Thứ ba, 23/04/2024 21:28 (GMT+7)

Từ ngày 1/6, người dân TP.HCM phải phân loại rác theo quy định

MTĐT -  Thứ tư, 22/05/2019 11:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 21/5, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, thành phố vừa ban hành Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2019.

Theo đó, cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn rác thải cần phân loại tại nguồn thành 3 nhóm, gồm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật...); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh...) và chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại).

Chất thải sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải; có khả năng chống thấm và phù hợp với kích thước lượng chất thải cùng thời gian lưu giữ.

Bao bì đựng chất thải phải được buộc kín; thùng đựng phải có nắp đậy kín để đảm bảo không phát tán mùi và có dán biển cảnh báo thông tin trên thân thùng.

Thành phố cũng kêu gọi người dân hạn chế sử dụng túi ni lông nhựa khó phân hủy để chứa chất thải, khuyến khích sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường để thay thế.

Đặc biệt, đối với khu vực đất thuộc quyền sử dụng, quản lý của cá nhân, tổ chức trong trường hợp để tồn đọng và phát sinh chất thải thì cá nhân, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm thu gom và phun xịt khử mùi (nếu cần) trong vòng 24 giờ từ khi có phản ánh hoặc yêu cầu của chính quyền địa phương. Quá thời hạn nêu trên cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt.

Đối với khu vực đông dân cư và trong khu công nghiệp, khu chế xuất, tần suất thu gom tối thiểu là một ngày/lần. Đối với khu vực dân cư thưa thớt, tần suất thu gom tối thiểu 1-2 ngày/lần...

Trước đó, từ 24/11/2018, các hộ dân TP. HCM phải phân rác thành 3 loại. Theo đó, chất thải phải phân loại theo 3 nhóm: hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); có khả năng tái sử dụng (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh) và chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

Các loại rác phải chứa trong bao bì phù hợp: túi màu xanh, màu trắng đựng rác hữu cơ; túi có màu sắc khác chứa chất thải còn lại. Hoặc có thể dán nhãn, ghi chữ trên các túi rác để phân biệt.

Đơn vị thu gom sẽ lấy rác khác ngày, xe chuyên chở sẽ ghi rõ thu gom chất thải hữu cơ hoặc thu gom chất thải còn lại.

Xử lý rác thải là một trong những vấn đề cấp bách của TP HCM. Mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 8.300 tấn rác thải rắn sinh hoạt. Trong đó, 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp; 14,7% tái chế nhựa; còn lại là đốt không phát điện.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Từ ngày 1/6, người dân TP.HCM phải phân loại rác theo quy định. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới