Thứ năm, 28/03/2024 18:51 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 16/11/2018

MTĐT -  Thứ sáu, 16/11/2018 11:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 16/11/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 16/11/2018.

Nam Định: Người dân khổ sở vì bãi rác gây ô nhiễm môi trường

Theo KT Nông thôn đưa tin, khoảng 20 năm qua, kể từ khi bãi tập kết, chôn lấp rác thải được đặt tại làng Man, xã Lộc Hòa, TP. Nam Định, người dân nơi đây phải “cam chịu” sống chung cùng ô nhiễm. Càng ngày, lượng rác thải tập kết về đây càng nhiều, những hệ lụy dân làng Man gánh chịu cũng tăng lên từng ngày, kèm theo những bức xúc, phản ứng ngày một nhiều.

Không chịu được cảnh ô nhiễm bủa vây, nhiều lần người dân nơi đây đã kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương, với mong muốn được giải quyết triệt để việc bãi rác gây ô nhiễm, nhưng việc giải quyết vẫn chỉ “qua loa, đại khái” nên người dân làng Man vẫn “gồng mình” sống chung với rác thải.

Đến chiều ngày 11/11, do quá bức xúc trước việc bãi tập kết, chôn lấp rác thải này đã sắp “quá tải”, nhưng những xe chở rác vẫn “nối đuôi” nhau đưa rác về đây tập kết, người dân làng Man đã hô hào nhau ra chặn đường, không cho xe chở rác vào bên trong.

Theo người dân làng Man cho biết, việc sống chung với rác thải cũng không phải xa lạ, nhưng càng ngày mùi hôi thối của đủ loại rác thải khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhà nào cũng đóng kín cửa nhưng mùi hôi thối vẫn bay vào tận nhà. Không những thế, mỗi ngày có đến hàng trăm lượt xe tải chở rác lưu thông khiến cho khói bụi mịt mù.

Cảnh báo hạn hán nghiêm trọng tại Nam Trung bộ

TP. Đà Nẵng vừa trải qua đợt đứt nước sinh hoạt chưa từng thấy. Nguyên nhân sâu xa, do lượng mưa từ thượng nguồn Quảng Nam giảm bất thường.

Thông báo của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, mùa mưa từ tháng 9 đến nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh thiếu hụt 30-50% trung bình nhiều năm (TBNN). Nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thiếu hụt từ 40-70% so với dung tích hữu ích. Các hồ chứa nước lớn trên địa bàn còn thiếu khoảng 1 tỷ m3 nước.

Trong khi đó, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, những hồ thủy điện do EVN quản lý trên hệ thống sông Vu Gia như A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh 2,.. đều sát mực nước chết.

Nhiều Nhà máy thủy điện phải vận hành ở chế độ nước về bao nhiêu sẽ chạy qua phát điện bấy nhiêu để đảm bảo cấp nước cho hạ du.

Tuy nhiên Quảng Nam, Đà Nẵng chưa phải “trung tâm” hạn!

Tại tỉnh Ninh Thuận, đến 14/11, dung tích 21 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh xấp xỉ 97 triệu m3, chỉ đạt 49,84% DTTK. Dung tích hồ Đơn Dương (Lâm Đồng), nơi cung cấp nguồn nước chính cho tỉnh Ninh Thuận, là 81,25 triệu m3/DTTK 162 triệu m3 (49,24%).

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO được dự báo sẽ chuyển sang trạng thái El Nino với xác xuất trong khoảng 60-70% từ tháng 11/2018 đến những tháng đầu năm 2019. Mùa mưa năm 2018 sẽ kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Giai đoạn Đông – Xuân 2018 – 2019, lượng mưa trên toàn quốc phổ biến thấp hơn TBNN từ 10 - 30%, lượng dòng chảy sông suối thấp hơn từ 10- 30%, trong đó riêng khu vực Nam Trung bộ thấp hơn 30-60%.

Hà Nội: Chất lượng không khí 2 điểm giao thông gần ở mức kém

Chỉ số chất lượng không khí ngày (24 giờ gần nhất) tại 10 trạm quan trắc tại Hà Nội (số liệu được cập nhật vào lúc 14h00 ngày 15/11/2018): Trung Yên 3: 73 (Trung bình); Minh Khai - Bắc Từ Liêm: 91 (Trung bình); Hoàn Kiếm: 62 (Trung bình); Hàng Đậu: 82 (Trung bình); Kim Liên: 52 (Trung bình); Thành Công: 77 (Trung bình); Tân Mai: 60 (Trung bình); Mỹ Đình: 57 (Trung bình); Phạm Văn Đồng: 95 (Trung bình); Tây Mỗ: 57 (Trung bình).

Nhìn chung, chất lượng không khí trong ngày tại các điểm quan trắc tại Hà Nội ở mức Trung bình.

So với hôm qua, các chỉ số đo biến động không nhiều, dao động trong khoảng 57 - 73. Trong đó khu vực giao thông phổ biến từ 62 - 95; khu vực dân cư từ 52 - 73.

Đáng chú ý không có khu vực nào đạt chất lượng không khí tốt trong ngày. 2 điểm đo giao thông hướng ra ngoài thành là Phạm Văn Đồng (95), Minh Khai (91) gần ở mức kém.

ĐBSCL: Chủ động ứng phó với lũ

Theo đánh giá của các ngành chức năng, sau nhiều năm lũ nhỏ, năm 2018 nước lũ ở ĐBSCL lên cao, dao động ở mức báo động 2. Do lũ lên nhanh và về sớm đã làm cho khoảng 1.850ha lúa thu đông ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và Kiên Giang bị thiệt hại; có khoảng 5.480 căn nhà của người dân ĐBSCL bị ngập; khoảng 2.500 ha vườn cây ăn trái và rau màu bị ngập; hàng trăm ngàn tuyến đường giao thông bị ngập; có khoảng 183.000m bờ bao bị nước lũ tràn…

Tuy nhiên, nhờ chủ động ứng phó của các ngành chức năng, nên đã hạn chế thấp nhất những thiệt hại, đặc biệt chưa có thiệt hại về người.

Ông Đỗ Tiến Lanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho rằng: “Về cơ bản mùa lũ năm 2018 được xem là lũ đẹp, mặc dù xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 10 ngày. Lũ gây một số thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, hay triều cường gây ngập ở Cần Thơ, Vĩnh Long… Song, cần thấy rằng lũ mang lại nhiều lợi ích như phù sa, vệ sinh đồng ruộng, nhiều thủy sản…

Hiện nay, lũ đã cuối vụ và đang rút nhanh; dự báo nhiều khả năng mặn sẽ xâm nhập sớm, do đó các địa phương cần chủ động giải pháp ứng phó trong mùa khô năm 2019 sắp tới”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 16/11/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.