Thứ sáu, 29/03/2024 13:57 (GMT+7)

Tranh cãi về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội

MTĐT -  Thứ hai, 23/12/2019 14:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ô nhiễm không khí không còn là câu chuyện mới tại Hà Nội, nhưng tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng cao khiến nhiều người không khỏi hoang mang. Nhất là nguyên nhân ô nhiễm vẫn còn gây tranh cãi.

Một số chuyên gia cho rằng, ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến từ nhiều lĩnh vực và phần lớn đến từ các hoạt động bên ngoài Hà Nội có thể kể đến là từ khói bụi của các nhà máy nhiệt điện ở ngoài Hà Nội.

"Ước tính khoảng 20% lượng PM2.5 trong không khí Hà Nội là từ các nhà máy nhiệt điện lớn và các khu công nghiệp quanh Hà Nội", Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế kết luận trong Dự báo chất lượng không khí ở Hà Nội và khu vực phía Bắc, tháng 10/2018.

Khu vực phía Bắc có 20 nhà máy nhiệt điện, trong đó nhà máy nhiệt điện Na Dương (Lạng Sơn) có công suất nhỏ nhất 110 MW, nhà máy lớn nhất là 2280 MW ở Mông Dương (Quảng Ninh). Các nhà máy nhiệt điện có công suất lớn tập trung chủ yếu ở phía đông (Hải Phòng và Quảng Ninh).

Trao đổi với Vnexpress, ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) ước tính một nhà máy với hai tổ máy 1200 MW sử dụng sau hệ thống lọc bụi tĩnh điện hiện đại nhất với hiệu suất 99,75% thì 0,25% còn lại vẫn tương đương với 8 tấn bụi thải ra môi trường, trong đó lượng bụi PM 2.5 khoảng hơn 2,3 tấn.

"Giả sử không khí hoàn toàn trong sạch, không có hạt bụi nào, thì lượng bụi 2,3 tấn sẽ làm ô nhiễm trong bán kính khoảng 65 km, chiều cao khoảng 200 m. Như vậy tưởng rằng lọc 99,75% bụi là đã hết, thực tế vẫn có một lượng lớn bụi PM 2.5 bay ra ngoài", ông Sính phân tích. Ông cho rằng các nhà máy nhiệt điện than hoạt động dù đảm bảo quy chuẩn Việt Nam vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí. "Trong một vùng, ngoài nhiệt điện than còn các nhà máy xi măng, hóa dầu khác cũng xả khí thải. Một nhà máy xả thải theo đúng quy chuẩn có thể đảm bảo nhưng nhiều nhà máy thì sẽ vượt quá khả năng chịu đựng môi trường".

Theo ông Sính, ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong những ngày nghiêm trọng nhất có đóng góp của các khu công nghiệp phía đông (Hải Phòng, Quảng Ninh) trong đó chủ yếu là các nhà máy điện chạy than. Vị chuyên gia cũng nhận định, ô nhiễm bụi mịn là vấn đề không biên giới, bởi khả năng lan truyền xa của nó.

Ông Lê Ngọc Minh, Trưởng phòng An toàn môi trường cho rằng, “với hệ thống xử lý khí thải của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, bán kính ảnh hưởng tới môi trường là không quá 5 km”.

Tuy nhiên, tại cuộc họp về ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP. HCM, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cũng bác bỏ thông tin ô nhiễm không khí tại Hà Nội do ảnh hưởng bởi các nhà máy nhiệt điện hoặc ô nhiễm xuyên biên giới vì không đủ cơ sở để kết luận.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nên hướng tới việc thay thế các nhà máy nhiệt điện than bằng các công nghệ chạy bằng khí, tăng cơ cấu năng lượng tái tạo trong bản đồ năng lượng quốc gia. Việc này nằm trong khả năng của khoa học và Chính phủ cũng đã có mục tiêu để thực hiện.

"Hiện, tôi chưa muốn nhận định ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM có liên quan đến các nhà máy nhiệt điện than vì chưa có cơ sở. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch có ảnh hưởng đến hiệu ứng nhà kính và phát thải bụi mịn tại một số địa phương trên cả nước", Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhận định Hà Nội và TPHCM nhận định nguyên nhân lớn nhất là do sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông.

Nguyên nhân thứ 2 là do Hà Nội và TPHCM đang trở thành một “đại công trường”, mật độ xây dựng lớn, chất thải, khí thải từ các công trình phát tán ra môi trường lớn. Nguyên nhân thứ 3 là do tại 2 TP lớn số lượng các nhà máy ven đô tăng nhanh.

Riêng tại Hà Nội, còn có thêm nguyên nhân là do tình trạng đốt rơm rạ từ ngoại thành và các tỉnh lân cận và đốt chất thải nguy hại, phát tán ra môi trường. Bộ TN&MT đang yêu cầu các địa phương kiểm tra và gấp rút xử lý tình trạng đốt chất thải nguy hại tại các địa phương.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Như vậy, các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đều là các nguyên nhân chủ quan, do con người tạo nên chứ không phải nguyên nhân khách quan từ môi trường hay khí hậu”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tranh cãi về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới