Thứ ba, 23/04/2024 13:38 (GMT+7)

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/9/2018

MTĐT -  Thứ năm, 20/09/2018 09:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/9. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/9 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Điện Biên: Tiếp tục lùi thời gian đóng cửa bãi rác Noong Bua

Hiện nay, bãi rác Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ đang rơi vào tình trạng quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Điện Biên cho phép lùi thời gian đóng cửa bãi rác Noong Bua đến năm 2018, trong lúc Nhà máy xử lý rác thải tại xã Pom Lót, huyện Điện Biên thi công. Nhưng do Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên bị chậm tiến độ nên bãi rác Noong Bua vẫn phải tiếp nhận rác thải từ thành phố và bãi rác này chưa thể đóng cửa trong nay mai.

Theo phản ánh của người dân, gần 20 năm qua, toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, hữu cơ và vô cơ đều của thành phố Điện Biên Phủ được tập kết tại bãi rác này, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân. Hiện nay, bãi rác này đã bị quá tải, UBND TP. Điện Biên Phủ và Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Điện Biên đã đề ra một số giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng từ bãi rác thải Noong Bua bằng cách đóng cửa bãi rác Noong Bua và xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại xã Pom Lót, huyện Điện Biên.

Dự án Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên được đầu tư, xây dựng với tổng số vốn gần 70 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 10,5ha đất tại địa phận xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Dự án này do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên làm chủ đầu tư. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2017 - 2018) với tổng vốn đầu tư gần 38 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2020 - 2025) với tổng vốn đầu tư trên 31 tỷ đồng.

Sau khi Nhà máy này đi vào vận hành và bắt đầu tiếp nhận rác, xử lý rác tại bãi Púng Min, xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Đồng thời dừng tiếp nhận rác bãi rác Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ thì bãi rác Noong Bua sẽ thôi không tiếp nhận rác thải của cả khu vực lòng chảo Điện Biên. Tuy nhiên đến nay, Công ty CP Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên mới hoàn tất xong các thu tục đầu tư. Đơn vị này dự kiến khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 11/2018 và đến tháng 6/2019 sẽ hoàn thành giai đoạn I.

Canada mời Việt Nam dự Hội nghị Bộ trưởng G7 về môi trường và năng lượng

Việt Nam là một trong 9 nước được Canada mời tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) về biến đổi khí hậu, đại dương và năng lượng sạch.

Hội nghị có chủ đề “Cùng hành động về biến đổi khí hậu, đại dương và năng lượng sạch”. Hội nghị diễn ra từ ngày 19 – 21/9 tại thành phố Halifax, tỉnh Nova Scotia.

Theo thông báo, Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Catherine McKenna; Bộ trưởng Nghề cá, Đại dương và Bảo vệ bờ biển Jonathan Wilkinson; Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Amarjeet Sohi sẽ đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng G7 ở Halifax.

Canada hiện là Chủ tịch G7 năm 2018. Ngoài Việt Nam, những nước được mời còn lại gồm Argentina, Jamaica, Kenya, quần đảo Marshall, Nauru, Na Uy, Seychelles và Nam Phi. Các nước khách mời sẽ tham dự phiên thảo luận về sức khoẻ đại dương và khả năng ứng phó của các cộng đồng ven biển.

TP.HCM: Quyết tâm xử lý rác thải và mùi hôi

Theo lãnh đạo Sở TM&MT, TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ có vị trí quan trọng của cả nước; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á. Cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội mạnh mẽ, lượng chất thải rắn phát sinh cũng không ngừng gia tăng. Và UBND TP. HCM quyết tâm đẩy mạnh về xử lý rác thải và mùi hôi.

Theo ước tính năm 2017 của Sở TM&MT, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 9.000-9.500 tấn/ngày. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 8.900 tấn/ngày đêm, chất thải rắn xây dựng khoảng 1.500 tấn/ngày đêm. Lượng chất thải nguy hại phát sinh cũng có xu hướng gia tăng, ước tính khoảng 150.000 tấn năm (trung bình 350-400 tấn/ngày), trong đó chất thải nguy hại y tế khoảng 6.300 tấn (trung bình 17 tấn/ngày).

Theo dự báo, tỉ lệ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt ước khoảng 5-6%/năm. Cụ thể, vào năm 2020 là 10.081 tấn/ngày và 2025 là 12.864 tấn/ngày); chất thải rắn công nghiệp của năm 2020 là 1.922 tấn/ngày và 2025 là 2.497 tấn/ngày; chất thải nguy hại sẽ tăng cỡ 8%/năm (2020 là 549 tấn/ngày và 2025 là 807 tấn/ngày); chất thải rắn y tế tăng 10%/năm (2020 là 30 tấn/ngày và 2025 là 50,5 tấn/ngày).

Trước áp lực gia tăng lượng rác khổng lồ này, TP. HCM đặt ra mục tiêu đến 2020, tỉ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20%.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/9/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới