt bị xử phạt 90 triệu đồng

Với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại tổ dân phố 2, đường Thanh Lãm, (phường Phú Lãm, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) như: sản xuất sơn “chui” ngay giữa khu dân cư, xả thải trực tiếp ra môi trường đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân.

Đặc biệt, không có Kế hoạch bảo vệ môi trường được xác định theo quy định, Công ty Cổ phần đầu tư dầu khí Đại Việt đã bị UBND quận Hà Đông xử phạt 90 triệu đồng, đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất sơn nước các loại trong thời gian 9 tháng.

Theo MT&CS thông tin, xưởng sản xuất sơn nước của Công ty Cổ phần đầu tư dầu khí Đại Việt hoạt động gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của người dân.

Ảnh: MT&CS.

Ngày 12/4, UBND quận Hà Đông đã ban hành Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Cổ phần đầu tư dầu khí Đại Việt.

Theo Quyết định của UBND quận Hà Đông, Công ty Cổ phần đầu tư dầu khí Đại Việt có địa chỉ tại số 10, ngõ 3, đường Thanh Lãm, phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Tp. Hà Nội do ông Bùi Văn Thụy làm Tổng Giám đốc tổ chức sản xuất sơn nước các loại nhưng không có Bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác định theo quy định.

Với những vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, UBND quận Hà Đông quyết định xử phạt công ty 90 triệu đồng và đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất sơn nước các loại của Công ty trong thời gian 9 tháng.

Bên cạnh đó, UBND quận Hà Đông yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư dầu khí Đại Việt phải có biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt và xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trong thời hạn 6 tháng.

Tăng cường công tác ứng phó thiên tai năm 2018

Theo TTXVN đưa tin, ngày 7/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức hội nghị trước mùa thiên tai năm 2018 và giới thiệu mô hình phối hợp lực lượng đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu cập nhật thông tin dự báo tình hình thiên tai năm 2018; công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa, thiên tai của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ mô hình phối hợp hoạt động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, đánh giá hệ thống ứng phó thảm họa, tổ chức, hoạt động của Đội ứng phó thiên tai, thảm họa các cấp Hội Chữ thập đỏ.

Đối phó với công tác ứng phó thiên tai năm 2018.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: Để chuẩn bị ứng phó với thiên tai năm 2018, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chuẩn bị nguồn lực dự phòng trong toàn hệ thống Chữ thập đỏ các cấp gồm tiền, hàng cứu trợ trị giá hơn 100 tỷ đồng. Trong đó có các thùng hàng gia đình, bộ dụng cụ sửa chữa nhà, tấm bạt phủ, nhà tạm (lều bạt), nhà vệ sinh di động, viên khử khuẩn nước Aquatabs, bình lọc nước, thiết bị lọc nước, thiết bị lọc nước mặn/lợ, gói lọc nước, thùng truyền thông thay đổi hành vi về nước sạch, vệ sinh (HP).

Năm 2017, với phương châm ứng phó nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả hơn với thiên tai, thảm họa, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ban hành Quy định đối tượng, tiêu chí, mức hỗ trợ và thẩm quyền quyết định hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa trong nước đối với cứu trợ khẩn cấp (từ nguồn Quỹ cứu trợ thiên tai).

TP HCM: Rà soát, xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở trước mùa mưa bão

UBND TP. HCM vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và UBND các quận huyện khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp phòng chống tình trạng sạt lở tại các khu vực sông, kênh, rạch… đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão năm 2018.

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tham mưu các giải pháp phòng chống nguy cơ sạt lở đất bờ sông, bờ biển trên địa bàn năm 2018, đặc biệt tập trung xử lý ngay các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân, công trình công cộng của nhà nước.

Sở TN&MT chịu trách nhiệm thực hiện thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng T1, T2 của các dự án kè chống sạt lở trong thời gian ngắn nhất để các chủ đầu tư có mặt bằng phục vụ thi công hoàn thành dứt điểm các dự án kè chống sạt lở bờ sông bảo vệ an toàn khu dân cư.

Sở Xây dựng cần cân đối giải quyết quỹ nhà bố trí tái định cư cho các hộ dân di dời; tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm không phép trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.

Các cơ quan liên quan cần tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp với tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai trong việc tuần tra, kiểm tra và xử lý triệt để các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép, không phép trên tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và vùng biển huyện Cần Giờ; khắc phục các sự cố về hệ thống điện do sạt lở gây ra; chủ động di dời các hệ thống điện nằm trong phạm vi sạt lở không đảm bảo an toàn.

UBND các quận 2, 7, 8, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh có trách nhiệm tổ chức vận động di dời và hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn; thường xuyên chốt chặn tại các vị trí đã xảy ra sạt lở, kiên quyết không để người dân quay lại khu vực sạt lở để di dời tài sản hoặc ở lại các căn nhà có nguy cơ tiếp tục sạt lở, bảo vệ tài sản của hộ dân sau khi đã di dời; đôn đốc các chủ đầu tư, chủ dự án thực hiện xây dựng công trình phòng, chống sạt lở, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển đúng tiến độ…

Hà Nội: Xử lý khẩn cấp sự cố sụt lún ở xã Hợp Thanh (Mỹ Đức)

Theo HNM đưa tin, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất UBND thành phố phương án xử lý khẩn cấp sự cố sụt lún tại thôn Ải, xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức).

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan điều tra, khảo sát xác định nguyên nhân, xây dựng phương án xử lý khẩn cấp khu vực sụt lún để vừa sớm ổn định cuộc sống của người dân, kịp thời ngăn nước lũ sông Mỹ Hà trong mùa mưa bão năm 2018; chỉ định đơn vị triển khai phương án khắc phục sự cố sụt lún…

Ảnh: Hà Nội Mới.

Sở Xây dựng khẩn trương rà soát, xây dựng các trạm cấp nước sinh hoạt tập trung để giảm nguy cơ sụt lún do việc khoan giếng, sử dụng nguồn nước ngầm…

Trước đó, hồi 19h ngày 1/5, tại thôn Ải, xã Hợp Thanh xảy ra sự cố sụt lún làm sập đổ, hư hỏng 3 ngôi nhà, nơi ở của 14 nhân khẩu; cắt đứt tuyến đê sông Mỹ Hà, cũng là đường giao thông liên xã Hợp Thanh - Hợp Tiến; sụt 1 cột điện hạ thế… Sự cố không gây thiệt hại về người.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin MT ngày 7/5: “Tra tấn” môi trường, 1 cty bị phạt 90 triệu đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.