Thứ sáu, 29/03/2024 21:19 (GMT+7)

Văn hóa vệ sinh công cộng: Cần loại bỏ những hình ảnh không đẹp

MTĐT -  Thứ ba, 07/02/2017 10:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) – Dù TP Hà Nội rất khẩn trương, quyết liệt trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan độ thị thông qua việc triển khai lắp đặp thêm hàng loạt nhà vệ sinh công cộng (VSCC), tình trạng tiểu bậy vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt tại các khu vực xa trung tâm.

Báo động ý thức nơi công cộng

Bất chấp hàng loạt nhà VSCC mới được lắp đặt trên địa bàn nội đô thời gian qua, tình trạng tiểu bậy tại các khu vực xa trung tâm, thậm chí ngay giữa ban ngày đông đúc vẫn còn tồn tại.

Dù là một trongnhững công viênđẹp nhất Thủ đô thu hút đông đảo người dân tới vui chơi, công viên Thống Nhất hàng ngày vẫn phải đối mặt với vấn nạn này, đặc biệt tại bãi xe buýt trước cổng chính. Khu vực này luôn bốc mùi khai nồng nặc vì hành động của những người thiếu ý thức. Cánh xe ôm, lái xe taxi… không ngần ngại “trút bầu tâm sự”, dù cách đó chỉ vài chục mét là một nhà VSCC khang trang, sạch đẹp.

Không chỉ tiểu bậy ngay trước cổng chính, nhiều người còn vô tư “xả” dọc khu vực hàng rào bao quanh công viên. Chỉ cần nhìn lướt qua là dễ dàng nhận thấy nhiều đoạn rào bằng kim loại đã rỉ sét, những góc chân tường hoen ố, lênh láng “tác phẩm” của những thành phần kém văn hóa.

Trong khi đó, đối diện công viên Thống Nhất cũng là những hình ảnh phản cảm không kém. Cả người già lẫn thanh niên vô tư “xả” thẳng xuống hồ trong khi nhiều người gần đó vẫn vô tư… câu cá.

Bức xúc về vấn đề này, chị Nguyễn Bích Hồng (phố Lê Duẩn) cho biết rất hay phải chứng kiến những hình ảnh không đẹp này, không chỉ tại công viên Thống Nhất, mà còn ở nhiều địa điểm khác nữa.

“Cần phải phạt thật nặng những người có hành vi tiểu bậy. Phải bắt họ tự dọn chứ chỉ phạt hành chính thì không hiệu quả lắm”, chị Hồng cương quyết.

Ngoài chuyện tiểu bậy, những người văn hóa kém còn là nỗi ám ảnh đối với những nhân viên tại các nhà VSCC. Theo một nhân viên tại nhà VSCC trên đường Láng (đoạn giao với phố Nguyễn Chí Thanh), tình trạng khách không xả nước sau khi giải quyết nhu cầu là rất phổ biến, dù trước khi sử dụng đã được nhắc nhở.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Dương Thị Dần (nhân viên công ty Môi trường Đô thị Hà Nội) bức xúc nói: “Nhiều người vô ý thức lắm, họ đi vệ sinh xong mà cứ để nguyên đấy, rồi tôi lại phải là người đi dọn. Thậm chí, nhiều người còn uống rượu say, nôn luôn vào bồn tiểu nên tôi phải đeo găng tay móc ra nếu không thì tắc hết”.

Bất chấp nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền thành phố và các cơ quan chức năng, nạn tiểu bậy vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Việc thiếu thốn nhà VSCC là một nhẽ, nhưng điều đáng nói là sự xuống cấp trong những hành vi vô văn hóa  của một bộ phận đã và đang gây ảnh hưởng rất xấu tới “bộ mặt” của thành phố.

