Thứ tư, 24/04/2024 01:36 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/9

MTĐT -  Thứ ba, 04/09/2018 09:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/9. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/9 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Hàng chục nghìn ha lúa ở ÐBSCL bị đe dọa do lũ và xả đập

Lũ lên nhanh cùng với việc xả hai đập Tha La và Trà Sư (An Giang) khiến hàng chục nghìn hécta lúa ở ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh đầu nguồn An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo Đài khí tượng - Thủy văn Nam bộ, ngày 3/9, mực nước lên nhanh, trên sông Tiền ở Tân Châu (An Giang) là 4m, còn sông Hậu tại Châu Đốc là 3,53m. Các địa phương đang tích cực gia cố đê bao để bảo vệ hàng chục nghìn hécta lúa đang bước vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.

Theo thông tin trên báo Tiền Phong, ông Võ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Lạc Quới (Tri Tôn, An Giang), cho biết, mấy ngày nay, địa phương huy động hơn 700 người gia cố đê bao, đồng thời tích cực ngày đêm tuần tra đề phòng sự cố vỡ đê.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, nhận định: “Khi xả lũ, phù sa đóng góp vào dinh dưỡng đất không nhiều. Tuy nhiên, lũ đóng góp vào cân bằng sinh thái, giảm sâu bệnh, ô nhiễm môi trường. Đồng thời là điều kiện cho đất nghỉ ngơi mới là vấn đề chính”.

Nghệ An: Kiểm tra, rà soát quy trình vận hành hồ thủy điện

Chiều 3/9, tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Con Cuông và nhà máy thủy điện Chi Khê, ông Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh đã rà soát quy trình vận hành hồ thủy điện và yêu cầu sớm nhanh chóng hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân.

Theo báo cáo, đất ở 2 bên bờ sông Lam đã bị sạt lở do các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Lam mở cửa xả nước (từ ngày 30/8 đến ngày 1/9). Ngoài ra, việc xả nước còn khiến địa bàn huyện Con Cuông bị vùi lấp, ngập diện tích đất sản xuất nông nghiệp, ngập lụt các khu dân cư.

Trong đó nhà dân bị ngập 203 nhà và phải di dời 96 nhà; ngập lụt trường THCS nội trú Con Cuông và Trường Tiểu học Bồng Khê; sạt lở đất mố cầu treo Chôm Lôm với 10.000m3; tổng giá trị thiệt hại trên địa bàn huyện ước tính 15,2 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc ông Đinh Viết Hồng đã đánh giá cao công tác triển khai, phát huy phương án 4 tại chỗ của huyện Con Cuông. Huyện đã kịp thời di dời, bảo vệ tài sản người dân, góp phần hạn chế hậu quả do mưa lũ gây ra. Đồng thời tiếp thu ý kiến về vấn đề chủ động trong công tác đề phòng, xả trước khi lũ về để hạn chết tối đa hệ quả do mưa lũ gây ra.

Nhiều bản làng tại huyện Con Cuông chìm trong biển nước. Ảnh: Báo Nghệ An. 

Sau lũ, bãi biển Sầm Sơn “chìm” trong rác

Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sau khi lũ rút, bãi biển Sầm Sơn cũng gánh chịu ảnh hưởng khi hàng tấn rác, chủ yếu là thân cây, củi bị sóng đánh dạt vào bờ, nằm la liệt khắp nơi.

Theo ghi nhận của báo Dân Trí, chạy dọc 6 km bãi biển Sầm Sơn, từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ, những thân cây chất khắp nơi, chủ yếu là thân gỗ, củi theo lũ đổ ra biển rồi bị sóng đánh dạt vào bờ. Có những cây lớn dài đến hơn 4m nằm chỏng chơ trên bãi biển.

Để tránh tình trạng mất mỹ quan khu du lịch biển, Đội cứu hộ ở bãi biển Sầm Sơn cũng liên tục đi dọc bãi biển, dọn bớt các cành cây. Đồng thời huy động thêm nhân viên môi trường thu gom rác rồi tập kết trên bãi biển.

Ảnh: Dân trí. 

Chất lượng không khí cải thiện rõ rệt

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), tại các điểm quan trắc nền đô thị, số ngày chỉ số AQI đạt mức tốt đã tăng khá nhiều so với tuần trước. Còn tại các trạm quan trắc giao thông, chỉ số AQI thấp hơn so với tuần trước và không có trạm quan trắc nào có chỉ số AQI ở ngưỡng kém. Cụ thể, chỉ số AQI dao động trong khoảng từ 39 đến 89, trong đó: Các trạm quan trắc nền đô thị, chỉ số AQI dao động trong khoảng từ 42 đến 76; các trạm quan trắc giao thông, chỉ số AQI dao động trong khoảng từ 39 đến 89...

Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như: Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, chỉ số AQI đều ở mức tốt. Theo đó, Trạm quan trắc Kim Liên có 100% số ngày chỉ số AQI đạt mức tốt; tiếp theo là các trạm quan trắc Mỹ Đình (71,4%), Tân Mai (57,1%), Trung Yên 3 (42,9%).

Còn tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như: Hàng Đậu và Thành Công, chỉ số AQI luôn ở mức trung bình, không có biến động nhiều so với chỉ số được ghi nhận của tuần trước (100% số ngày chỉ số AQI ở mức trung bình). Riêng trạm quan trắc Hoàn Kiếm, chỉ số AQI ở mức tốt chiếm 71,4%. Tương tự, 2 điểm quan trắc giao thông đặt tại UBND phường Minh Khai và đường Phạm Văn Đồng, chỉ số AQI cao nhất lần lượt là 84 và 80; 100% số ngày chỉ số AQI ở mức trung bình.

Theo Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, chất lượng không khí trong tuần qua được cải thiện đáng kể tại các điểm quan trắc là do trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện nhiều trận mưa lớn, kéo dài đã làm sạch các luồng bụi bẩn trong không khí, giúp không khí ở gần mặt đất duy trì chất lượng tốt...

Kiên Giang: Bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch

Theo đó, các hệ thống cấp nước tổng công suất 23 hệ thống cấp nước đô thị là 128.940 m3/ng, đạt53,3% so với dự báo nhu cầu dùng nước đến năm 2020. Trong đó, tổng công suất 13 hệ thống cấp nước phục vụ 14 đô thị hiện hữu là 110.880 m3/ng. Tổng công suất 06 hệ thống cấp nước phục vụ 06 đô thị dự kiến hình thành là 8.660 m3/ng. Tổng công suất 04 hệ thống cấp nước phục vụ các khu, cụm công nghiệp, khu chức năng đô thị là 5.400m3/ng.

Bên cạnh đó, tổng công suất 62 hệ thống cấp nước nông thôn là 22.750 m3/ng. Tổng công suất hệ thống cấp nước dự phòng từ nguồn nước ngầm thuộc dự án phòng chống hạn mặn địa bàn thành phố Rạch Giá là 25.000 m3/ng.

Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch đạt trên 85,2%. Tỷ lệ dân cư nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 92,8%. Trong đó có 38,2% sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân khu vực đô thị là 23,63%, nông thôn 23,56%.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới