Thứ ba, 23/04/2024 23:27 (GMT+7)

Tin MT ngày 7/6: Vẫn chưa có kết luận về sự cố xả khí thải ở Cà Mau

MTĐT -  Thứ năm, 07/06/2018 17:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự cố xả khí ở Cà Mau, kết quả xét nghiệm vẫn trong vòng bí ẩn; Đồng Nai, nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý về bảo vệ môi trường… là một số tin môi trường trong ngày.

Sự cố xả khí ở Cà Mau: Kết quả xét nghiệm vẫn trong vòng bí ẩn

Theo Dân Việt thông tin, đã 1 tháng trôi qua kể từ ngày diễn ra sự cố xả khí môi trường ở huyện Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau, hôm nay (7/6), Phòng Tài nguyên và môi trường (TNMT) huyện Trần Văn Thời cho biết, đơn vị vừa có báo cáo rà soát, kiểm tra thiệt hại, tuy nhiên kết quả xét nghiệm cụ thể vẫn chưa có nên người dân vẫn vô cùng hoang mang, lo lắng.

Theo đó, qua khảo sát thực tế của Phòng TNMT huyện Trần Văn Thời thì hiện có 35 hộ bị ảnh hưởng, phạm vi khoảng 300m theo hướng Tây Bắc, tính từ cột xả nguội của Trạm tiếp bờ của Công ty Khí Cà Mau, trên lá cây chuối có lớp màng nhờn, phủ lên lá; không khí có mùi hôi khó chịu.

Phòng TNMT huyện Trần Văn Thời cũng kiến nghị Sở TNMT sớm công bố kết quả phân tích các thông số để người dân an tâm sinh sống, sản xuất.

Sự cố xả khí ra môi trường làm ảnh hưởng đến 35 hộ dân. Ảnh: Dân Việt.

Trước đó, theo phản ánh của người dân ở ấp Mũi Tràm, Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, rạng sáng 8/5, không khí khu vực có mùi lạ, khó chịu, lớp nhờn phủ trên lá cây trồng, rau màu, nhà cửa, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và nguồn nước. Sau đó ngành chức năng xác định sự cố do Trạm tiếp bờ của Công ty khí Cà Mau xả khí thải ra môi trường.

Lạng Sơn: Hưởng ứng Tháng Hành động vì môi trường

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2018 và Tháng Hành động vì môi trường, vừa qua, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Qua đó, nhằm nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và loại bỏ chất thải nhựa, giảm thiểu áp lực từ rác thải nhựa, các chất ô nhiễm môi trường đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.

Sáng 5/6, tại xã Chi Lăng, UBND huyện Chi Lăng đã phối hợp với Sở TN&MT tổ chức lễ phát động “Tháng Hành động vì môi trường” và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2018. Buổi lễ đã thu hút sự quan tâm của nhiều Sở, ngành, địa phương và người dân tham gia.

Ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới. Lạng Sơn cần thực hiện thường xuyên, liên tục, hằng ngày, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp có nhận thức và thay đổi dần về công nghệ sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền tới các cửa hàng, siêu thị và người tiêu dùng hạn chế sử dụng các túi bằng ni lông khó tự phân hủy, thay thế sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường; đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng… ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để bảo vệ môi trường.

Ngay sau Lễ phát động, Ban Tổ chức phát 500 kg túi ni lông sinh học, thân thiện với môi trường cho các đại biểu và nhân dân. Đồng thời, tổ chức diễu hành tuyên truyền về Ngày Môi trường thế giới, thả khoảng 1 vạn con cá chép, trắm giống xuống hồ Bãi Hào, xã Chi Lăng.

Đồng Nai: Nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý về bảo vệ môi trường

Theo báo TN&MT đưa tin, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đồng Nai chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường…

Theo Sở TN&MT Đồng Nai, đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó 31/32 KCN đã có dự án đi vào hoạt động về cơ bản đã xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung (XLNTTT), đạt 100%, đạt chỉ tiêu so với Nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai đề ra, với tổng công suất thiết kế là 166.070 m3/ngày.đêm, tổng vốn đầu tư khoảng 1.763 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đã hoàn thành thủ tục đầu tư lắp đặt 06 trạm quan trắc tự động nước thải tại 06 KCN: Nhơn Trạch 2 - Lộc Khang, Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, Nhơn Trạch 6A, Giang Điền, Dầu Giây và Long Khánh. Như vậy, đến cuối năm 2017, tỉnh Đồng Nai có 25/25 KCN đủ nước thải để vận hành liên tục hệ thống xử lý nước thải được lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, đạt 100%.

Cũng theo Sở TN&MT Đồng Nai, ngoài nhiệm vụ quan trắc nước thải tại các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Sở TN&MT chủ trì thực hiện, định kỳ 01 năm 02 lần, Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát việc thu gom, đấu nối nước thải của các doanh nghiệp và tình hình xây dựng, vận hành nhà máy XLNTTT của các KCN, kết quả giám sát, như sau:

Tổng lượng nước thải phát sinh tại 31 KCN đang hoạt động khoảng 116.893 m3/ngày.đêm. Trong đó, lượng nước thải của các doanh nghiệp thu gom đấu nối về các nhà máy XLNTTT là 83.088 m3/ngày.đêm (chiếm 71,08%), lượng nước thải của các doanh nghiệp được cấp phép xả thải trực tiếp là 33.685 m3/ngày.đêm (chiếm 28,82%), lượng nước thải còn lại của các doanh nghiệp chưa đấu nối khoảng 120 m3/ngày.đêm (chiếm 0,1%). 

Đồng Nai rất chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường tại các KCN.

Bình Dương đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho bảo vệ môi trường

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, năm 2018, địa phương này có kế hoạch đầu tư gần 700 tỷ đồng vào các công trình, dự án trọng điểm về môi trường tại 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh này dành nguồn kinh phí dự kiến khoảng 13.230 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó nguồn vốn ODA là khoảng 7.619 tỷ đồng.

Một trong những dự án bảo vệ môi trường có số vốn lớn tác động trên địa bàn có nhiều dân cư sinh sống là Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương đã đi vào hoạt động. Theo đó, đầu năm 2018, Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương tại thị xã Bến Cát, đã hoàn thành giai đoạn II và đi vào vận hành, sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch.

Dự án này được thực hiện qua 2 giai đoạn với vốn đầu tư 30,5 triệu USD, gồm vốn vay ODA và vốn đối ứng của tỉnh; riêng giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 180 tỷ đồng, trong đó vốn ODA từ Phần Lan gần 131 tỷ đồng. Dự án góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường của Bình Dương, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững.

Hiện tỉnh Bình Dương cũng đã triển khai lắp đặt quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động cho các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 500 m3/ngày trở lên. Đến nay, đã có 72/93 nguồn thải đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động, kiểm soát được 78% tổng lưu lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương đã chủ động xác lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tỉnh để tập trung xử lý nhằm khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường. Hàng năm, tỉnh đều ban hành danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường để tập trung xử lý. Đến nay, 268/269 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành khắc phục ô nhiễm, đạt tỷ lệ trên 99%. 

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin MT ngày 7/6: Vẫn chưa có kết luận về sự cố xả khí thải ở Cà Mau. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới