Thứ ba, 23/04/2024 16:43 (GMT+7)

Tổng cục Môi trường tổng kiểm tra công tác nhập khẩu phế liệu

MTĐT -  Thứ bảy, 30/06/2018 22:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tổng cục Môi trường đang tiến hành tổng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, tiến hành rà soát các văn bản pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong nhập khẩu phế liệu.

Những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu tại Việt Nam có xu hướng gia tăng mạnh. Tổng số các doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng phế liệu trên cả nước là 256 doanh nghiệp.

Trong đó, lượng doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để trực tiếp phục vụ sản xuất là 153 doanh nghiệp (chiếm 59,76% tổng số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu), số lượng doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác là 103 doanh nghiệp (chiếm khoảng 40,24%).

Đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.

Thông qua việc nhập khẩu phế liệu này, nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, linh kiện điện tử có chứa chất thải nguy hại… đã bị nhập khẩu trái phép vào Việt Nam. Do việc nhập khẩu các loại phế liệu này thường đem lại lợi nhuận cao, nên các doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật, dùng những thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt các lực lượng chức năng, thậm chí, cố tình vi phạm luật.

Chính sách pháp luật có nhiều lỗ hổng?

Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới cũng cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Đối với Việt Nam, ở trình độ phát triển hiện tại, vẫn cần phế liệu nhựa, giấy để tái chế, phục vụ hoạt động sản xuất (và cũng là cách để tái sử dụng nguồn nguyên liệu này).

Tuy vậy, đây là mặt hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống nên Bộ TN&MT đã ban thành Thông tư 41/2015/TT-BTNMT quy định việc nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường cùng với đó là hệ thống các Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu. Nội dung quản lý về BVMT trong NKPL được quy định tại Chương VIII với 9 điều gồm: Đối tượng được phép NKPL từ nước ngoài vào Việt Nam; Điều kiện về BVMT trong NKPL; Mục đích và phương thức ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu...

Về vấn đề trên, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay: “Để siết chặt việc việc nhập khẩu phế liệu, Việt Nam cũng đã sửa đổi, ban hành nhiều văn bản luật. Đơn cử như Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ 1/7/2016 đã quy định chi tiết hơn về tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam. Đây là khung pháp lý để hạn chế nhập khẩu phế liệu nguy hại vào Việt Nam. Tuy vậy, chính sách chung vẫn có kẽ hở như chưa có hoàn toàn chưa có bất kỳ cơ chế nào ràng buộc trách nhiệm về chất lượng hàng hóa với đơn vị chuyên chở.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Đó là lý do, khi hàng về cảng, doanh nghiệp nhập khẩu từ bỏ nhận hàng vì nhiều lý do (như làm ăn thua lỗ, nợ thuế, bị tạm dừng làm thủ tục hải quan hoặc “bỏ của chạy lấy người” do có nguy cơ khởi tố hình sự...), cơ quan Hải quan hay đơn vị kinh doanh cảng không thể làm gì với hãng tàu.

Vì vậy, vẫn cần một chế tài xử phạt với hãng tàu khi chuyên chở hàng hóa là rác thải mà không có tên người gửi hoặc hàng về cảng không có người nhận. Có như vậy, hãng tàu mới có trách nhiệm xác minh, kiểm tra hàng hóa nhận chuyên chở, tức làm bộ lọc đầu”.

Quy trách nhiệm rõ ràng trong việc giải quyết phế liệu ùn ứ

Ngay sau khi có thông tin phản ánh về việc hàng ngàn container rác, phế liệu đang tồn đọng ở các cảng biển của Việt Nam, Tổng cục Môi trường giao cho Cục Môi trường miền Nam và Cục Môi trường miền Bắc xem khảo sát nắm tình hình. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường thành lập Đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.

Thực hiện chỉ đạo, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Tổng cục Hải quan đã tổ chức tổng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cảng biển của TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng, đây là 2 địa bàn trọng điểm, đang có tồn đọng về phế liệu nhập khẩu. 

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: “Dự kiến, công tác kiểm tra sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày, khi có kết quả Tổng cục Môi trường sẽ tổng hợp báo cáo Bộ trưởng để Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cũng như đề xuất các giải pháp tổng thể để chặn đứng tình trạng nhập khẩu ồ ạt này”.

Mới đây, để xử lý số hàng tồn đọng tại các cảng, Tổng cục Hải quan đã ra văn bản hướng dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng.

Phế liệu ùn ứ có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường nghiêm trọng.

Chi cục Hải quan nơi có hàng tồn đọng chủ trì phân loại theo chủng loại, số lượng, khối lượng, thành phần, tính chất hàng hóa, phế liệu.

Trên cơ sở các container hàng hóa phế liệu tồn đọng đã được phân loại, Hội đồng Xử lý hàng tồn đọng lập, phê duyệt phương án xử lý theo hướng bán hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản xác lập sở hữu toàn dân.

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố lập danh sách thống kê, báo cáo Tổng cục Hải quan số lượng hàng hóa tồn đọng, chủng loại để có cơ sở phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tiến hành phân loại, xây dựng hồ sơ đăng ký thẩm định năng lực xử lý hàng hóa, phế liệu tồn đọng, tiếp nhận hồ sơ và đánh giá năng lực của những cơ sở tham gia đấu thầu thu mua để xử lý, tái chế.

Trước đó, Tổng cục Môi trường cũng thường xuyên phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính kiểm tra việc nhập khẩu phế liệu. Qua kiểm tra, chưa phát hiện tình trạng nhập khẩu rác thải nguy hại nhưng có tình trạng gian lận thương mại, nhiều chủ hàng lợi dụng làm giả mạo giấy phép nhập khẩu và nhập khẩu phế liệu không đúng quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép. Các cơ quan chức năng cũng đã mạnh tay xử lý với những trường hợp vi phạm.

Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I (Cục Hải quan Hải Phòng) đã yêu cầu Cty TNHH Deltachems Tuấn Sinh (Hải Phòng) phải tái xuất lô hàng phế liệu nhựa không đạt chuẩn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các ngành chức năng xử phạt hành chính và tước quyền sử dụng giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất 9 tháng đối với Công ty CP thép Pomina 2 do Công ty này nhập khẩu sắt phế liệu có chứa tạp chất đi kèm với phế liệu vượt quá 1% tỷ lệ cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Tổng cục Môi trường tổng kiểm tra công tác nhập khẩu phế liệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới