Thứ sáu, 29/03/2024 21:06 (GMT+7)

Vì sao sông Tô Lịch đen kịt trở lại sau khi ngưng xả nước từ hồ Tây?

MTĐT -  Thứ hai, 15/07/2019 15:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi hết 1 triệu m3 nước hồ Tây, sông Tô Lịch sẽ trở về ô nhiễm như cũ bởi lẽ, sông không có nguồn nước liên tục mà kiểu có nước thì xả, không có lại ngưng nên không có tác dụng gì.

Khó hồi sinh dòng “sông chết”

Trong 2 ngày 9 và 10/7, Công ty thoát nước Hà Nội đã mở một cửa xả từ Hồ Tây, vị trí trên phố Trích Sài để hạ mực nước mặt hồ và chống ngập, tạo dòng chảy làm sạch sông Tô Lịch. Sau khi được bổ sung nước, sông Tô Lịch bất ngờ trong xanh trở lại khiến người dân xung quanh vô cùng phấn khởi.

Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày, nước sông đã chuyển sang màu đen vẩn đục, bố lên mùi hôi thối nồng nặc.

Đặc biệt, từ ngày 13-14/7, dọc hai bên bờ sông Tô Lịch, đặc biệt là đoạn thí điểm công nghệ Nano Nhật Bản, cá nổi trắng hai bên bờ.

Cá chết 2 bờ sông Tô Lịch. 

Trao đổi với báo Dân Việt, PGS. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên), người từng lọc nước sông Tô Lịch để uống cho rằng, sau khi hết 1 triệu m3 nước hồ Tây, sông Tô Lịch sẽ trở về ô nhiễm như cũ bởi lẽ, sông không có nguồn nước liên tục mà kiểu có nước thì xả, không có lại ngưng nên không có tác dụng gì với vấn đề ô nhiễm.

“Hiện Tô Lịch là sông chết, việc xả nước thừa vào là tốt, không có vấn đề gì. Một triệu m3 nước này có pha loãng, đẩy chất bẩn đi xa về cuối nguồn cũng không có vấn đề bởi sông Nhuệ, Đáy, cũng tương tự như Tô Lịch”, PGS. TS Côn nói.

Tuy nhiên, theo  PGS. TS Côn, để sông Tô Lịch hồi sinh cần một bài toán quy hoạch tổng thể chứ “nếu làm cho vui, kiểu giật gấu vá vai thì không ăn thua”.

Tiến sĩ Takeba Akira, cố vấn tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản cho hay, hiện sông Tô Lịch nhận nguồn nước chủ yếu từ nước mưa và nước thải, tốc độ dòng chảy thấp, 280 chiếc cống ngày đêm chảy vào nên không còn gọi là con sông nữa.

Nếu Hà Nội có ý định xả nước thường xuyên vào sông thì nên thực hiện sau khi sông Tô Lịch đã hết ô nhiễm, chất lượng nước được cả thiện, hết mùi, bùn đã phân hủy. Lúc đó nguồn nước cấp vào sẽ không phải là thau rửa, làm sạch con sông mà có ý nghĩa tạo dòng chảy, nâng mực nước lên thì mới đúng nghĩa hồi sinh dòng sông.

Mới đây, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội (Công ty thoát nước) đã trình UBND thành phố đề xuất giải cứu sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng; lãnh đạo thành phố đang giao cho các Sở ngành liên quan xem xét theo quy định.

Cụ thể, theo phương án đề xuất, đơn vị  sẽ xây dựng trạm bơm cố định được đặt ở sát mép sông tương ứng mực nước thấp nhất của sông Hồng, gồm 4 máy bơm chìm công suất 2.500 m3/h, trong đó 3 máy bơm làm việc thường xuyên.

Tuyến ống xả dẫn nước từ trạm bơm qua đê vào mương tiêu cạnh Công viên nước hồ Tây. Công ty Thoát nước đã xả nước thử nghiệm vào các ngày 12 và 13/9 trong thời gian khoảng 16 giờ. Mực nước hồ Tây giảm 11 cm và nước sông Tô Lịch đã được cải thiện, có màu xanh của nước hồ và không còn mùi hôi.

Theo Công ty Thoát nước, phương án đề xuất sẽ nằm trong giải pháp tổng thể bao gồm: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (làm sạch nguồn nước các sông Tô Lịch, Sét, Lừ và Nhuệ); đầu tư hệ thống cống hai bên sông để thu gom nước thải, giúp sông Tô Lịch không còn nguồn ô nhiễm.

Phó Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Phan Hoài Minh lý giải, khi đã thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt 2 bờ sông Tô Lịch thì sông vẫn sẽ thiếu nước, không có dòng chảy, do vậy Công ty đề xuất TP xem xét phương án bổ cập nước từ sông Hồng. Đề xuất này của công ty thoát nước cũng nhận được những ý kiến trái chiều.

Sông Tô Lịch nhanh chóng đen kịt trở lại sau khi ngưng xả nước từ hồ Tây. 

Mức độ ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện

Trước đó, từ đầu tháng 5, thông tin về việc cải tạo sông Tô Lịch theo công nghệ của Nhật Bản, do các chuyên gia Nhật Bản thực hiện đã khiến nhiều người dân Thủ đô hy vọng về sự hồi sinh của dòng sông chết. Đây là con sông chảy qua nhiều phường, xã của Hà Nội, có chiều dài khoảng 14 km nhưng luôn trong tình trạng hôi thối với dòng nước đen ngòm.

Trong thời gian này, các chuyên gia Nhật Bản đã thí nghiệm cải tạo sông Tô bằng công nghệ Nano – Bioreactor tại hai điểm trên sông thuộc khu vực Hoàng Quốc Việt – Cầu Giấy.

Cách đây ít ngày nước sông chuyển màu xanh sau khi được bổ sung nước từ hồ Tây. Ảnh: Internet.

Kết quả của hai đợt thí điểm cho thấy, nước ở khu vực đặt máy xử lý theo công nghệ Nhật Bản đã được cải thiện, nồng độ oxy hòa tan trong nước cao hơn khu vực chưa xử lý; nước sông trong hơn và giảm mùi hôi thối. Tuy nhiên, một điều khiến nhiều người băn khoăn là cho dù công nghệ Nhật Bản có giúp làm sạch sông Tô Lịch, hay việc xả nước từ Hồ Tây vào sẽ làm cho dòng sông đổi sang màu xanh thì với việc không ngăn chặn việc xả thải trực tiếp, dòng sông cũng sẽ nhanh chóng trở lại tình trạng ban đầu.

Việc cá chết trắng trên sông Tô Lịch chỉ sau 2 ngày xả nước từ Hồ Tây vào, cho thấy mức độ ô nhiễm ở sông Tô vẫn rất nghiêm trọng. Việc biến dòng sông chết thành dòng sông thơ mộng, có thể phát triển du lịch và hình thành tuyến giao thông đường thủy là mong ước của người dân Thủ đô.

 Tuy nhiên, với 280 cống xả thải trực tiếp, nếu không có giải pháp xử lý nguồn nước trước khi xả vào sông, thì mọi công nghệ hiện đại cũng khó lòng cải tạo được dòng sông đã chết mấy chục năm nay.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao sông Tô Lịch đen kịt trở lại sau khi ngưng xả nước từ hồ Tây?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới