Thứ sáu, 19/04/2024 07:33 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 2/4/2019

MTĐT -  Thứ ba, 02/04/2019 09:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 2/4/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 2/4/2019.

Lào Cai: Cá trên sông Hồng chết bất thường chưa tìm ra nguyên nhân

Chiều 1/4, tỉnh Lào Cai đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp cùng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Sở NN&PTNT, Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan tập trung xác định chính xác nguyên nhân hiện tượng cá chết bất thường trên sông Hồng, đoạn qua thành phố Lào Cai. Báo cáo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Theo đó, tỉnh Lào Cai chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục theo dõi, quan trắc định kỳ 3 giờ/lần tại trạm quan trắc nước sông Hồng xuyên biên giới tại thành phố Lào Cai; tổ chức quan trắc nguồn nước sông Hồng từ thành phố Lào Cai lên khu vực Lũng Pô cho tới khi nước sông Hồng ở trạng thái ổn định.

Tỉnh cũng yêu cầu UBND thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát cử cán bộ nắm tình hình diễn biến tại cơ sở; giám sát, tuyên truyền người dân quanh khu vực bờ sông Hồng không vớt cá ăn, bán cá vớt được ra thị trường.

Lãnh đạo Sở TN&MT Lào Cai cho biết: Khoảng 15h ngày 31/3, trên đoạn sông Hồng từ cầu Kim Thành đến cầu Cốc Lếu, thuộc thành phố Lào Cai có hiện tượng cá chết nổi hàng loạt. Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Quan trắc thuộc Sở TN&MT Lào Cai đã lập tức đến kiểm tra và lấy mẫu quan trắc nước sông Hồng.

Kết quả các chỉ số ban đầu là nước sông Hồng đục hơn bình thường, chỉ số DO (lượng ô xi trong nước) giảm đáng kể. Đây có thể là nguyên nhân cá bị chết, còn các chỉ số liên quan tới kim loại, có hay không lượng hóa chất tồn tại trong nước thì phải đợi kết quả phân tích mẫu sau vài ba ngày tới. Hiện tượng cá bất ngờ chết cần tiếp tục kiểm tra, rà soát để tìm nguyên nhân. Theo phỏng đoán ban đầu rất có thể nước sông Hồng đục là do có lượng lớn nước thải xả trực tiếp ra môi trường chưa được xử lý.

Châu Âu cấm dần xe hơi có chuẩn khí thải Euro4

Ngày 1/4, thành phố Stuttgart của Đức cấm các xe hơi có chuẩn phát khí thải Euro4 và thấp hơn được vào thành phố. Như vậy, các xe chạy máy dầu diesel sản xuất trước năm 2010 không được phép tiếp tục lưu thông trong thành phố. Trước đó, nhiều thành phố của châu Âu cũng đã ban hành những lệnh cấm tương tự và đã công bố lộ trình tiếp theo đó là xe hơi có chuẩn khí thải Euro5 cũng sẽ sớm bị cấm.

Cấm đến mức độ nào các xe hơi gây ô nhiễm là cuộc tranh luận dai dẳng nhiều năm nay tại Đức. Chính quyền các thành phố muốn cấm, các hãng sản xuất xe hơi muốn trì hoãn, những người đang sở hữu xe hơi cũ cũng không thích vì nếu lắp bộ chuyển đổi từ chuẩn Euro5 lên chuẩn Euro6 sẽ tốn kém thêm tới 3.000 Euro.

Tại thành phố Bruxelles của Bỉ, các vùng cấm xe hơi gây ô nhiễm đã được thiết lập từ đầu năm nay. Trong 3 tháng đầu tiên, những xe vi phạm bị nhắc nhở, chưa bị phạt. Từ 1/4, vùng cấm chính thức có hiệu lực, xe phát thải nhiều hơn mức cho phép đi quá biển báo cấm sẽ bị phạt 350 Euro (khoảng 9 triệu đồng).

Báo động ô nhiễm không khí tại miền Bắc Thái Lan

Mật độ hạt bụi mịn PM 2.5 tại một số nơi thuộc miền Bắc Thái Lan lên tới 700 microgram/m3, trong khi mức 200 microgram/m3 đã là ngưỡng có hại cho sức khỏe.

Những địa phương có tình trạng ô nhiễm nặng nề có thể kể đến là tỉnh Chiang Mai, Mae Hong Son, Lamphun… Cư dân tại miền Bắc Thái Lan được cảnh báo nên ở trong những tòa nhà có điều hòa, tránh các hoạt động ngoài trời. Nếu người dân cần đi ra ngoài nên đeo khẩu trang.

Dự kiến, ngày 2/4, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha sẽ chủ trì một cuộc họp tại Chiang Mai để bàn về các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí.

Mật độ bụi siêu mịn ở Seoul, Hàn Quốc chạm ngưỡng kỷ lục

Mật độ hạt bụi siêu mịn ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc trong tháng 3/2019 đã chạm ngưỡng cao kỷ lục, kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 2015.

Theo số liệu của Viện nghiên cứu môi trường quốc gia Hàn Quốc công bố ngày 1/4, trong tháng 3, lượng bụi siêu mịn ở Seoul lên tới 44,6 mg/m3, tăng mạnh so với mức 34 mg của năm 2018.

Trong tuần đầu của tháng 3, hầu hết các thành phố tại Hàn Quốc, trong đó có thủ đô Seoul, chìm trong bầu không khí ô nhiễm với mật độ bụi siêu mịn ở mức cao, vượt ngưỡng khuyến cáo tối đa do Tổ chức Y tế thế giới đưa ra khoảng 6 lần.

Đặc biệt trong ngày 5/3, lượng bụi siêu mịn trung bình đo được ở Seoul đạt mức kỷ lục 135 miligam/m3. Nhằm giảm tình trạng bụi mịn nồng độ cao trong không khí, ngày 13/3, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua 8 điều luật liên quan tới vấn nạn bụi mịn.

Tiếp tục chuỗi tháng nóng nhất từ trước đến nay tại Australia

Theo số liệu của Cơ quan Khí tượng Australia (BOM), nước này đã trải qua tháng Ba ấm nhất trong lịch sử với nhiệt độ trung bình cao hơn 2,13 độ C (3,83 độ F) so với nhiệt độ trung bình các năm.

Số liệu do Chính phủ Australia công bố ngày 1/4 cho thấy nước này tiếp tục chuỗi tháng "nóng nhất từ trước đến nay" khi nhiệt độ trong tháng Ba vừa qua ghi nhận mức ấm kỷ lục.

Theo số liệu của Cơ quan Khí tượng Australia (BOM), nước này đã trải qua tháng Ba ấm nhất trong lịch sử với nhiệt độ trung bình cao hơn 2,13 độ C (3,83 độ F) so với nhiệt độ trung bình các năm. Như vậy, đây là tháng thứ tư liên tiếp Australia chìm trong nắng nóng. Trước đó, tháng 1 vừa qua được ghi nhận là tháng nóng nhất từ trước đến nay ở Australia với nhiệt độ trung bình trên khắp châu Đại Dương lần đầu tiên vượt quá 30 độ C.

Nắng nóng kéo dài đã gây ra hạn hán kéo dài trên một số khu vực. Tuy tình trạng khô hạn đã giảm nhẹ tại một số khu vực bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán kéo dài khi hai cơn bão nhiệt đới tác động đến khu vực phía Bắc và Tây Australia, song lượng mưa cũng chưa đủ.

BOM cho rằng lượng mưa tại những khu vực này cần cao hơn mức trung bình để khắc phục tình trạng trên.

Các nhà khí tượng học cho biết ngoài sự tác động của tình trạng biến đổi khí hậu trong dài hạn, các mô hình thời tiết tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cũng là yếu tố góp phần làm tăng nhiệt độ tại Australia.

Biến đổi khí hậu nổi lên như vấn đề chủ chốt trong cuộc bầu cử liên bang tại Australia, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 5 tới.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 2/4/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.