Thứ năm, 18/04/2024 11:35 (GMT+7)

Vì sao DN chỉ lăm le phương án nhận chìm vật chất xuống biển?

MTĐT -  Thứ hai, 17/09/2018 17:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn gửi Thủ tướng xin nhận chìm xuống biển và giao khu vực biển cho dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất lại một lần nữa lại gây tranh cãi.

Theo thông tin trên báo CA TP. HCM, mới đây UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cấp nhận chìm ở biển và giao khu vực biển cho Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Theo văn bản, hiện nay công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đang khẩn trương triển khai dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) trên cơ sở chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại công văn số 152/TTg- CN ngày 25/02/2017 và Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cấp chứng nhận đầu tư. Cảng chuyên dùng Hòa Phát Báo cáo của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho hay khối lượng vật chất nạo vét để xử lý tại khu vực bến cảng, vũng quay tàu và luồng tàu khoảng 15,5 triệu m3.

Tuy nhiên, nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong việc đưa vào bờ để tích trữ tạm thời, cũng như chưa tìm được đối tác trong nước có nhu cầu sử dụng cát nạo vét để san lấp mặt bằng.

Trong khi đó, việc xuất khẩu vật chất nạo vét (cát) cũng gặp nhiều khó khăn do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng xuất khẩu mọi loại cát.

Ngày 9/8, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi Bộ TN&MT thể hiện rõ quan điểm và đề xuất phương án nhận chìm ở biển đối với vật chất nạo vét trong quá trình thi công dự án nói trên.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: Internet. 

Công văn của UBND tỉnh Quảng Ngãi dẫn báo cáo của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho rằng nhà đầu tư này đã hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án, có bổ sung nội dung nhận chìm vật chất nạo vét. Báo cáo ĐTM này đã được Hội đồng thẩm định của Bộ TN&MT thông qua.

Nhà đầu tư đã cùng tư vấn tiếp thu ý kiến của các bộ, tính toán bổ sung các biện pháp bảo vệ môi trường, chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định và đã hoàn thành hồ sơ trình Bộ TN&MT.

Từ đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ TN&MT hỗ trợ, đẩy nhanh việc phê duyệt hồ sơ đề xuất nhận chìm vật chất nạo vét và đôn đốc tham mưu trình Thủ tướng giao khu vực biển cho dự án.

Đây không phải là lần đầu tiên có doanh nghiệp đề xuất nhấn chìm chất chất nạo vét xuống biển, những năm gần đây hàng loạt nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, dự án nạo vét luồng lạch xây dựng cảng đã xin “nhận chìm vật chất” xuống biển.

Và mỗi lần như thế, cả dư luận lẫn giới chuyên gia đều vào cuộc phân tích những hệ quả nặng nề với môi trường, sinh thái biển... khi đó, chủ đầu tư và chính quyền địa phương mới tìm giải pháp thay thế.

Gần đây nhất là vụ nhận chìm 2,5 triệu m3 đất, bùn thải xuống đáy biển Hòn La (Quảng Bình), tuy nhiên, đề xuất này đã bị Bộ TN-MT bác bỏ.

Theo Cảng vụ Quảng Bình, việc nhận chìm vật liệu nạo vét với khối lượng 2,5 triệu m3 không ảnh hưởng đến tuyến hàng hải của tàu thuyền. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường không đồng ý. Việc nhận chìm một khối lượng đất, cát khổng lồ xuống lòng biển Hòn La sẽ gây ra thảm họa môi trường cục bộ, bởi đáy biển Hòn La có một hệ sinh thái đa dạng và nhạy cảm, đặc biệt là hệ sinh thái san hô, có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ TN&MT) đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND tỉnh Bình Thuận và Ban quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau về việc nhận chìm vật chất nạo vét. Cụ thể, theo Bộ TN&MT, để đảm bảo cho tàu có trọng tải 100.000 DWT vào cảng, chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 sẽ nạo vét khoảng 1 triệu mét khối trước bến cảng trên diện tích 5,4 ha.

Vị trí nạo vét luồng hàng hải vũng quay tàu của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ảnh: VOV.

Để xử lý số “vật chất” này, chủ dự án dự kiến nhận chìm ở khu vực vùng biển Vĩnh Tân sâu 42-48 m, trên diện tích 300 ha, cách ranh giới Khu bảo tồn Hòn Cau 6 km, cách vùng đệm bãi cạn Breda 6 km và cách vùng đệm đảo Hòn Cau 9 km về hướng Tây. Đây là vị trí đã được UBND tỉnh chấp thuận vào tháng 3-2014…

Trong văn bản trả lời, Bộ NN&PTNT cũng nêu quan điểm: Vị trí để đổ vật liệu nạo vét mà tỉnh Bình Thuận đồng ý vào năm 2014 là không đảm bảo yêu cầu theo quy định của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo hiện hành bởi vị trí này quá gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau, có thể gây tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái biển tại khu vực này, đặc biệt là đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các cơ sở sản xuất giống thủy sản.

Hồi năm 2017, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã xin đổ 1 triệu m3 xuống biển Bình Thuận nhưng vấp phải sự phản ứng quyết liệt của báo chí, các nhà khoa học và người dân nên phải dừng lại, thay bằng phương pháp lấn biển theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Luật Bảo vệ môi trường biển và hải đảo quy định: “Với các dự án nhận chìm ở biển, cơ quan cấp phép phải xin ý kiến các nhà khoa học và công khai để người dân được biết”.

Trao đổi với báo Thanh Niên, TS Nguyễn Hữu Huân, thuộc Viện Hải dương học cho rằng, phát triển kinh tế biển thì chất thải nạo vét cảng là điều hiển nhiên. Do vậy cần phải có kế hoạch “ứng xử” một cách bài bản, chủ động, lâu dài với các vật chất này. Phải có phương án xử lý từng loại nguồn thải một cách lâu dài, ổn định theo thời gian hoạt động của các nhà máy.

Theo ông: “Các dự án của chúng ta chỉ nhăm nhăm một phương án duy nhất là xả xuống biển, cách 4 - 5 hải lý vì như vậy vừa tiện vừa lợi và tiết kiệm tối đa chi phí. Trong khi về nguyên tắc xả thải thì đó phải là phương án cuối cùng. Thế giới trong trường hợp phải xả thải ra biển họ có tiêu chuẩn rất rõ ràng, quy hoạch, giám sát cẩn thận. Ở VN chưa có một khung pháp lý rõ ràng như vậy nên dư luận rất lo lắng. Hiện nay VN có rất nhiều dự án phát triển kinh tế ven biển cần có cảng. Nếu chưa có một chiến lược bài bản, cho phép một “ông” sẽ phải đồng ý với những ông khác và vấn đề sẽ rất khó quản lý về sau này”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao DN chỉ lăm le phương án nhận chìm vật chất xuống biển?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.