Thứ ba, 16/04/2024 19:29 (GMT+7)

TPHCM: Cần giải pháp chống ngập bền vững

MTĐT -  Thứ tư, 21/12/2016 11:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Thời gian qua, việc nâng cốt nền tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chẳng những không giải quyết được tình trạng ngập nước mà còn gây ngập nhiều hơn. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do công tác quy hoạch chưa tính toán kỹ, việc xây dựng thiếu khoa học... chưa bảo đảm tính khả thi lâu dài trong điều kiện biến đổi khí hậu, cập nhật quy hoạch có liên quan, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Vẫn còn nhiều bất cập

Theo Phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ (Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh), thời gian qua, khi nâng cấp, mở rộng xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo cốt xây dựng quy hoạch (trên 2m, trong khi địa hình thành phố thấp với trên 63% diện tích dưới 1,5m) đã xảy ra tình trạng quá cao so với cao nền nhà dân, gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt của người dân dọc tuyến, ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như việc đấu nối hệ thống thoát nước. Điển hình ở các dự án như: Đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; dự án nâng cấp đô thị trên địa bàn quận 6, 11, Tân Phú, Bình Tân; đặc biệt là dự án nâng đường Kinh Dương Vương.

Trước tình trạng trên, ông Vương Hoàng Thanh, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị TP Hồ Chí Minh băn khoăn: “Tại sao chúng ta không kiểm soát mực nước mà cứ đợi nước dâng đến đâu thì nâng đường đến đó?”. Theo ông Thanh, từ trước đến nay các đơn vị đều lúng túng trong quy hoạch xây dựng cốt nền đường và không tính đến phương án biến đổi khí hậu về lâu dài.

Còn theo kỹ sư Bùi Văn Phương, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Tư vấn - Xây dựng Hưng Nghiệp, tại một số khu vực có cốt nền cao, việc nâng đường càng lãng phí, vô tình làm nhà dân bị tụt xuống, dễ ngập. Trong khi, nền đất lún rất nhiều nhưng quy hoạch và các nghiên cứu trước chưa được quan tâm thỏa đáng.
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh: TP Hồ Chí Minh có nền địa chất phức tạp, nhiều khu vực địa chất yếu, địa hình tương đối thấp, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều. Không những vậy, tình trạng lấn chiếm, san lấp kênh rạch trái phép, xả rác cũng làm hạn chế khả năng thoát nước. Chưa kể, quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều công trình bê tông, hệ thống cống thoát nước cũ, xuống cấp... cũng làm cho thành phố thường xuyên chịu ngập nặng.


Phải có phương án lâu dài

Trước thực trạng trên, theo kỹ sư Bùi Văn Phương, TP Hồ Chí Minh cần chú trọng quy hoạch sử dụng đất hợp lý, mật độ cây xanh, tận dụng diện tích đất hiện hữu để làm hồ điều tiết, vừa bảo đảm nước thấm đất vừa chống ngập hiệu quả. Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, cần xem lại quy hoạch chiều cao san nền, thoát nước đô thị, căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất.

Còn theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Thoát nước Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, đối với những khu vực có cao độ thấp hơn mực nước triều cường thì phải có đê bao và hồ chứa hoặc trạm bơm để hút nước chứ không thể chỉ nâng đường, nâng cống. Cùng với đó, khi quy hoạch chiều cao san nền phải tính đến biến đổi khí hậu, không để tình trạng cứ nâng đường mãi mà không hết ngập. Ngoài ra, cần tính đến việc xây dựng thêm một hệ thống thoát nước mới song song với hệ thống cũ để kết nối ra tuyến cống thoát nước chính. Đồng thời, các công trình trong tương lai nên chú trọng nghiên cứu yếu tố biến đổi khí hậu để có những thay đổi về mặt kỹ thuật khi xây dựng cốt nền. Đây mới là phương án chống ngập lâu dài.

Được biết, trước mắt Sở GT-VT thành phố sẽ yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công khi xây dựng, nâng cấp đường cần thực hiện điều tra xã hội học, kết hợp với các yếu tố kỹ thuật để có cao độ thiết kế đường phù hợp. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án theo quy định. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiến nghị UBND thành phố phê duyệt chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân bị ảnh hưởng khi nâng đường chống ngập. Về lâu dài, Sở GT-VT thành phố phối hợp Sở Xây dựng rà soát, điều chỉnh cốt nền, cốt xây dựng thật hợp lý và bảo đảm tính khả thi lâu dài trong điều kiện biến đổi khí hậu, cập nhật quy hoạch có liên quan, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Hà Phạm/HNM
Bạn đang đọc bài viết TPHCM: Cần giải pháp chống ngập bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.