Thứ sáu, 29/03/2024 21:22 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/11/2018

MTĐT -  Thứ bảy, 10/11/2018 11:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/11/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/11/2018.

Việt Nam cần chủ động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu

Nguyên Tổng Giám đốc chương trình phát triển Liên Hợp Quốc cho rằng các nước dễ tổn thương như Việt Nam cần chủ động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay chưa đủ để thực hiện mục tiêu mà các quốc gia hướng tới, thể hiện thông qua Thỏa thuận chung Paris. Và khi tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục trở nên trầm trọng, những nước dễ bị tổn thương như Việt Nam sẽ phải hứng chịu nhiều tổn thất. Đây là khuyến cáo được đưa ra tại Diễn đàn Hà Nội 2018 - Hướng tới phát triển bền vững. Sự kiện thu hút lãnh đạo quốc tế, các nhà khoa học, diễn giả nổi tiếng trong và ngoài nước tham dự. Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị chủ trì.

Sạt lở, triều cường, các hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa an ninh lương thực, an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

 Ngay trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc diễn đàn, bà Helen Clark, nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc chương trình phát triển Liên Hợp Quốc khẳng định, hiện nay nhiều nền kinh tế vẫn vận hành theo hướng khiến nhiệt độ Trái đất tăng lên hơn 3oC, thay vì giữ mức dưới 2oC như thỏa thuận chung. Nếu tình trạng này tiếp diễn, sẽ gây thảm họa lớn cho thế giới. Chính vì vậy, việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cần phải được các nước dễ tổn thương như Việt Nam và New Zealand chuẩn bị một cách chủ động.

GS Mai Trọng Nhuận từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Việt Nam đã sớm có chiến lược tầm quốc gia để ứng phó với biến đổi khí hậu. Vấn đề là triển khai thành những hành động cụ thể và hiệu quả.

Diễn đàn Hà Nội 2018 hướng tới phát triển bền vững là sáng kiến của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhằm đưa ra các nghiên cứu mới nhất liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình của các nước tham dự, các giải pháp tiên tiến để xây dựng một xã hội hài hòa, phát thải carbon thấp và thích ứng tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Hồ Linh Quang: Hơn 10 năm chờ từ hồ "chết" thành "phổi xanh"

Hồ Linh Quang nằm ngay giữa khu dân cư phường Văn Chương, Hà Nội bị ô nhiễm nặng nề đã nhiều năm nay và trở thành nỗi khiếp sợ của người dân sống xung quanh.

Cái sốt ruột, bức xúc của người dân không phải không có lý khi dự án cải tạo hồ Linh Quang đã có từ năm 2007, tức là cách đây hơn 1 thập kỷ. Do khó khăn về nguồn vốn, dự án phải dừng lại và mới được tái khởi động vào cuối năm 2017.

Hơn 1 năm trôi qua, dự án vẫn đang vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng với gần 50 hộ dân chưa đồng ý phương án đền bù, di dời.

Dù theo đại diện của UBND Quận Đống Đa, 6 tháng vừa qua, việc thi công được tiến hành rất tích cực. Nhưng, ghi nhận tại hiện trường, các hoạt động thi công mới dừng lại ở việc hút nước khỏi lòng hồ và đổ các khối bê tông cho việc kè bờ sau này.

Điện Biên: Sông Nậm Rốm tiếp tục bị ô nhiễm do sơ chế dong riềng

Mùa dong riềng năm nay mới diễn ra khoảng nửa tháng nhưng dòng suối đầu nguồn của sông Nậm Rốm đã lại tiếp tục bị chuyển màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Theo báo TN-MT, hầu hết các cơ sở sơ chế dong riềng đều nằm dọc quốc lộ 279 và đặt ngay sát dòng suối đầu nguồn sông Nậm Rốm. Do đó, ảnh hưởng từ việc xả các chất thải, bã dong riềng sau sơ chế xuống dòng nước rất nặng nề.

Ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu, cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 10 cơ sở sơ chế, chế biến dong riềng. Những năm trước, vì hoạt động xả thải sau sơ chế dong riềng, dòng suối Nậm Rốm chảy qua địa bàn xã bị chuyển màu đen ngòm, gây mùi khó chịu. Trước thực trạng đó, chính quyền xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu các hộ sản xuất ký cam kết bảo vệ môi trường; phối kết hợp với Phòng TN&MT huyện, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra, xử phạt hành chính...

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở chế biến dong riềng đều không thực hiện đúng theo cam kết bảo vệ môi trường đã ký. Các ao lắng nước gần như đã đầy bã, không được cải tạo, nạo vét, mà nước thải được tạo dòng khơi thẳng ra suối.

Việt Nam và Nhật Bản phối hợp kiểm kê nguồn nước thải ô nhiễm tại lưu vực các sông lớn

Tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại lưu vực ba con sông lớn: sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy và sông Đồng Nai.

Theo đó,Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản phối hợp xây dựng kiểm kê nguồn ô nhiễm nước thải cho quản lý môi trường nước lưu vực sông, đặc biệt tại lưu vực sông Cầu, Sông Nhuệ-Đáy và sông Đồng Nai.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, việc ứng dụng hệ thống địa lý thông tin (GIS) là cần thiết trong việc xử lý các dữ liệu phân tán trong không gian, một ví dụ điển hình của việc sử dụng máy tính cho kiểm kê nguồn nước thải lưu vực sông.

Hệ thống này có thể xác định vị trí mỗi nguồn điểm và xác định ranh giới xung quanh khu vực mỗi nguồn, tiết kiệm nguồn nhân lực. Tuy nhiên, dữ liệu và thông tin cần được số hóa.

Việc điều tra nguồn nước thải sẽ được thực hiện theo 4 cấp độ từ 20m-200m/ngày đêm trở lên. Tất cả các nguồn nước thải thuộc đối tượng phải có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Việc thực hiện điều tra nguồn nước thải ở các cấp độ tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ được tiến hành từ nay đến trước ngày 1/1/2025.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/11/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới