Thứ ba, 23/04/2024 19:20 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/12/2019

MTĐT -  Thứ năm, 05/12/2019 09:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/12/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/12/2019.

Kinh hãi hồ cấp nước sinh hoạt cho Đà Lạt ngập vỏ thuốc hóa học

Chất lượng nước tại hồ Đan Kia - hồ chủ lực cung cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, có thể đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lòng hồ đã trở thành nơi chưa một lượng lớn vỏ bao bì và chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu là loại thuốc có độc tố cao. Các vỏ hộp này được người dân vứt bỏ sau khi sử dụng và theo những trận mưa, chúng đã đổ về lòng hồ.

Ngay tại cửa miệng của những ống hút nước vào nhà máy xử lý nước thuộc Công ty Cổ phần cấp nước Sài Gòn Đan Kia vẫn đang la liệt những chai, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật trộn lẫn trong cành cây, cỏ rác. Hiện chưa có kiểm tra cụ thể về chất lượng nước trong hồ Đan Kia.

Được biết, hồ Đan Kia cung cấp 55.000m3 nước mỗi ngày đêm cho hai nhà máy nước Đan Kia và Đan Kia 2 để từ đó cung cấp toàn bộ nước sạch cho TP Đà Lạt; thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Đồng Nai: Có 9 dự án xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 16 dự án được giới thiệu địa điểm đầu tư vào 9 khu xử lý chất thải rắn được quy hoạch. Trong số này, hiện có 9 dự án đang hoạt động, 4 dự án đang lập thủ tục đầu tư xây dựng và 3 dự án đã ngưng hoạt động.

Mục tiêu của tỉnh là đến cuối năm 2019 sẽ giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp từ mức 50% của năm 2018 xuống mức dưới 30%, vì vậy các chủ dự án xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh đã tiến hành đầu tư các công nghệ xử lý mới. Cụ thể, hiện có 2 dự án đã đầu tư công nghệ đốt rác, 1 dự án đang lập dự án đầu tư đốt rác phát điện, 1 dự án nâng công suất xử lý rác thành phân vi sinh từ 4 trăm tấn/ngày lên 1,2 ngàn tấn/ngày và 2 dự án đầu tư công nghệ xử lý rác thành phân compost.

Hiện mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 1,8 ngàn tấn rác thải sinh hoạt, trong số này vẫn còn khoảng 8 trăm tấn rác được xử lý bằng hình thức chôn lấp, chiếm tỷ lệ khoảng 43%. Riêng Khu xử lý rác xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) hiện là nơi tiếp nhận lượng rác thải sinh hoạt để xử lý theo hình thức đốt và làm phân vi sinh lớn nhất trên địa bàn tỉnh với công suất xử lý khoảng 8 trăm tấn rác/ngày.

Thiệt hại do thiên tai ước tính hơn 6,1 nghìn tỷ đồng

Thiên tai xảy ra trong tháng 11/2019 chủ yếu là mưa lớn, lốc xoáy, sét đánh, sạt lở và triều cường tại một số địa phương làm 3 người chết, 33 người bị thương; 247 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 2,4 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; gần 6,4 nghìn ha lúa và hơn 4,1 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng.

Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng ước tính gần 1,1 nghìn tỷ đồng.

Tính chung 11 tháng, thiên tai làm 129 người chết và mất tích, 208 người bị thương; 1.851 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 68,5 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; 72,7 nghìn ha lúa và hơn 25,5 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng.

Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai xảy ra trong 11 tháng ước tính hơn 6,1 nghìn tỷ đồng.

Xử lý nghiêm các hành vi nuôi trồng thủy sản trái quy hoạch

Phát biểu tại kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh Phú Yên, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm mặt nước, nuôi trồng thủy sản trái quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan du lịch ở vùng đầm, vịnh.

Thời gian qua, tại địa phương này, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, không theo quy hoạch liên tục tái diễn. Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, tổng số lồng bè nuôi trồng thủy sản của tỉnh Phú Yên là hơn 100.000 lồng, tăng gần 9.000 lồng so với cuối năm 2018. Trong đó, số lồng bè nuôi ở thị xã Sông Cầu tăng 2,8 lần; huyện Đông Hòa tăng gấp 2 lần so với quy hoạch.

Hầu hết người dân sống gần vùng vịnh, đầm, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào nuôi trồng thủy sản. Vì thế, công tác chuyển đổi ngành nghề thích hợp cho người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tình trạng người dân nơi khác đổ xô về nuôi trồng thủy sản cũng phá vỡ diện tích mặt nước đã được quy hoạch cho nuôi trồng thủy sản.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: "Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Yên thường xuyên đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo các ngành chức năng xử lý kiên quyết các trường hợp lấn chiếm di tích, đầm, vịnh nuôi trồng thủy sản, xây dựng các công trình trái phép. Xử lý các khu vực quanh vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô. Tuy nhiên, tình trạng nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng".

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới