Thứ ba, 23/04/2024 13:57 (GMT+7)

Vì sao không khí Hà Nội quay lại mức “rất xấu” giữa mùa hè?

MTĐT -  Thứ ba, 28/07/2020 17:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, phát thải cục bộ, điều kiện khí tượng và các chất ô nhiễm được vận chuyển từ vùng lân cận khiến là 3 yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí.

Theo kết quả phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, vào 14h ngày 28/7, theo ứng dụng chất lượng không khí PAMAir, chỉ số AQI đo tại nhiều nơi ở Hà Nội vượt ngưỡng đỏ lên tím. Đây là ngưỡng rất xấu, cảnh báo sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là những người nhạy cảm như người già, trẻ nhỏ, người có mắc bệnh lý hô hấp mãn tính không nên ra ngoài.

Điển hình là các khu vực: Ô Chợ Dừa (AQI là 255), Nguyễn Chế Nghĩa (240), Ba Đình (234), Bà Triệu (230), Kim Liên – Đống Đa (216)…

Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội cũng thống kê AQI tại nhiều nơi ở thủ đô đạt ngưỡng đỏ, gần chuyển sang tím, gồm: Trung Hòa (189), Phạm Văn Đồng (170), Trần Hưng Đạo (163), Hàng Đậu (160) và Nam Từ Liêm (152).

Trang Airvisual xếp hạng Hà Nội vị trí thứ 2 trong tổng số 10.000 thành phố trên thế giới tính đến 14h hôm nay với AQI là 163, nồng độ bụi mịn là 88.5 µg/m³. Đơn vị đo tính theo Mỹ.

Bảng đo chất lượng không khí ở Hà Nội dày đặc màu tím.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí: phát thải cục bộ (hoạt động sản xuất, giao thông…), điều kiện khí tượng (tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm…) và các chất ô nhiễm được vận chuyển từ vùng lân cận.

Những ngày vừa qua, điều kiện khí tượng cũng có sự thay đổi tương đối có quy luật. Đêm và ngày không có mưa, lặng gió, hướng gió không cụ thể (quẩn gió), ban ngày nắng nhẹ, nhiều mây, về đêm nhiệt độ giảm mạnh, sáng sớm luôn xuất hiện 1 lớp sương mù tầm thấp bao phủ toàn thành phố.

Trong khi đó, các loại khí thải và khói bụi vẫn liên tục thải ra môi trường hàng ngày. Dưới các điều kiện như vậy, các chất ô nhiễm không thể thoát lên cao hay vận chuyển sang vùng khác mà bị giữ lại lớp không khí sát mặt đất, tích tụ trong lớp không khí này, gây ô nhiễm cục bộ.

Đến trưa, khi đã có nắng, nền nhiệt độ tăng thì nồng độ bụi có xu hướng giảm, không có trạm nào chất lượng không khí chạm ngưỡng rất xấu (màu tím).

Chất lượng không khí của Hà Nội xuống mức "rất xấu" trong sáng 28/7.

Trao đổi với Vov, chuyên gia môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết: “Từ ngày 27/7, tình hình không khí ở Hà Nội bắt đầu ô nhiễm trở lại. Sáng 28/7, từ khoảng 4-5h sáng chất lượng không khí xuống mức rất tệ. Đây là điều khá hiếm gặp khi Hà Nội đang là giữa mùa hè. Dự đoán ban đầu là do thời tiết thay đổi (nhiệt độ, gió ...) nên bụi không khuếch tán, phát tán đi được”.

Cần làm gì để bảo vệ mình trước ô nhiễm?

Để bảo vệ sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế và Bộ TN-MT khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra đường khi chất lượng không khí ở ngưỡng xấu trở lên. Trong những ngày ô nhiễm không khí ở mức màu đỏ, nên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý thường xuyên, nhất là khi ra đường. Đồng thời, cần tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.

Trong những ngày chất lượng không khí không đảm bảo, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm ô nhiễm không khí. Nên trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời.

Bên cạnh đó, người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin về chất lượng không khí nơi mình đang sinh sống thông qua các trang công bố CLKK để có các biện pháp phòng tránh.

Chỉ số chất lượng môi trường không khí được công bố công khai trên các trang thông tin moitruongthudo.vn và airhanoi.hanoi.gov.vn.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đề nghị người dân chung tay thực hiện tốt Chỉ thị 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND Thành phố về các biện pháp khắc phục ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cụ thể, người dân không sử dụng bếp than tổ ong và đốt các nhiên liệu than cấp thấp (đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại trừ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố Hà Nội trước 31/12/2020); cam kết không đốt rơm rạ, không đốt các phụ phẩm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không đốt rác bừa bãi; hạn chế đốt hương, vàng mã; tích cực tham gia hưởng ứng phong trào trồng cây xanh tại địa phương.

Các phương tiện chở vật liệu xây dựng, phế thải phải có biện pháp che chắn không gây ô nhiễm môi trường, không chở quá tải; Tất cả các xe trọng tải từ 1,5 tấn trở lên chỉ được đi vào Thành phố từ vành đai 3 trở vào từ 22h đến 06h sáng hôm sau.

Các mức chất lượng không khí AQI tương ứng ảnh hưởng tới sức khỏe theo quy định về hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI) của Bộ Tài nguyên và Môi trường:

0 - 50 (Tốt): Chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe

51 - 100 (Trung bình): Chất lượng không khí ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch...) có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe.

101 - 150 (Kém): Những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.

51 - 200 (Xấu): Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

201 - 300 (Rất xấu): Cảnh báo hưởng tới sức khỏe: mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.

301 - 500 (Nguy hại): Cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe: Toàn bộ dân số bị ảnh hưởng tới sức khỏe tới mức nghiêm trọng.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao không khí Hà Nội quay lại mức “rất xấu” giữa mùa hè?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới