Thứ sáu, 29/03/2024 17:05 (GMT+7)

“Vệ sĩ” của biển xanh

MTĐT -  Thứ tư, 13/02/2019 16:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dưới cái nắng hanh khô, các bạn trẻ của nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã SaSa vẫn miệt mài thu dọn rác thải - cạm bẫy chết chóc của các loài thủy sinh...

Bãi Nam, bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng còn khá hoang sơ, nước biển xanh ngắt. Nhưng nhiều "chấm đen" trên bờ biển là rác thải trải dài.

Dưới cái nắng hanh khô, các bạn trẻ của nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã SaSa vẫn miệt mài thu dọn rác thải là cạm bẫy chết chóc của các loài thủy sinh...

Nhóm SaSa dọn rác thải trên bãi biển Đà Nẵng - Ảnh: Đoàn Cường.

Hai thành viên tuổi đôi mươi của SaSa là Rhys cùng Tuấn Anh nhễ nhại mồ hôi, dùng xẻng lẫn tay đào sâu xuống bãi cát. Gần một giờ đồng hồ, họ mới lôi lên được tấm nilông rộng đến cả 1m2 nằm sâu dưới cát.

Rhys vui ra mặt. Anh là tay lướt sóng đến từ Mỹ và chọn Đà Nẵng để sống. "Những lần ra biển tôi làm quen với các bạn SaSa và tham gia hoạt động ý nghĩa của họ. Đó là việc ý nghĩa nên làm" - Rhys chia sẻ.

"Cứu hộ sinh vật biển cũng chính bằng việc thu dọn rác thải trên bờ biển để các loài không trở thành nạn nhân của rác do con người thải ra.

Anh Lê Chiến

"Lưới ma" hủy diệt san hô

Trên bờ biển, các thành viên khác của SaSa vẫn dàn hàng ngang thu gom rác. Anh Lê Chiến, trưởng nhóm SaSa, phải đối đầu với đống rác khổng lồ là tấm lưới mà ngư dân vứt xuống biển rồi bị sóng đánh dạt cắm sâu dưới bãi.

Tấm lưới nếu gỡ ra có thể rộng đến hàng chục mét vuông. Một mình Chiến không thể xử lý nổi đống lưới khổng lồ nên mấy thành viên khác được huy động.

Họ quần thảo suốt cả giờ mới lôi được tấm lưới lên trên mặt cát. Ai cũng thở dốc vì mệt. "Những tấm lưới này được gọi là "lưới ma". Đó là cái bẫy mà những sinh vật biển nhỏ lao vào sẽ mắc kẹt chết, những con lớn hơn vào ăn con nhỏ cũng chết theo, tạo nên những cái chết dây chuyền rất tội nghiệp và ô nhiễm môi trường" - anh Chiến lý giải.

Thông thường, hằng tuần các thành viên SaSa sẽ lặn xuống biển để kiểm tra rạn san hô và dọn dẹp rác.

"Chính những lần lặn xuống biển đã cho chúng tôi thấy thực tế vô cùng kinh hoàng do rác thải con người đang gây ra. Nếu là những lưới đánh cá vứt xuống biển khi trùm lên rạn san hô thì chỉ một thời gian ngắn rong rêu sẽ phủ cao, che hết ánh sáng và làm san hô chết đi. Một miếng lưới vứt xuống biển có thể làm chết cả rạn san hô. Thật thảm họa!" - anh Chiến tâm sự.

Cầm một ống hút bằng nhựa vừa lượm được, anh chia sẻ đây chỉ là một vật nhỏ nhưng là vũ khí giết rùa biển. Rất nhiều rùa đã bị loại vũ khí này chui vào mũi. Anh bức xúc với những túi nilông nhỏ người ta vứt đầy ra, chúng lập lờ trên biển. Và rồi sóng sẽ cuốn nilông mắc vào các rạn san hô. Rong rêu lại bám lên các túi đó, chặn ánh sáng khiến san hô chết đi.

Chú rùa bất hạnh được nhóm SaSa đưa vào bệnh viện điều trị - Ảnh: Lê Chiến.

Đối với những loại rác nhựa có thể tái chế, nhóm SaSa dùng dao cắt nhỏ mang về và đang nghiên cứu làm gạch plastic. Một số còn được họ làm các sản phẩm triển lãm mang tính tuyên truyền cộng đồng. Đối với các loại rác nhựa không tái chế được thì nhóm đóng thành bao giao cho các đơn vị xử lý.

Đưa rùa đi... bệnh viện

Mới đây, SaSa tiếp nhận tin báo về một chú rùa biển đang bị thương nặng ở Cù Lao Chàm, Hội An, họ đã nhanh chóng tiếp cận. Tuy nhiên, chú rùa này bị thương rất nặng và không thể ăn được.

"Chúng tôi đặt tên rùa là Chi vì khi tiếp nhận tình trạng rất đáng thương, hai chân trước liệt hẳn. Đặt tên Chi để mong chân rùa có thể hoạt động trở lại" - anh Chiến xúc động tâm sự.

