Thứ sáu, 29/03/2024 06:19 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/8

MTĐT -  Thứ ba, 14/08/2018 08:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các địa phương chủ động ứng phó bão số 4; Thanh Hóa: Khó khăn trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt… là một số tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay.

Các địa phương chủ động ứng phó bão số 4

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đến 13h ngày 16/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Để chủ động ứng phó với bão số 4, chiều 13/8, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo hướng dẫn cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển, trên đảo và ven biển (nuôi trồng thủy sản, vận tải biển,…) để bảo đảm an toàn về người và tài sản, đặc biệt đối với khách du lịch trên biển và trên các đảo.

Đối với khu vực trên đất liền: Chủ động tiêu nước đệm, chống ngập úng khu vực đô thị và sản xuất nông nghiệp, nhất là tại Thủ đô Hà Nội; Triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, khu vực đang xảy ra sự cố đê điều, hồ đập.

Các địa phương chủ động đối phó với bão số 4. Ảnh minh họa: Internet.

Bất an sạt lở ở những bãi thải than quặng trong mùa mưa bão

Theo thông tin trên VTV, xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên, có đến gần một nửa diện tích là các bãi đổ thải than quặng của Công ty Than Khánh Hòa. Sân vườn, tường rào, cầu thang, tất cả đều nứt toác. Sống trong căn nhà chỉ cách bãi thải than quặng chất cao như núi chưa đến 50m, một hộ dân ở đây cho biết, một đoạn kè đá đã được công ty than xây dựng sau sự cố sạt lở cách đây chưa lâu.

Ở xã Phúc Hà, những vết nứt ngày một rộng ra, có cả những vết nứt xuyên từ sân nhà này sang sân nhà khác. Các vết nứt tuy không lớn nhưng khi đổ cả xô nước vào vẫn chẳng thấy nước tràn lên. Đại diện chính quyền địa phương cho biết, hiện có hơn chục hộ trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Số hộ bị ảnh hưởng lên tới cả trăm gia đình.

Theo đơn vị khai thác than, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã được mời về để đo đạc, nghiên cứu và có báo cáo cụ thể về địa chất ở khu vực có các bãi đổ thải. Đơn vị khai thác than cũng khẳng định, độ cao ở các bãi thải vẫn trong giới hạn cho phép.

Thanh Hóa: Khó khăn trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang ở mức báo động. Nguyên nhân một phần là do việc xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt chưa hiệu quả khiến nguồn nước, không khí bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, vấn đề thu gom, xử lý hiệu quả CTR sinh hoạt đang là bài toán khó đối với các địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 2.450 tấn/ngày đêm, trong khi đó tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt trung bình cả tỉnh mới chỉ đạt khoảng 82,5%. Những năm gần đây, công tác quản lý, xử lý CTR đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao, kịp thời của tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, đơn vị, địa phương, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Công nghệ xử lý CTR sinh hoạt lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp; việc phân loại,  tái chế, tái sử dụng CTR sinh hoạt còn nhiều hạn chế; phí thu gom, xử lý rác thải thấp... Vì vậy chưa có nhiều tổ chức, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải, nhất là CTR.

Để xử lý CTR sinh hoạt, toàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng 23 khu xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng có chủ trương đầu tư, kêu gọi đầu tư và đưa vào hoạt động 21 lò đốt rác thải. Trong đó, có 10 lò đốt được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện và xã với tổng công suất 168 tấn/ngày đêm; 11 lò đốt được đầu tư từ nguồn vốn doanh nghiệp và vốn hợp pháp khác với tổng công suất 295 tấn/ngày đêm.

Đại diện lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh, cho biết: Trước những khó khăn bất cập trong xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thì việc xử lý hiệu quả CTR sinh hoạt đang trở thành vấn đề cấp thiết.

TP.Uông Bí (Quảng Ninh): Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Theo báo TN&MT, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh là địa phương có hoạt động sản xuất công nghiệp sôi động, nhiều ngành sản xuất công nghiệp đặc thù khai thác than, nhiệt điện, sản xuất vôi, điều này tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường. Vì vậy, TP Uông Bí đã đề ra nhiều giải pháp tích cực như vận động người dân và doanh nghiệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, khắc phục những "điểm nóng” ô nhiễm môi trường khu vực dân cư, đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường và chỉnh trang đô thị…

Theo ông Lê Ngọc Hà, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Uông Bí, triển khai chủ đề công tác năm 2018 của tỉnh, ngày 22/1/2018, UBND TP Uông Bí đã ban hành Kế hoạch thực hiện chủ đề năm 2018 “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên” trên địa bàn thành phố.

Trong đó, mục tiêu chính được xác định tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ và nâng cao môi trường tự nhiên. Cùng với đó, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống, xây dựng lối sống thân thiện môi trường, tập trung đầu tư các công trình trọng điểm xử lý nước thải, chất thải rắn và phục hồi môi trường dân sinh.

Indonesia thiệt hại hơn 340 triệu USD do động đất

Ngày 5/8, trận động đất mạnh 6,9 độ richter đã san bằng hàng chục nghìn ngôi nhà, đền thờ Hồi giáo và cửa hàng tại Lombok. Ước tính đã có hơn 350.000 người bị mất nhà cửa.

Trận động đất trên đảo Lombok của Indonesia ước tính thiệt hại hơn 340 triệu USD. Tính đến ngày 13/8, số người thiệt mạng do động đất đã lên hơn 400 người.

Hệ thống đường sá bị nứt vỡ, đặc biệt là ở vùng núi phía Bắc đảo Lombok đang là trở ngại lớn đối với hoat động cứu trợ.

Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân bị mắc kẹt dưới các đống đổ nát.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.