Thứ năm, 28/03/2024 20:02 (GMT+7)

Việt Nam là nước thải rác nhựa xuống biển top 5 thế giới

MTĐT -  Thứ năm, 07/06/2018 17:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan đổ rác nhựa xuống biển nhiều hơn tất cả các nước, lãnh thổ còn lại của thế giới cộng lại.

Cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác!

Theo thống kê của Tổ chức Bảo vệ Môi trường biển Ocean Conservancy cho thấy, 90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa gồm: vỏ bánh kẹo, chai lọ nhựa, túi nilon, thìa, dĩa, ống hút…

Cũng theo một báo cáo năm 2017 của Hiệp hội bảo tồn đại dương, vấn đề rác thải nhựa là một trong những thách thức môi trường lớn nhất thế giới, trong đó đứng đầu là 5 nước kể trên, đều là các quốc gia châu Á. Mỹ thải ra 33,6 triệu tấn rác nhựa, chỉ 9,5% được tái chế.

Phải mất khoảng hơn 400 năm để có thể phân hủy rác thải nhựa.

Rác nhựa không những huỷ hoại đời sống sinh vật biển mà còn ảnh hưởng đến nguồn hải sản mà con người tiêu thụ. Rác nhựa còn mất rất nhiều thập kỷ để phân huỷ.
Dựa trên kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và công ty tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. Lượng nhựa được tiêu thụ hàng năm tại châu Á được dự kiến sẽ tăng tới 80% trong 10 năm tới, vượt ngưỡng 200 triệu tấn vào năm 2025. Số rác thải này không những “sinh sôi” thêm hàng năm mà còn tồn tại rất lâu. Ước tính, chúng mất hơn 400 năm để có thể phân hủy.
Rác thải nhựa không chỉ chiếm một phần môi trường sống của các sinh vật biển mà còn là nguyên nhân gây ra các bệnh gây tử vong cho các cá thể sống tại đây. Đặc biệt, nghiên cứu y khoa cho thấy, các loài cá ăn phải hạt nhựa trên biển sẽ mắc bệnh về gan và dẫn đến tử vong do cơ thể không có khả năng tiêu hóa hay lọc độc (hợp chất chống cháy, chất độc PCB…) từ các hạt này. Bởi vậy, rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng chính là “tử thần” của các sinh vật biển.

"Ô nhiễm rác thải nhựa thậm chí còn tồi tệ hơn so với những con số ước tính gần đây. Chúng bao gồm tất cả những gì được làm từ nhựa mà bạn có thể tưởng tượng", Marcus Eriksen, giám đốc nghiên cứu của Viện Five Gyres (Mỹ), cho hay.

Theo Reuters, 92% rác thải loại này là các hạt nhựa có kích thước nhỏ. Chúng trôi ra đại dương từ dòng chảy sông hồ, vùng biển ô nhiễm nặng hay các tàu thuyền đi theo đường vận tải biển. 

Đồ nhựa có kích thước lớn hơn thường trôi nổi trên 5 dòng hải lưu cận nhiệt đới trên thế giới. Tại khu vực giữa của các dòng hải lưu này, rác thải sẽ trôi xuống vùng xoáy khổng lồ, nơi "xén" nhựa thành dạng nhỏ như hạt cát. Hạt nhựa nhỏ sau đó sẽ bị cuốn ra xa, thậm chí trôi dạt đến vùng cực. Nhựa độc hại mang các chất gây ô nhiễm và hóa chất phụ gia khi đó sẽ trở thành mối nguy hại cho cá và sinh vật biển.

Trong nhiều năm gần đây, các chuyên gia từng cảnh báo tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang khiến số lượng động vật biển, chim biển và nhiều sinh vật khác giảm dần, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.

Một số giải pháp
Tại châu Mỹ, Chile đã trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên thông qua lệnh cấm dùng túi nilon sử dụng 1 lần. Colombia đã giảm 35% mức tiêu thụ túi nilon sau khi đánh thuế đối với loại túi nilon to, trong khi thay đổi thiết kế nhằm sản xuất loại túi có thể tái sử dụng. Ngoài ra, các quốc gia khác trong khu vực cũng có động thái tương tự như Panama, Costa Rica, Ecuador, Peru… 

Một chiếc ống hút nhựa kẹt trong mũi rùa biển.


Tại châu Á, Hàn Quốc ban hành Luật thúc đẩy tiết kiệm và tái chế tài nguyên 1994 cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần ở bếp ăn tập thể, Luật Quản lý môi trường biển 2009 yêu cầu xây dựng Kế hoạch Quản lý rác thải biển. Nhật Bản đã ban hành riêng một luật về rác thải. Indonesia huy động quân đội tham gia “cuộc chiến” chống rác thải nhựa với cam kết tới năm 2025 giảm 70% lượng chất thải nhựa trên biển. Thái Lan xem xét áp thuế với túi nilon và sản xuất túi nilon có khả năng tự phân hủy hoặc loại túi nilon mỏng hơn. Tại Việt Nam, các nỗ lực nhằm giảm chất thải nhựa cũng đang được xúc tiến ngày càng tích cực. Tại châu Phi, hàng loạt quốc gia, từ Botswana, Ethiopia, Kenya tới Nam Phi, Uganda… đưa ra những biện pháp như quy định độ dày của túi nhựa.
Ngoài ra một số biện pháp mà ai cũng có thể thực hiện:
Chọn bình đựng nước thay vì nước đóng chai dùng một lần
Theo Green Earth, Hong Kong thải 5,2 triệu chai nhựa đựng nước một ngày. Một công ty Thuỵ Sỹ hy vọng sẽ mang công nghệ lọc nước hiệu quả đến các gia đình, văn phòng, và các sự kiện khắp châu Á.
Thay chất liệu cho hộp đựng đồ ăn
Từ những người bán hàng rong ở Việt Nam, Thái Lan đến các dịch vụ cung cấp đồ ăn khắp châu Á, đây là bộ phận sử dụng hộp nhựa đựng thức ăn khá lớn.
 Nói không với túi nilon
Năm ngoái, 1/3 trong số 1,67 tấn rác thải sinh hoạt được xử lý tại Singapore bao gồm chất thải là bao bì, chủ yếu là túi nhựa và bao bì thực phẩm. Theo báo cáo của Channel News Asia, lượng rác thải này đủ để lấp đầy 1.000 bể bơi chuẩn Olympic. Túi nilon là cách thuận tiện và tiết kiệm để đựng đồ, nhưng chúng không thể phân huỷ và thường bị thải ra biển. Đó là lý do Đài Loan chuẩn bị cấm tất cả các loại đồ nhựa dùng một lần, bao gồm túi nilon, ly nhựa, dao nhựa do các nhà hàng và doanh nghiệp cung cấp vào năm 2030. Đài Loan đã cấm dùng ống hút nhựa dùng một lần.
Tại các nước như Việt Nam và Trung Quốc, thức ăn và đồ uống thường được đựng trực tiếp vào túi nilon để tiện vận chuyển. Thói quen này không thể thay đổi một sớm một chiều. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể thay đổi bằng cách mang theo hộp đựng khi mua đồ ăn.
Tham gia phong trào làm sạch bãi biển
Một nhóm có tên One Island One Voice gần đây đã kêu gọi được hơn 20.000 người tập hợp lại để dọn sạch 120 bãi biển ở đảo Bali, Indonesia.
Mỗi người có thể tham gia bằng cách ghi tên vào các tổ chức như International Coastal Cleanup, nơi cung cấp công cụ để tổ chức các sự kiện làm sạch bãi biển ở cấp địa phương. Tổng thống Philippines Duterte mới yêu cầu hòn đảo du lịch Boracay của nước này dọn sạch trong 6 tháng, bắt đầu từ 26-4. Trong khi đó, chính phủ Indonesia cũng có tham vọng làm sạch nước sông Citarum nổi tiếng ô nhiễm trong vòng 7 năm tới, biến nước sông sạch tới mức có thể uống được.
Mỗi quốc gia, khu vực trên thế giới đều có những cách thức của riêng mình song nhìn chung vẫn hướng đến một mục đích chung là giảm lượng rác thải nhựa đang gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khi nhựa đã trở thành một trong những vật liệu phổ biến nhất thế giới nhờ tính hữu dụng cũng như chi phí sản xuất thấp, việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa đòi hỏi nỗ lực chung tay của cả cộng đồng, từ quyết tâm chính trị tới thay đổi nhận thức, từ cam kết tới hành động cụ thể.
Bởi vậy, thông điệp của Ngày Môi trường thế giới năm nay mang ý nghĩa to lớn: từ bỏ một thói quen dù mang lại nhiều tiện lợi song gây hại khôn lường cho môi trường, đã đến con người không thể chậm trễ hơn nữa nếu muốn cứu hành tinh, và quan trọng hơn, là duy trì một thế giới xanh hơn, sạch hơn cho thế hệ tương lai.

Phan Ngân (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam là nước thải rác nhựa xuống biển top 5 thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.