Thứ năm, 25/04/2024 09:04 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/4/2020

MTĐT -  Thứ hai, 06/04/2020 06:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/4/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/4/2020.

Hạn hán khủng khiếp, đường giao thông ở Cà Mau sụt lún, nứt toác

Theo tổng hợp của Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, đã xảy ra gần 1.200 điểm sụp lún đất do khô hạn, phá hủy hơn 24.700 m đường.

Theo báo cáo, các tuyến đường trọng yếu do tỉnh quản lý, bị sụp lún 7 điểm với tổng chiều dài sụp lún hơn 700 m. Trong đó, tuyến đường phòng hộ đê biển Tây Cà Mau (đoạn Đá Bạc - Kênh Mới) sụp lún 240m và nguy cơ sụp lún, sạt lở 4.215m.

Tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc xảy ra 4 điểm sụp lún, dài 95m. Tuyến đường Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc bị sụp lún 3 điểm, dài 105 m, chia cách giao thông đến trung tâm xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Trần Hợi (Trần Văn Thời). Trong ảnh: Tuyến đường nhựa bị sụp lún đất không thể lưu thông ở huyện Trần Văn Thời.

Trong khi đường thuỷ bị tê liệt do kênh rạch cạn khô, đường bộ liên tục xảy ra sụp lún tại 1.136 điểm, chia cách giao thông cục bộ với tổng chiều dài 24.704 m. Trong đó, huyện Trần Văn Thời có 1.109 điểm (712 điểm sụp lún lộ bê- tông, dài 13.272m; 397 điểm sụp lún đường đất, dài 10.058m), tập trung ở xã Khánh Hải, Khánh Hưng và Khánh Bình Đông. Trong ảnh: Những điểm sụp lún được cảnh báo cho người lưu thông an toàn

Tại thành phố Cà Mau có 15 điểm bị sụp lún, dài 754m. Trong đó, 11 điểm sụp lún đường bê- tông, dài 363m; 4 điểm sụp lún lộ đất  với tổng chiều dài 391m. Tại huyện U Minh xảy ra 12 điểm sụp lún đường giao thông nông thôn bằng đất, dài 620m. Trong ảnh: Tuyến đường về xã đảo Khánh Bình Tây bị chia cách nhiều ngày qua do sụp lún đất.

TP.Thanh Hóa: Cách tuyên truyền bảo vệ môi trường bằng “Cột điện hoa”

Xuất phát từ thực tế trên các tuyến đường thuộc phường Tân Sơn thường xuyên bị dán quảng cáo, rao vặt, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị. Chính vì vậy, các Đoàn viên Thanh niên đã có ý tưởng tô vẽ những bức tranh với chủ đề bảo vệ môi trường. Nhằm xây dựng công trình tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa, cổ động kêu gọi nhân dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường.

Bí thư Đoàn phường Tân Sơn, Lê Thị Phúc chia sẻ: Chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì tự tay khoác lên những cột điện chiếc áo mới nhằm truyền tải một thông điệp về bảo vệ môi trường qua các bức tranh. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức của Đoàn viên Thanh niên và nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, giữ gìn mỹ quan đô thị xanh - sạch - đẹp.

Sớm xử lý ô nhiễm hồ điều hòa Bàu Trảng

Hơn một năm nay, hàng trăm hộ dân sống gần khu vực hồ Bàu Trảng, thuộc phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, Ðà Nẵng) phải sống chung với ô nhiễm môi trường trầm trọng vì nước hồ luôn bốc mùi hôi nồng nặc. Người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, chính quyền, cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp giải quyết, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn kéo dài.

Chia sẻ với báo Nhân dân, ông Trần Thanh Hạ, người dân tổ 8, phường Thanh Khê Tây bức xúc cho biết: Trước đây, tình trạng ô nhiễm hồ điều hòa Bàu Trảng đã xảy ra, nhưng không trầm trọng như hiện nay. Khoảng một năm trở lại đây, nước hồ chuyển mầu đen, bốc mùi nồng nặc, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, cuộc sống và gây bức xúc cho hàng trăm hộ dân sống gần khu vực hồ. Cùng chung nỗi lo, ông Bùi Ðức Nhiên, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 2 phường Thanh Lộc Ðán cho biết: Trước đây, mùa mưa hồ có khá nhiều cá, từ năm 2019, cá chết trắng hồ, hôi thối nồng nặc, ruồi muỗi nhiều vô kể, ban đêm người dân phải đóng cửa đi ngủ sớm. Cuộc sống hàng trăm hộ dân bị xáo trộn hết cả.

Theo ông Huỳnh Anh Vũ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Ðà Nẵng, trước đây, nước thải sinh hoạt ở các phường phía tây quận Thanh Khê chảy chung với hệ thống cống thoát nước mưa về hồ Bàu Trảng. Hồ có chức năng điều tiết và lắng một phần nước thải trước khi chảy ra sông Phú Lộc.

Năm 2016, thành phố cho triển khai dự án xây dựng hệ thống cống thu gom, tách nguồn nước thải sinh hoạt ra khỏi cống thoát nước mưa và nước ngầm ở các phường Hòa Khê, An Khê và Thanh Lộc Ðán (quận Thanh Khê). Ðơn vị thi công đã lắp đặt hệ thống máy bơm công suất lớn để bơm nước thải sinh hoạt về trạm xử lý, nhưng do lượng nước thải từ các nơi đổ về cao gấp 1,5 lần so với dự kiến, vì thế tràn vào hệ thống cống thoát nước mưa.

Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu thi công đã áp dụng nhiều giải pháp tạm thời, nhưng không thể thống nhất được phương thức vận hành toàn bộ hệ thống, khiến tình trạng ô nhiễm ở hồ Bàu Trảng lại trầm trọng hơn trước.

Xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao trong tháng 4

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đầu tháng 4 đến tháng 5/2020, dòng chảy tại các trạm thượng nguồn sông Mê Kông tương đương trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2016 từ 5-20%.

Xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao. Xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020, sau giảm dần.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.

Từ đầu tháng 4 đến nay, khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì tình trạng không mưa, ngày nắng nhiều, trưa chiều độ ẩm giảm thấp, nhiệt độ tăng cao. Nắng nóng tiếp tục xảy ra nhiều nơi, trong đó ở khu vực Đông Nam Bộ nhiều nơi nhiệt độ 36-37 độ C.

Mực nước các trạm Chiang Saen (Thái Lan) đang lên và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1m, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 1m. Các trạm thượng lưu sông Mê Kông biến đổi chậm, ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,4m.

Các trạm trung và hạ lưu ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,6m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu đang lên theo triều, mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,04 m (ngày 4/4), tại Châu Đốc 1,21 m (ngày 4/4), cao hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 0,1m.

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần vào cuối tuần. Độ mặn cao nhất tuần tại các trạm phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn tuần trước (26-31/3), riêng một số điểm trạm ở Long An, Kiên Giang ở mức cao hơn.

Dự báo từ ngày 7 đến 10/4, do ảnh hưởng của rìa phía Bắc rãnh áp thấp xích đạo, có khả năng xuất hiện mưa rào và dông rải rác trên khu vực, trong cơn dông tiềm ẩn nguy cơ có lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mực nước thượng lưu sông Mê Kông có dao động nhỏ, trung hạ lưu lên chậm. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu tiếp tục lên theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,25 m; tại Châu Đốc 1,40 m, cao hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 0,1 m.

Từ ngày 6-10/4, xâm nhập mặn tăng dần và đạt mức cao nhất vào cuối tuần. Độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức tương đương thời kỳ 10-15/3, riêng một số trạm ở Long An, Kiên Giang có độ mặn cao hơn độ mặn cao nhất tháng 3/2020. Từ ngày 11-15/4, xâm nhập mặn duy trì ở mức cao trong 1, 2 ngày đầu, sau giảm dần.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành