Thứ bảy, 20/04/2024 04:22 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 29/11/2018

MTĐT -  Thứ năm, 29/11/2018 10:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 29/11/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 29/11/2018.

Hải Phòng: Trên 200 tỷ đồng xử lý môi trường tại 2 làng nghề

Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có 39 làng nghề với nhiều loại hình nghề khác nhau. Trong đó, số lượng làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống được thành phố công nhận là 18 làng nghề; 21 làng nghề chưa được công nhận.

Thực tế cho thấy, hầu hết các làng nghề đều sản xuất với quy mô hộ gia đình, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, phân tán trên địa bàn rộng, điều kiện hạ tầng chật hẹp, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiết bị cũ, trình độ lao động còn nhiều hạn chế… gây ô nhiễm môi trường khu dân cư, không khí, nguồn nước rất nghiêm trọng.

Qua khảo sát, thành phố có 2 làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao: làng nghề Đúc, cơ khí Mỹ Đồng, xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên và Làng nghề tái chế phế liệu Tràng Minh, phường Tràng Minh, quận Kiến An. Trong đó, làng nghề Tràng Minh hình thành từ những năm 1980, chủ yếu thu gom, sơ chế, mua bán các loại phế liệu: nilon, bao nhựa, chai nhựa, đồng, nhôm, sắt…

Hiện, làng nghề có gần 100 hộ kinh doanh, buôn bán và tái chế phế liệu. Phần lớn phế liệu đều chưa được làm sạch. Các hộ kinh doanh tập kết các bãi phế liệu trong khu dân cư, trong sân nhà. Vào ngày nắng mùi hôi bốc lên nồng nặc. Khi trời mưa, nước mưa cuốn theo các chất cặn dầu mỡ từ các phế thải chảy vào hệ thống thoát nước của khu dân cư..

Đáng chú ý, hiện nay, một số cơ sở tái chế phế liệu đổ rác thải gồm: nhựa, vỉ mạch, vỏ dây điện, túi ni lon… ra khu đất trống gần ruộng lúa để đốt. Ngoài ra, các loại kim loại, hóa chất chứa chì, axit… được tập kết tại sát mép các dòng sông là nguồn cung cấp nước thô để sản xuất nước sạch của thành phố. Theo thời gian, nước mưa cuốn các chất thải nguy hại này ngấm xuống đất, chảy ra sông gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Ngoài hai làng nghề nói trên, trên địa bàn TP Hải Phòng còn một số làng nghề khác luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hàng năm, các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của làng nghề. Tuy nhiên, việc kiểm tra giám sát khắc phục vi phạm chưa thường xuyên, mang tính hình thức. Công tác xử lý vi phạm về môi trường chưa nghiêm, nhiều cơ sở sản xuất tại các làng nghề tái phạm.

TP.HCM: Sớm xử lý việc chôn rác thải công nghiệp trái phép

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết sẽ sớm có biện pháp xử lý sai phạm đối với các cá nhân và doanh nghiệp liên quan.

Bãi đất tại ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, rộng khoảng 8.000m2, bao quanh là các kênh, rạch và ao hồ.

Theo ghi nhận của phóng viên điều tra, từ tháng 12/2017 tới tháng 8/2018, tại khu vực này liên tục có các xe container chở rác từ bên ngoài về đổ. Trước khi bị phát hiện, một số người dân tại đây cũng cho biết đã nhiều lần thấy xe tải ra vào bãi đất này vào ban đêm, tuy nhiên họ không biết chuyện gì đang diễn ra.

Khu đất này được xác định có hai chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Cẩm Sa và ông Trần Hồng Thái. Hiện cơ quan chức năng đã mời ông Thái và bà Sa đến xác định ranh giới, làm rõ số chất thải nói trên. Bước đầu, cả hai người xác nhận có ký hợp đồng với ông Nguyễn Văn Cơ để san lấp đất, cát, xà bần từ tháng 5 đến ngày 23/10/2018, nhưng không biết khu đất bị san lấp bằng rác thải.

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường trong thời gian mai phục theo dõi, số xe chở hàng ngàn tấn rác thải này là của Công ty Bắc Nam, địa chỉ số 203/11 Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, là đơn vị ký kết hợp đồng vận chuyển chất thải nguy hại và không nguy hại cho Nhà máy giấy Lee and Man ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Theo hợp đồng ký kết vào tháng 5/2018, Công ty Lee and Man giao chất thải cho Công ty Bắc Nam vận chuyển đến Công ty Kbec Vina để xử lý theo đúng quy định pháp luật Việt Nam, đảm bảo vệ sinh môi trường. Thay vì vận chuyển từ chủ nguồn thải tới nơi xử lý theo quy định, nó đã bị "phù phép" một phần thành vật liệu san lấp mặt bằng tại huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Đàn sâu ăn trụi hàng chục cây xanh ở TP.HCM

Loài sâu này có màu xanh, dài khoảng 3cm, chúng bò dày đặc từ gốc đến ngọn cây để ăn lá.

Những ngày gần đây, tại đường nội bộ thuộc Khu công nghệ cao quận 9, TP.HCM xuất hiện hàng nghìn con sâu có màu xanh lá, dài khoảng 3cm tấn công toàn bộ số cây xanh được trồng trên vỉa hè.

Sâu bò ngổn ngang từ thân đến nhánh cây rồi ăn trụi hết phần lá khiến hàng cây như đã bị chết khô. Sâu bám nhiều nhất là dưới gốc cây, dưới mặt đất cũng có một lượng lớn sâu bò lổm ngổm khắp nơi để tìm lá cây.

Theo đại diện Ban quản lý xây dựng Khu công nghệ cao TP.HCM, hiện tượng sâu ăn lá đã xuất hiện hơn một tháng nay. Tuy vậy đây cũng không phải lần đầu cây xanh nơi đây bị sâu tấn công. Việc sâu tấn công không làm chết cây, do vậy đơn vị sẽ triển khai giải pháp xử lý bằng cách bỏ thuốc diệt sâu ở các gốc cây.

Điện Biên: Xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi – còn nhiều trăn trở

Những năm qua, các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đã tạo nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Chăn nuôi càng phát triển thì vấn đề ô nhiễm môi trường càng trở nên cần thiết và cấp bách. Xử lý tốt vấn đề môi trường sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả chăn nuôi, bảo vệ môi trường.

Trong số các trang trại chăn nuôi tập trung và các hộ chăn nuôi quy mô lớn đang hoạt động, nhiều hộ đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước, chất thải bằng hầm biogas, qua lắng lọc sau đó thải ra môi trường, hoặc chất thải chăn nuôi được xử lý bằng đệm lót sinh học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các biện pháp này chỉ giảm ô nhiễm khi số đàn gia súc, gia cầm không nhiều, nước thải sau xử lý vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khi các cơ sở không tuân thủ quy trình sản xuất, quy trình vận hành hệ thống xử lý chất thải.

New Zealand: 145 con cá voi chết do mắc cạn

Đảo Stewart là một hòn đảo thưa thớt dân cư ở phía nam xa xôi của New Zealand. Một người leo núi đã báo cáo về sự mắc kẹt của hàng loạt cá voi cho các nhà chức trách vào tối 24/11. Khi đó, một nửa số cá voi trên đã chết.

Ren Leppens, người quản lý hoạt động trên đảo Stewart thuộc Cục Bảo tồn (ĐỘC) New Zealand cho biết, địa điểm và điều kiện xa xôi khiến họ không thể giải cứu những con cá voi còn sống sót bị mắc cạn.

Đảo Stewart (còn có tên khác là Rakiura) chỉ có khoảng 375 người dân sinh sống. Các chú cá voi đã được tìm thấy tại vịnh Mason, cách thị trấn chính Oban của đảo khoảng 35km.

Ren Leppens, Giám đốc điều hành ban Bảo tồn Rakiura cho biết:”Đây là một sự kiện rất buồn mà chúng ta không hề muốn chứng kiến. Nhưng dù sao chúng ta vẫn mong muốn biết tại sao cá voi lại bị mắc cạn”.

Trong khi đó, tại bãi biển Ninety Mile trên đảo Bắc của New Zealnad, trong một sự kiện không liên quan, các nhân viên bảo tồn đang hy vọng cứu được một vài con trong số 8 con cá voi sát thủ vẫn còn đang bị mắc kẹt hôm 26/11. Hai con đã chết và các nhân viên đang nỗ lực để hồi sinh 8 con còn lại.

Cá voi bị mắc kẹt tương đối phổ biến ở New Zealand vào mùa xuân và mùa hè ở Nam Bán cầu. Người ta cho rằng, việc cá voi bị mắc kẹt có thể do một số nguyên nhân, chẳng hạn như cá voi đang cố gắng để thoát khỏi những kẻ săn mồi, bị ốm hoặc định hướng không chính xác.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 29/11/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...