Hiệu quả ban đầu cần phát huy

Trước dịp Tết Nguyên đán 2017, TP Hà Nội đã thực hiện lắp đặt khoảng 200 nhà VSCC trên địa bàn các quận nội thành, các trung tâm du lịch, văn hóa, đầu mối giao thông, các địa điểm vui chơi công cộng, tập trung đông người. Đây là động thái đúng đắn, quyết liệt của chính quyền thành phố trong nỗ lực giảm thiểu tối đa nạn tiểu bậy trên toàn địa bàn, nhằm bảo đảm Hà Nội xứng đáng là thành phố “Xanh – Sạch – Đẹp”.

Dạo một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm vốn luôn đông đúc và nhộn nhịp, phóng viên dễ dàng nhận thấy khu vực này đã được bố trí thêm nhiều nhà VSCC mới rất sạch sẽ với hệ thống trang thiết bị hiện đại, thiết kế đồng bộ với cảnh quan và có lượng khách sử dụng đều đặn.

Tại một nhà VSCC gần đền Ngọc Sơn, nơi tập trung rất đông người dân và du khách đến tham quan là khung cảnh tấp nập, người này vừa ra người khác đã vào. Nhà vệ sinh này có hai nhân viên trông coi, thu phí và kiêm luôn nhiệm vụ dọn dẹp mỗi khi cần.

Mô hình nhà VSCC mới ban đầu đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách.

Ngoài những nhà VSCC kiểu mới, trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều nhà VSCC truyền thống. Nằm sâu trong con ngõ nhỏ tại số 29 Hàng Khay là một trong số đó. Chị Dương Thị Dần, nhân viên trông coi tại đây cho biết nhà vệ sinh này đã tồn tại từ hàng chục năm nay và vẫn được duy trì hoạt động bình thường.

“Nhà vệ sinh này đã được cải tạo lại từ trước Tết nên giờ sạch sẽ hơn nhiều. Do có biển chỉ dẫn bên ngoài nên lượng khách sử dụng khá đều, cả người dân quanh khu vực và khách du lịch, đặc biệt kể từ khi có tuyến phố đi bộ. Vào các dịp đặc biệt, có những lúc khách đông đến mức phải xếp hàng dài”, chị Dần cho biết.

Cũng theo chị Dần, nhà vệ sinh tại số 29 Hàng Khay không thu phí, được mở cửa từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối nhưng vào những ngày cuối tuần hoặc các dịp lễ sẽ đóng muộn hơn để phục vụ nhu cầu của khách.

“Nếu có thiếu thì cũng là thiếu ở nơi khác chứ khu vực quanh hồ có rất nhiều nhà VSCC đáp ứng được như cầu sử dụng”, chị Dần nói thêm.

Trong khi đó, tại các khu phố cổ sầm uất, phóng viên không mất quá nhiều thời gian để tìm được một nhà VSCC. Hầu hết những địa điểm này đều có biển chỉ dẫn rõ ràng, có nhân viên trong coi và dọn dẹp.

Anh Hoàng Việt (Quận Cầu Giấy) cho biết đã từng sử dụng nhà VSCC ở số 5 Hàng Giày hay khu vực phía sau chợ Đồng Xuân khi lên phố cổ chơi vào dịp cuối tuần.

“Nhiều nhà VSCC mới có trang thiết bị hiện đại, mức phí rẻ và đặc biệt là rất sạch sẽ. Việc bố trí thêm nhà vệ sinh tại khu phố cổ là điều cần thiết vì đó là những nơi đông người qua lại, thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài”, anh Việt chia sẻ.

Như vậy, có thể thấy chủ trương lắp đặt thêm hàng loạt nhà VSCC của TP Hà Nội đã bước đầu phát huy được hiệu quả. Thời gian tới, chính quyền thành phố sẽ khẩn trương hoàn thiện và đưa vào sử dụng 1.000 nhà VSCC trên địa bàn nội đô nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế, giảm tối đa vấn nạn tiểu bậy, trước khi tiến tới dẹp bỏ hoàn toàn, để Hà Nội ngày một đẹp hơn trong mắt người dân và du khách.

Theo HNM

Bạn đang đọc bài viết Văn hóa vệ sinh công cộng: Cần loại bỏ những hình ảnh không đẹp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới