Thứ ba, 16/04/2024 14:52 (GMT+7)

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 16/9/2018

MTĐT -  Chủ nhật, 16/09/2018 09:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 16/9. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 16/9 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Hà Nội: 3/7 ngày chất lượng không khí ở mức kém

Theo số liệu thống kê tuần (từ ngày 9/9/2018 đến 15/9/2018), số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) đạt mức tốt tại các điểm quan trắc trên địa bàn TP Hà Nội có xu hướng giảm.rn3/7 ngày trong tuần chất lượng không khí Hà Nội ở mức kém.

Bắt đầu xuất hiện những ngày có chỉ số kém, nhưng nhìn chung, phần lớn chất lượng không khí ở mức trung bình. Chỉ số chất lượng không khí tại các trạm quan trắc giao thông vẫn duy trì ở mức khá cao và có phần tăng nhẹ, xuất hiện 2 trạm có AQI chạm ngưỡng kém là trạm Hàng Đậu và Phạm Văn Đồng.

Trong tuần này chỉ số AQI dao động trong khoảng 44 - 111. Trong đó, các trạm nền đô thị AQI dao động trong khoảng 44 - 70, các trạm quan trắc giao thông AQI dao động trong khoảng 49 - 111.

Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, trong tuần này chỉ số chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức trung bình, số ngày AQI ở mức tốt giảm. Cụ thể, tại tất cả các trạm Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai chỉ 14.3% số ngày AQI đạt mức tốt còn lại ở mức trung bình; 2 trạm Trung Yên 3 và Tây Mỗ 100% số ngày AQI ở mức trung bình.

Tại 2 điểm quan trắc giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Trong tuần này chỉ số chất lượng không khí khá cao, trạm quan trắc Phạm Văn Đồng có 2 ngày AQI chạm ngưỡng kém (11/9 và 14/9) chiếm 28.6% trên tổng số ngày, trạm Minh Khai 100% số ngày AQI ở mức trung bình. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất trong tuần tại 2 điểm quan trắc này khá cao, lần lượt là 100 và 111.

Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, theo ghi nhận AQI trong tuần này có sự biến động nhẹ so với tuần trước đó, tại trạm Hàng Đậu có 3 ngày AQI đạt ngưỡng kém (11/9, 14/9 và 15/9) chiếm 42.9 % còn lại ở mức trung bình, riêng 2 trạm Hoàn Kiếm và Thành Công trong tuần này chỉ có duy nhất 1 ngày (9/9) AQI đạt mức tốt (14.3 %).

Ô nhiễm môi trường biển tại các vùng nuôi tôm ở Hà Tĩnh

Theo báo Nhân Dân, từng được biết đến như một hình mẫu của việc áp dụng công nghệ nuôi tôm trên cát tại Hà Tĩnh với doanh thu bình quân 100 tỷ đồng/năm, thế nhưng, bước vào vụ nuôi 2018, giống như bao hộ nuôi tôm trên cát khác, không khí ở cơ sở nuôi tôm của Công ty TNHH Sao Đại Dương ở xã Thạch Trị (huyện Thạch Hà) rất vắng vẻ, tĩnh lặng.

Theo phản ánh của người nông dân, do mật độ ao nuôi được quy hoạch khá dày đặc cho nên việc kiểm soát ô nhiễm môi trường gặp rất nhiều trở ngại. Chỉ tính riêng đoạn bờ biển dài 500 m ở thôn Đại Tiến, xã Thạch Trị có đến năm cơ sở nuôi tôm với diện tích 200 ha. Trong khi đó, hệ thống kênh mương cấp thoát nước ở đây chưa được quy hoạch chi tiết. Khi có hộ nuôi tôm bị dịch bệnh nước ao xả thẳng ra môi trường khiến các hộ khác bị “dính” theo. Vì vậy, lượng khuẩn gây ra bệnh gan tủy tại khu vực này luôn nằm ở ngưỡng cao nhất tỉnh.

Tại huyện Cẩm Xuyên, trong tổng số 119 ha diện tích đang được sử dụng để nuôi tôm trên cát của địa phương, có đến hơn 50 ha diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch. Đến nay, sau một vài vụ nuôi đầu cho hiệu quả kinh tế cao, hầu hết các hộ nuôi cũng đang điêu đứng theo tôm. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên) Đặng Trọng Thạch, ngoài yếu tố thị trường tiêu thụ, những yếu kém trong công tác vệ sinh môi trường đã và đang tác động ngược trở lại, buộc các hộ nuôi phải “treo” ao hoặc sản xuất cầm chừng.

Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các hộ nuôi trên địa bàn không sử dụng ao lắng, xử lý nước, bùn thải mà xả lộ thiên, trực tiếp ra biển. Với điều kiện thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu tại các ao nuôi.

Hàng nghìn người dân “giải cứu” bãi biển Quỳnh Lưu ngập rác

Theo báo Nghệ An đưa tin, chiều 15/9, xã Quỳnh Long phối hợp Huyện đoàn Quỳnh Lưu ra quân thu gom hàng chục tấn rác thải, gỗ tạp trôi dạt vào bãi biển 2 xã Quỳnh Long và Quỳnh Thuận.

Trước đó, người dân xã Quỳnh Long đang đi thể dục dọc bãi biển từ thôn Đại Tân về Thành Công đã phát hiện cảnh tượng gỗ tạp, củi dạt kín mép bờ biển. Ngay sau đó, người dân đã báo tin với chính quyền địa phương được biết.

Sau một thời gian chờ rác dồn về, chiều 15/9, xã Quỳnh Long đã huy động người dân, các tổ chức xã hội xuống bãi biển dọn rác. Để giúp địa phương khắc phục, dọn vệ sinh bãi biển, Huyện đoàn Quỳnh Lưu đã huy động hàng trăm thanh niên xuống địa bàn giúp dân.

Ông Trần Quang Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long cho biết, sau khi chờ lượng rác dồn về hết vùng biển địa phương, xã huy động mỗi gia đình 1 người ra địa điểm phân công để vớt rác. Số lượng huy động dọn dẹp môi trường lên tới hàng nghìn người.

Toàn bộ rác thải đều là củi, gỗ tạp, tre nứa từ thượng nguồn dồn về biển. Theo ước tính, khoảng hơn 50 tấn rác thải gồm củi, gỗ, rác... đã trôi dạt vào bãi biển 2 xã Quỳnh Long và Quỳnh Thuận với chiều dài 3 km.

Hàng tấn chất thải đổ ập vào hồ Xuân Hương

Báo CAND đưa tin, ngày 15/9, công nhân vệ sinh vẫn đang nỗ lực thu gom các loại chất thải nông nghiệp nổi bồng bềnh trên mặt hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Trước đó, trận mưa lớn kéo dài hai tiếng đồng hồ vào tối ngày 14/9 đã khiến nước mưa từ con suối ở thượng nguồn hồ này cuồn cuộn dâng cao, kéo theo một lượng rất lớn chất thải nông nghiệp đổ ập về phía hạ lưu.

Mặc dù nhà chức trách địa phương đã xây hồ lắng, dựng những tấm sắt thưa ngăn không cho rác thải đồ vào hồ Xuân Hương nhưng do lượng nước chảy về quá lớn, chất thải đã bị nước đẩy vượt qua những tấm ngăn để chảy vào hồ.

Sáng sớm ngày 15/9, mặt hồ Xuân Hương, nơi con suối chảy vào tràn ngập trong rác thải. Lực lượng công nhân vệ sinh đã phải mất nhiều thời dùng lưới kéo gom rác về một địa điểm để trục vớt. Ước tính có hàng tấn chất thải nông nghiệp đã đổ vào hồ Xuân Hương sau trận mưa lớn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 16/9/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới