Thứ sáu, 29/03/2024 03:49 (GMT+7)

Vì sao hàng chục ngôi nhà ở Hòa Bình bị sụt lún nghiêm trọng?

MTĐT -  Thứ sáu, 03/08/2018 11:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, nguyên nhân sơ bộ gây sụt lún nhà dân xuống sông Đà ở tổ 26, phường Đồng Tiến, TP Hoà Bình do đất yếu, cộng thêm mưa lớn kéo dài khiến đất bị mất liên kết gây ra sụt lún.

Tối 30/7, vụ sạt lở ở phường Đồng Tiến (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã làm ít nhất 9 nhà bị đổ sập hoàn toàn xuống sông, 10 nhà bị sụt lún một phần và nhiều nhà nằm trong diện nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp.

Sau khi xảy ra vụ sạt lở, lực lượng chức năng TP. Hòa Bình đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ người dân sơ tán đồ đạc, phong tỏa hiện trường.

Khu vực bị sạt lở nằm trong vùng hạ lưu của thuỷ điện Hoà Bình, cách nhà máy thuỷ điện khoảng 20km.

Nói về nguyên nhân gây sụt lún người dân nơi đây cho biết, việc sạt lở đất ven sông Đà tại tổ 26 phường Đồng Tiến là do khai thác cát: “Không được phép làm bãi tập kết cát chắn dòng chảy của sông cả nhưng bây giờ tự dưng lại có bãi cát mọc lên mấy năm rồi mà chẳng cơ quan nào xử lý cả. Bãi tập kết đó vừa cản trở vừa nắn dòng chảy sang bên này.

Hàng loạt ngôi nhà bị sụt lún xuống sông. Ảnh: Báo Nhân Dân. 

Những người dân ở tổ 26, dọc quốc lộ 6 này mong muốn giải tỏa bãi cát kia trả lại dòng của sông Đà vì chỉ tại bãi cát kia mà chúng tôi bị ảnh hưởng.

Tình trạng khai thác cát mấy năm qua diễn ra rất công khai, tàu cát đi hút cả ngày cả đêm dưới lòng sông Đà, trọng tải tàu hàng mấy trăm tấn”.

Trả lời lời về vấn đề này, ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình nói: “Việc này chưa được xác định rõ. Xác định nguyên nhân phải chờ các cơ quan chức năng. Theo tôi, qua đợt thủy điện xả lũ vừa rồi, nước lên rất cao làm nước ngấm sâu vào bờ. Khi nước rút đột ngột thì dòng chảy ngầm từ bờ sông sẽ rút xuống nhanh, kéo theo đất lở theo. Khu vực phường Đồng Tiến này là khu vực hình thành từ việc xả đồi làm đường 6, là đất tạm, kết cấu không đảm bảo. Cơ quan chức năng đã cảnh báo yêu cầu bà con di chuyển từ lâu rồi”.

Tuy nhiên, tình trạng sạt lở đất không chỉ xảy ra ở TP. Hòa Bình mà còn xảy ra ở một số nơi khác thuộc tỉnh Hòa Bình, trong đó có xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn - vùng hạ lưu của đập thủy điện Hòa Bình.

Nguyên nhân ban đầu được đưa ra là vùng sạt lở có địa chất phức tạp, nằm trong dãy đứt gãy, đất đá đập vỡ mạnh có độ rỗng lớn, các chỉ tiêu cơ lý của đất đá thấp dễ thấm nước; khi mưa kéo dài lượng nước ngầm lớn gây bão hòa nước dẫn đến sạt lở đất.

Vết nứt lớn tại huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình. Ảnh: Báo Lao động.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Đợt bão số 3, đêm 19/7 bão bắt đầu vào và hoàn lưu sau đó, mưa ở Hòa Bình hơn 1000ml cộng với mưa từ đợt trước nữa nên địa chất, cấu tượng của đất bở hết, nhão nhoét hết nên nguy cơ sạt lở diện rộng có nguy cơ cao”.

Theo thông tin trên báo Lao động, sau khi khảo sát thực tế tại Hoà Bình ngày 1/8, TS Trịnh Xuân Hoà, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT) trưởng đoàn công tác cho biết, nguyên nhân sơ bộ gây sụt lún nhà dân xuống sông Đà ở tổ 26, phường Đồng Tiến, TP Hoà Bình do đất yếu, cộng thêm mưa lớn kéo dài khiến đất bị mất liên kết gây ra sụt lún.

“Cả dải đất ở tổ 26, phường Đồng Tiến dọc đường 6 tỉnh từ taluy ra phía sông Đà vốn là đất mượn, đất khu vực này rất yếu, mưa lớn kéo dài kèm theo việc nước dâng lên cao làm cho phần chân đất bị mềm, bở, mất kết dính, là nguyên nhân khiến nhiều ngôi nhà ở đây bị sụt lún xuống lòng sông”, TS Hoà nói.

Theo TS Hoà, những ngôi nhà ở tổ 26, phường Đồng Tiến được xây dựng trên nền đất yếu, không có biện pháp kỹ thuật tốt, là một trong những nguyên nhân khiến nhà bị sụt lún xuống lòng sông.

Nói về nguyên nhân cho rằng do khai thác cát, TS cho biết: “Riêng về vấn đề khai thác cát, chúng tôi sẽ làm trắc địa lòng sông để đánh giá chi tiết hơn về vấn đề này, tuy nhiên, đây cũng là một nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt lở đất và sụt lút ở Hoà Bình”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang, thời gian qua, do mưa to trên diện rộng, đồng thời nhà máy Thủy điện Hòa Bình tiến hành mở 4 cửa xả đáy, vùng hạ lưu đập thuỷ điện Hoà Bình tại khu vực thành phố Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn đã xuất hiện hiện tượng sạt lở bờ sông khẩn cấp.

Cụ thể, tại Km 3, tỉnh lộ 445, trên địa bàn xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình, rạng sáng 30/7 đã xảy ra sạt lở taluy dương với khối lượng khoảng 600m3, từ lý trình 3+100 đến lý trình 3+200, mặt đường xuất hiện vết nứt kéo dài khoảng 100m, chiều rộng vết nứt lớn nhất lên đến khoảng 20cm, mặt đường có chỗ lún sâu hơn 40cm.

Việc sụt lún này đã tạo thành một khu vực có diện tích khoảng 300m2 và có nguy cơ trượt xuống sông Đà, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 4 hộ dân phía taluy âm, 3 hộ dân phía taluy dương cũng có nguy cơ tiềm ẩn và làm ách tắc giao thông toàn bộ khu vực.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao hàng chục ngôi nhà ở Hòa Bình bị sụt lún nghiêm trọng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.