Thứ tư, 24/04/2024 13:40 (GMT+7)

Toàn cảnh nhà máy xử lý nước thải giúp “hồi sinh” sông Tô Lịch

MTĐT -  Thứ ba, 18/08/2020 14:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

DA nhà máy nước Yên Xá (Hà Nội) quy mô 13,8 ha với trạm bơm thiết kế lớn nhất miền Bắc được kỳ vọng sẽ giúp Hà Nội giải quyết vấn đề cấp bách về xử lý nước thải, góp phần làm sạch các con sông ô nhiễm

Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, được khởi công xây dựng từ đầu tháng 10/2016.

Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì, Hà Nội) được khởi công đầu tháng 10/2016, tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD (hơn 16 nghìn tỷ đồng), dự kiến hoàn thiện, bàn giao cho TP vào năm 2022.

Nhà máy có diện tích 13,8ha, nằm ở cánh đồng Yên Xá, ngay cạnh trục đường đôi nối từ Nguyễn Xiển đi Xa La (quận Hà Đông). Đây được xem là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải.

Toàn cảnh nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Theo ghi nhận, sau một thời gian "bất động", dự án này mới được triển khai xây dựng trở lại, bước sang giai đoạn 2, các hạng mục thi công đang dần hoàn thiện khoảng 40%, bao gồm hệ thống trạm bơm, kênh dẫn nước thải, bể xử lý, bể lắng.

Trạm bơm nước thải đầu vào chính là hạng mục sẽ giúp nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đạt được công suất xử lý nước 270.000m3/ngày.

Sau khi hoàn thành, đưa vào hoạt động, nhà máy sẽ thu gom và xử lý toàn bộ nước thải của các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì.

Dự án bao gồm một nhà máy xử lý nước thải có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.

So với những trạm bơm của các nhà máy xử lý nước thải khác thì trạm bơm của nhà máy nước thải Yên Xá được đánh giá có quy mô lớn nhất miền Bắc.

Trạm bơm này cũng là hạng mục thi công khó khăn nhất và lâu nhất. Đến nay, trạm bơm đã được đổ bê tông bản đáy 1.826m3 (khoảng 77% khối lượng công việc của bản đáy).

Trạm bơm của nhà máy nước thải Yên Xá được đánh giá có quy mô lớn nhất miền Bắc.

Một phần đường ống cống gom nước thải đường kính 2m2 đã được đấu nối vào trạm bơm.

Hệ thống cống thu gom được lắp đặt bằng công nghệ khoan kích ngầm (Pipe jacking) mới, không phải đào xới bên trên mặt đường nên không ảnh hưởng đến giao thông, đường sá, cầu cống... và không ảnh hưởng đến đời sống của dân cư trong khu vực thi công.

Ngoài hệ thống cống gom thì dự án cũng bao gồm nhiều hệ thống đường ống dẫn nước bên trong nhà máy, hiện đang được tiến hành lắp đặt.

24 bể lắng được chia thành 3 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên 8 bể, trong đó các bể ở đơn nguyên 2 và 3 đã cơ bản hoàn thiện.

Nhiều bể lắng thuộc đơn nguyên 3 đã hoàn thành thi công tường và sàn đỉnh bể, trong đó 1 bể đã được thí nghiệm kín nước.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá áp dụng công nghệ xử lý bùn hoạt tính truyền thống AO. Đây là công nghệ phổ biến trên thế giới, áp dụng cho các nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn.

Anh Hà Mạnh Linh, kỹ sư phụ trách công tác xây dựng nhà máy nước thải Yên Xá cho biết: "Việc thi công công trình trong thời gian diễn ra 2 đợt dịch Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực và máy móc thiết bị. Tuy nhiên nhà thầu vẫn chấp hành các chỉ đạo của thành phố, đảm bảo công tác cách ly, phòng dịch nhưng vẫn hoàn thành khối lượng công việc theo kế hoạch".

Công nhân nỗ lực đưa dự án hoàn thành theo đúng tiến độ.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được kỳ vọng sẽ "hồi sinh những dòng sông chết".

Sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Sét... nhiều năm qua luôn được ví như những dòng sông "chết" bởi mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do việc xả trực tiếp các nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp ra sông. Nhiều người hy vọng dự án xử lý nước thải Yên Xá sẽ làm "hồi sinh" được những dòng sông này.

Theo VietnamNet

Bạn đang đọc bài viết Toàn cảnh nhà máy xử lý nước thải giúp “hồi sinh” sông Tô Lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.