Thứ sáu, 19/04/2024 22:47 (GMT+7)

Tin MT ngày 7/7: Làm rõ việc ứng 9 triệu USD xử lý bãi rác Đa Phước

MTĐT -  Thứ bảy, 07/07/2018 17:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Làm rõ việc ứng 9 triệu USD để xử lý bãi rác Đa Phước; Bình Thuận: Xử lý vụ khai thác cát trái phép tại khu vực lòng hồ Đa Mi… là một số tin môi trường trong ngày.

Làm rõ việc ứng 9 triệu USD để xử lý bãi rác Đa Phước

Theo VTV đưa tin, liên quan đến bãi rác Đa Phước đang được coi là nguyên nhân phát tán mùi hôi thối ở khu vực phía Nam TP. HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có yêu cầu Thanh tra Chính phủ cùng các đơn vị liên quan làm rõ có hay không việc cố ý làm trái quy định, vi phạm luật Ngân sách, trong việc UBND TP. HCM ứng trước cho Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư bãi rác Đa Phước số tiền 9 triệu USD để triển khai dự án này.

Theo Thanh tra Chính phủ, UBND TP. HCM từng giải trình: Việc trả tiền trước cho Công ty VWS là nhằm làm giảm chi phí xử lý rác từ 16,96 USD/tấn xuống còn 16,4 USD/tấn. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước xác định cách làm này không đúng theo luật Ngân sách Nhà nước. Dù được giới thiệu là công nghệ xử lý rác tiên tiến nhưng kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy dự án xử lý rác Đa Phước chỉ là "chôn lấp hợp vệ sinh truyền thống".

Quá trình triển khai công nghệ này đã gây phát tán mùi hôi, ô nhiễm môi trường. Năm 2017, Tổng cục Môi trường đã xử phạt Công ty VWS hơn 1,5 tỷ đồng vì nhiều vi phạm về môi trường, buộc khắc phục hậu quả vi phạm.

Làm rõ việc ứng 9 triệu USD để xử lý bãi rác Đa Phước.

Bình Thuận: Xử lý vụ khai thác cát trái phép tại khu vực lòng hồ Đa Mi

Ngày 5/7, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành công văn số 2746/UBND-KT về việc xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tập kết cát trái phép tại khu vực lòng hồ Đa Mi của Công ty TNHH MTV Tuấn Cát Lợi (Công ty Tuấn Cát Lợi).

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo các ngành chức năng của huyện, UBND xã Đa Mi phối hợp với Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi mời Công ty Tuấn Cát Lợi làm việc để làm rõ hành vi vi phạm về lĩnh vực đất đai và xử lý theo quy định.

Đồng thời, yêu cầu Công ty Tuấn Cát Lợi tháo dỡ, di chuyển toàn bộ nhà tiền chế, tàu hút cát và xà lan ra khỏi diện tích đất khu vực lòng hồ thủy điện Đa Mi thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận trước ngày 15/7/2018; khắc phục hiện trạng sử dụng đất đúng theo mục đích sử dụng đất đã được UBND tỉnh giao cho Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi.

Ngoài ra, yêu cầu Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi kiểm điểm tập thể lãnh đạo và chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng diện tích đất đúng theo mục đích được giao tại khu vực lòng hồ thủy điện Đa Mi trong thời gian tới, tránh tình trạng lợi dụng việc nạo vét lòng hồ, khai thác khoáng sản trái phép gây ảnh hưởng đến công trình quốc gia.

Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai gây ô nhiễm môi trường trầm trọng

TTXVN đưa tin, theo kết quả phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên: Qua việc lấy 12 mẫu nước mặt tại thôn Minh Khai thì cả 12 mẫu đều vượt quy chuẩn và có tổng 88/228 thông số quan trắc vượt giới hạn cho phép. Trong đó các chỉ số BOD5, COD, TSS đều vượt từ hơn 1 đến 7 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt; riêng chỉ số NH4 vượt tới 32,5 lần mức cho phép.

Theo thông tin từ Cục Kiểm soát ô nhiễm - Tổng cục Môi trường, nguyên liệu để sản xuất tái chế tại làng nghề Minh Khai hiện nay chủ yếu là phế liệu nhựa có nguồn gốc từ nước ngoài, là phế liệu nhập lậu vì chưa có tổ chức, cá nhân nào trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Việc làm này của các cơ sở tái nhựa ở làng nghề Minh Khai là vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Hoạt động tái chế nhựa đã làm phát sinh rác thải với khối lượng 60 -65 tấn/ngày không được thu gom, xử lý theo quy định, tập kết tại các khu đất trống dọc hai bên đường trong thôn. Hiện tổng lượng chất thải rắn tồn đọng tại các khu đất trống dọc 2 bên đường trong làng nghề Minh Khai ước khoảng 30 nghìn tấn.

Lượng nước thải phát sinh từ quá trình tái chế nhựa không được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường với lưu lượng khoảng 7.000 m3 mỗi ngày đêm. Các nguồn phát sinh, bụi thải đều không được thu gom xử lý nên không khí trong làng nghề luôn bốc mùi khét và ngột ngạt.

Hố ga tù đọng gây ô nhiễm ở Nha Trang

Tại khu vực ngã ba đường Trần Khát Chân - Lê Công Hạnh, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có 2 hố ga bị ứ đọng, nước thải chảy tràn ra đường gây ô nhiễm và mất mỹ quan khu vực.

Mặc dù diễn ra trong một thời gian dài và người dân nhiều lần kiến nghị nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết, gây bức xúc trong dân. 

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin MT ngày 7/7: Làm rõ việc ứng 9 triệu USD xử lý bãi rác Đa Phước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...