SaSa đưa rùa về chăm sóc, điều trị bằng kháng sinh, sưởi ấm. Nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Họ phải đưa rùa vào... bệnh viện. Bác sĩ đã thốt lên là chưa từng gặp "bệnh nhân" rùa nào đi... bệnh viện! Tiến hành nội soi, họ phát hiện trong bụng rùa có rất nhiều rác như lưới, nhựa... Chúng gây tổn thương khiến rùa không thể ăn được.

Sau đó, các bác sĩ đã cố gắng lấy số rác trong bụng của rùa ra nhưng chỉ lấy được một phần rất nhỏ. Dù đã rất cố gắng nhưng vì tổn thương quá nặng, chú rùa đã ra đi trong sự ngậm ngùi của các thành viên SaSa...

Một buổi chiều cuối tháng 7-2018, SaSa lại nhận tin một chú cá heo bị thương ở vùng biển Quảng Nam và họ lập tức lên đường. Ngay khi tiếp cận được chú cá heo, các thành viên nhanh chóng đề nghị mọi người giải tán.

"Cá heo là loài rất thông minh. Nếu con người tiếp cận sai cách thì cá bị hoảng, mất phương hướng, lao đầu vào đá làm thương tích trầm trọng thêm, thậm chí chết luôn" - anh Chiến nhớ lại.

Giữa đêm đen kịt, các thành viên khẩn trương vệ sinh, sát trùng vết thương cho cá heo... Trên trời mưa gió vần vũ, sấm chớp xé ngang dọc. Khi cá heo đã uống được nước, ăn no, các thành viên mới thở phào. Mặt trời vừa ló trên biển, họ chạy đi chợ mua cá nục về cho cá heo ăn.

Qua mấy lần xác định phương hướng, chú cá heo mới được đặt tên Mun đã bơi ra biển khơi. Chưa an tâm, đội SaSa còn chia nhau đi dọc bãi biển để xem chú cá heo có dạt lại bờ không, đồng thời nhờ dân nếu thấy thì báo ngay cho nhóm tiếp tục cứu hộ.

Mất gần 18 giờ dầm mình trong nước biển lạnh giá, giữa đêm tối mưa bão họ đã đưa chú cá heo về với mẹ đại dương. Tên Mun lưu dấu kỷ niệm một đêm đen mưa gió. Và Mun còn là mạnh mẽ và rắn rỏi vượt qua.

SaSa hình thành từ một chú cá heo

Sự ra đời của đội SaSa bắt nguồn từ cuộc giải cứu cá heo vào một ngày tháng 6-2018. Chú cá heo bị thương do cá mập tấn công được cứu và đặt tên là SaSa. Vài tuần sau, những người yêu động vật hoang dã đã lập nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã SaSa với gần 10 người.

Ngoài anh Chiến là dân "chuyên nghiệp" - tình nguyện viên của Tổ chức bảo vệ môi trường biển One Ocean, còn lại đều tay ngang. Minh Thu là dân kinh tế, Rhys là vận động viên lướt sóng nhưng cùng một tấm lòng vì các loài thủy sinh và môi trường biển trong lành.

Đến với đội cứu hộ cũng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng mà trong đó bơi lặn phải giỏi vì cứu hộ trên biển vô cùng nguy hiểm. Vì thế, hằng tuần anh Quang Anh trở thành huấn luyện viên thể lực, bơi lội cho cả nhóm.

Ngoài "phần cứng" này, nhóm SaSa còn được chuyên gia cá heo của Vinpearl hỗ trợ tích cực. Anh Lê Nhật là chuyên gia về động vật đã tự nguyện trang bị cho anh em trong nhóm những kiến thức cơ bản về thú y, sơ cứu như thế nào, cách nhận biết vết thương.

Hiện nhóm đang thuê mặt bằng mở quán cà phê làm nơi giao lưu của những người yêu biển. Nơi đây cũng có các sản phẩm tái chế nhằm tuyên truyền bảo vệ môi trường. "Chúng tôi đã lên kế hoạch thực hiện chiến dịch dọn rác thải 400km trải dài từ Đà Nẵng trở vào phía Nam với sự tham gia của cộng đồng lớn" - anh Chiến hào hứng cho hay.

Rất cần có thêm nhiều SaSa

"Thực tế việc cứu hộ động vật biển và rạn san hô ở miền Trung hiện nay rất cần xuất hiện thêm những nhóm như SaSa. Những tình nguyện viên đầy nhiệt tình SaSa đã tạo được cảm hứng bảo vệ môi trường biển cho nhiều bạn trẻ và lan tỏa tinh thần thiện nguyện vì môi trường của cộng đồng.

Tình nguyện viên SaSa dầm mình suốt đêm để cứu chú cá heo Mun - Ảnh: Lê Chiến.

Không chỉ vậy, SaSa còn góp phần trực tiếp giải quyết vấn đề nan giải là rác thải đang rất trầm trọng ở môi trường biển" - ông Bùi Văn Tuấn, trưởng phòng nghiên cứu khoa học Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh - GreenViet, thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng, nhận xét.

Theo Tuổi trẻ

Bạn đang đọc bài viết “Vệ sĩ” của biển xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.