Thứ sáu, 29/03/2024 22:55 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/9

MTĐT -  Thứ năm, 06/09/2018 11:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/9. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/9 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

TP Sầm Sơn tập trung thu gom xử lý rác thải khu vực bãi biển

Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của mưa lũ phía thượng nguồn, khu vực bãi biển Sầm Sơn ước tính có khoảng gần 5.000m3 rác, chủ yếu là thân cây, củi bị sóng đánh dạt vào bờ (trong đó khu vực nội thành trên 3.000m3, còn lại là khu vực ngoại thành).

Để nhanh chóng giải phóng lượng rác trên, trả lại môi trường du lịch, sạch, đẹp, nhất là tại khu vực khuôn viên bãi biển, UBND TP Sầm Sơn đã chỉ đạo Công ty CP Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn huy động tối đa lực lượng lao động và phương tiện tập trung thu gom, vận chuyển rác thải về nơi xử lý.

Tuy nhiên, do khối lượng rác quá lớn cộng với nước thủy triều đang trong giai đoạn lên cao (nước sinh) rất khó khăn cho công tác thu gom. Do vậy, đến chiều ngày 5/9 mới thu gom được khoảng 2/3 khối lượng rác thải tại khu vực nội thành, phấn đấu hoàn thành trước 7h ngày 7/9; đối với khu vực ngoại thành sẽ hoàn thành trước ngày 10/9.

Ảnh: Dân Trí. 

Bình Thuận: Báo động tình trạng bờ biển bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng

Bình Thuận là một tỉnh ven biển nên chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, tiêu biểu là bờ biển bị xâm thực. Trong mùa mưa lũ năm nay (2018) tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển các địa phương có vùng biển tại Bình Thuận hết sức nghiêm trọng.

Hiện nay, tại TP Phan Thiết có 41 căn nhà bị đổ sập hoàn toàn và hơn 50 căn nhà khác có nguy cơ bị hư hỏng, có thể bị sập đổ bất cứ lúc nào. Tại thị xã La Gi, trên tuyến bờ biển phường Phước Lộc và xã Tân Phước bị sạt lở gần 1.500 mét và biển xâm thực vào đất liền từ 100 – 150 mét. Theo ghi nhận, đã có 10 căn nhà bị sập hoàn toàn và gần 100 căn nhà khác có nguy cơ bị hư có khả năng thực hiện việc di dời.

Từ năm 2014 đến nay, bờ biển của 3 khu phố: 12, 13 và 14, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong liên tục sạt lở, với chiều dài hơn 1.000 m. Bờ biển ăn sâu vào đất liền từ 30 – 80 m làm sập hoàn toàn 29 căn nhà, đe dọa nghiêm trọng hàng trăm căn nhà khác.

Hiện, UBND tỉnh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xin cấp nguồn kinh phí để hỗ trợ kịp thời về nhà ở cho 80 hộ dân có nhà bị sập do triều cường, sạt lở bờ biển, hỗ trợ, xây dựng khu tái định cư tại thị xã La Gi. Đồng thời xin kinh phí đầu tư xây dựng một số công trình như: khu neo đậu tàu thuyền ổn định, kè bảo vệ bờ biển và chống sạt lở.

Nhà máy xả nước bẩn, gây ô nhiễm khu dân cư tại TP.HCM

Nhiều hộ dân ở khu dân cư Bình Hưng (TP.HCM) phải sống với mùi hôi thối bốc lên từ nước thải của một công ty. Dù đã phản ánh nhiều lần đến chính quyền nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện.

Ông N.V.T, nhà ở sát công viên đường 24, khu dân cư (KDC) Bình Hưng (ấp 2, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) phản ánh: “Hơn một năm qua, các công ty trú đóng ở đường Tạ Quang Bửu, P.6, Q.8 (tiếp giáp với công viên 24, KDC Bình Hưng) liên tục xả nước thải, hôi thối sang công viên. Lúc đầu, họ xả vào ban đêm, sau đó xả liên tục cả ngày. Phần lớn vườn hoa của công viên bị ngập nước bẩn và tràn vào nhà nhiều hộ dân, khiến cuộc sống của bà con vô cùng cực khổ”.

Cũng theo ông T., một trong số nhiều công ty trú đóng gần công viên có Công ty TNHH công nghiệp thương mại Phước Bình (địa chỉ 1023 Tạ Quang Bửu, P.6, Q.8) là đơn vị chuyên sản xuất giày. Bà con KDC Bình Hưng đã làm đơn gửi UBND xã Bình Hưng nhờ can thiệp. Tuy nhiên, tình trạng không khá hơn mà nước thải càng tù đọng, hôi thối.

UBND xã Bình Hưng cho biết, từ tháng 10/2017 – 8/2018, UBND xã nhiều lần gửi công văn đến UBND P.6, Q.8 đề nghị phối hợp giải quyết tình trạng xả thải và các vấn đề khác liên quan môi trường do các công ty trú đóng trên địa bàn P.6, Q.8 gây ra cho người dân xã Bình Hưng.

“Gần đây nhất, UBND xã Bình Hưng có Công văn số 2880 ngày 22/8/2018 gửi UBND P.6, Q.8 kiến nghị xử lý việc xả thải của các công ty trú đóng trên địa bàn này. Tuy nhiên, đến nay, UBND P.6, Q.8 vẫn chưa phản hồi gì”, một cán bộ địa chính xã Bình Hưng nói.

Lúng túng trong việc xử lý rác thải sinh hoạt tại TP. Hội An

Thành phố Hội An được biết đến là một đô thị cổ, một di sản văn hóa của thế giới. Hằng năm, thành phố này đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, do vậy lượng rác thải sinh hoạt thải ra cũng rất lớn.

Trước thực trạng trên, hiện nay tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để lượng rác thải này nên đã gây ô nhiễm môi trường. Việc tìm lời giải cho bài toán xử lý rác tại Hội An là điều khiến cho các nhà quản lý địa phương đau đầu.

Hiện nay, số lượng rác thải hàng ngày tại Hội An phát sinh khoảng gần 100 tấn, lượng rác thải này được vận chuyển đến Nhà máy xử lý rác thải thành phố Hội An, sau đó phân loại và cho vào lò đốt, chất hữu cơ được xử lý thành phân Compost.

Tuy nhiên, thực tế Nhà máy rác này chỉ xử lý được 30% lượng rác thải của thành phố Hội An, số rác thải còn lại vẫn phải chở sang bãi rác Cẩm Hà ở thôn Bàu Ốc Thượng để xử lý bằng cách chôn lấp. Điều đáng nói là bãi rác Cẩm Hà này là bãi rác tự phát, không có trong quy hoạch, nhưng lượng rác thải tại bãi rác này đã lên tới hàng trăm ngàn tấn. Cùng với đó, mỗi khi bãi rác này tiến hành đốt rác đã phát thải ra mùi và khí thải khét lẹt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống cũng như sức khỏe của nhân dân.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Cẩm Hà trong suốt nhiều năm mà chính quyền địa phương ở thành phố Hội An vẫn chưa có cách giải quyết, người dân địa phương sống gần bãi rác này đã không dám sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt mà đã chuyển hoàn toàn sang sử dụng nước máy để đảm bảo cho sức khỏe gia đình.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới