Thứ năm, 28/03/2024 23:09 (GMT+7)

Từ ngày 24/11, người dân TP. HCM sẽ phân loại rác như thế nào?

MTĐT -  Thứ sáu, 23/11/2018 17:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định 44 quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.

Theo đó, kể từ ngày mai (24/11), các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TPHCM có hoạt động phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại.

Trường hợp hộ gia đình, chủ nguồn thải không chấp hành phân loại, chuyển giao không đúng nhóm chất thải theo quy định, sau khi đã được nhắc nhở nhiều lần (3 lần trở lên/tuần), tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom có trách nhiệm thông báo đến UBND phường - xã - thị trấn biết để xử lý theo quy định.

Hiện nay, theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng.

Cụ thể, chất thải phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành 3 nhóm:

Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật);

Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh);

Nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

Không phân loại rác sẽ bị phạt tiền. Ảnh minh họa: Internet.

TP.HCM cũng khuyến khích các hộ gia đình, chủ nguồn thải sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ, còn túi có màu sắc khác để chứa chất thải còn lại; dùng thùng rác chuyên dụng có màu xanh để chứa chất thải hữu cơ, màu xám để chứa chất thải còn lại.

Quyết định cũng chỉ rõ phải đảm bảo tổ chức thu gom, vận chuyển riêng nhóm chất thải hữu cơ và nhóm chất thải còn lại. Chất thải hữu cơ được thu gom vào thứ hai, tư, sáu và chủ nhật trong tuần; chất thải còn lại được thu gom vào thứ ba, năm, bảy trong tuần. Tùy điều kiện thực tế mà các địa phương có thể sắp xếp thời gian thu gom phù hợp và tùy khối lượng phát sinh của từng nhóm chất thải mà có thể tăng, giảm số ngày thu gom trong tuần.

Phương tiện thu gom có dòng chữ “Thu gom chất thải hữu cơ” hoặc “Thu gom chất thải còn lại”; phương tiện vận chuyển có dòng chữ “Vận chuyển chất thải hữu cơ” hoặc “Vận chuyển chất thải còn lại”. Nếu hộ gia đình, chủ nguồn thải không thực hiện phân loại chất thải rắn và chuyển giao chưa đúng theo quy định thì đơn vị thu gom được quyền từ chối thu gom.

Trao đổi với Vnexpress về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP. HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố cần có động thái với việc xử lý rác bởi đây là vấn đề rất cấp bách. Phân loại rác là đi đến chủ trương sử dụng rác, phải xem đây là nguồn nguyên liệu để tái chế, tái sử dụng có hiệu quả.

Rác hữu cơ sau khi phân loại được đưa đến nơi xử lý đốt để thu năng lượng, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cho quá trình sản xuất. "Mục tiêu của thành phố không phải xử phạt để lấy tiền, mà muốn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường", ông Thắng nói và cho biết Sở đã tham mưu cho UBND TP HCM thực hiện theo lộ trình để người dân làm quen.

Theo Sở TN-MT, việc giám sát và xử phạt do quận, huyện thực hiện. Đối với các chung cư thì ban quản lý chung cư kết hợp cùng UBND phường, xã tiến hành việc giám sát và xử phạt theo quy định. Đối với các xe vận chuyển rác, TP cũng đề nghị quận, huyện chuyển đổi, đăng kiểm để hạn chế gây ô nhiễm trong quá trình vận chuyển; đề xuất phương án sử dụng xe cho phù hợp với từng địa phương.

Được biết, mỗi ngày, trên địa bàn TP phát sinh khoảng 8.900 tấn rác sinh hoạt, 1.500-2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200-1.600 tấn rác thải xây dựng, 22,4 tấn rác thải y tế nguy hại và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại. TP đã và đang tìm nhiều giải pháp, trong đó có việc phân loại rác tại nguồn để tái chế.

Theo thống kê của Sở TN-MT TP. HCM, lượng rác thải được xả ra nơi công cộng tăng khoảng 6% mỗi năm. Để việc xử lý hành vi vi phạm rác thải công cộng, ngoài việc tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân. Pháp luật còn có quy định với 4 hành vi xả rác nơi công cộng, với mức xử phạt thấp nhất 500.000 đồng và cao nhất 7 triệu đồng và được giao về quận huyện xử lý. Ngoài ra, đơn vị cũng cần gắn kết với hệ thống camera an ninh của quận, huyện để lấy chứng cứ làm bằng chứng xác lập hành vi xử lý vi phạm xả rác…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Từ ngày 24/11, người dân TP. HCM sẽ phân loại rác như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.