Thứ sáu, 29/03/2024 03:05 (GMT+7)

Việt Nam nguy cơ biến thành “bãi rác” của thế giới

MTĐT -  Thứ sáu, 29/06/2018 16:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác có nguy cơ trở thành điểm tập kết rác thải công nghiệp, nhất là thời gian gần đây việc nhập khẩu phế liệu đang trở nên ngày càng đáng báo động.

Theo số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến cuối tháng 5, khu vực cảng biển Việt Nam có nguy cơ tồn đọng gần 28.000 container hàng. Trong đó, khu vực cảng biển Hải Phòng tồn hơn 6.700 container, TP. HCM tồn hơn 14.600 container và Bà Rịa - Vũng Tàu là hơn 6.500 container.

Nhóm hàng đang có nguy cơ tồn đọng lâu dài là hàng điện tử cũ, phân bón, nông sản, nhôm, nhựa, giấy phế liệu, ô tô… Riêng tại Tân cảng Cát Lái - TP. HCM, hơn 8.000 container hàng tồn là giấy, nhựa phế liệu. 1/3 số đó đã tồn trên 90 ngày (chiếm hơn 10% sức chứa của cảng).

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 5/2018, cả nước nhập hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, kim ngạch hơn 744 triệu USD (đạt hơn 16.900 tỷ đồng), theo Tuổi trẻ đưa tin.

Hiện, Việt Nam nhập khẩu phế liệu nhiều nhất của Nhật Bản, với hơn 546.000 tấn, đạt giá trị kim ngạch 200 triệu USD, thị trường thứ 2 là Hoa Kỳ, với lượng nhập phế liệu sắt thép vào khoảng 389.000 tấn, kim ngạch 138 triệu USD.

Riêng tại TP. HCM, báo cáo của Cục Hải quan TP.HCM cho biết, tính đến giữa tháng 6/2018, có khoảng 3.220 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan đang được lưu giữ tại các cảng biển TP. HCM, trong 2.255 container tồn đọng quá 90 ngày.

Phế liệu tràn ồ ạt vào Việt Nam. Ảnh: Internet. 

Phần lớn hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái, với 2.181 containe đã gây ùn tắc cục bộ tại cảng Cát Lái, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cảng, hãng tàu và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Để tự “cứu mình”, Tân cảng Sài Gòn đã ngưng tiếp nhận các container phế liệu vào cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước từ ngày 1/6 - 30/9.

Số container phế liệu tồn đọng tại Việt Nam gia tăng mạnh trong bối cảnh Trung Quốc cấm, ngăn chặn nhập phế liệu vào nước này. Từ đầu năm đến nay, khi Trung Quốc đã ra thông báo ngừng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu có thể tái chế được.

Ngoài ra, tình trạng ứ đọng phế liệu nhập khẩu tại các kho bãi các cảng miền Nam hiện nay là do nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện nhưng vẫn cố tình nhập khẩu. Đến khi hoàn tất được các giấy tờ cần thiết để thông quan thì phí lưu kho bãi đã đội lên cao, vì thế họ "bỏ của chạy lấy người".

Thậm chí, có cả những đối tượng cố tình tiếp nhập phế liệu để kiếm tiền chứ không nhằm mục đích tái sản xuất. Ngoài việc nhập khẩu sắt thép phế liệu, máy móc, hiện một số phế liệu khác còn được nhập khẩu về Việt Nam trong đó có tàu thuyền cũ, lốp xe ô tô. Hiện mặt hàng này nằm phần lớn ở các cảng biển, trong đó đặc biệt là các cảng biển quốc tế.

Trao đổi với báo Công luận, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM cho rằng, cần công bố cụ thể số lượng phế liệu nhập về hàng năm, tương đương với số tiền bao nhiêu. Từ đó siết chặt nhập khẩu phế liệu vì phế liệu nhập về có cả xác động vật, vỏ đạn.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần có chế tài để xử phạt những doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu và bỏ chạy không đến cảng nhận hàng. Đồng thời có phương án để giải phóng lượng phế liệu đang tồn đọng ở các cảng nhằm đảm bảo kho bãi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Về lâu dài, cần có những phương án để tránh nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp của các nước.

Ông Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, câu chuyện phế liệu tồn đọng tại các cảng hiện nay cần chính sách quốc gia, làm sao để kịp thời ngăn hàng phế liệu vào Việt Nam, trước nguy cơ Việt Nam trở thành bãi chứa rác của các nước.

Trước tình hình phế liệu nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, khiến số lượng ùn ứ tại nhiều cảng trên cả nước, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam phải được lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Cụ thể, đối với hàng hóa khai báo là phế liệu nhập khẩu, khi thực hiện thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện việc phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu. Trong quá trình lấy mẫu phải chụp ảnh thực tế hàng hóa nhập khẩu để lưu hồ sơ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Đối với hàng hóa khai báo là hàng đã qua sử dụng, không phân biệt mục đích sử dụng và có tên hàng, mã số hàng hóa không thuộc Phụ lục Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất có nghi vấn là phế liệu (ví dụ như: bao vì, màng nhựa, dây đai, bao jumbo, đồ nhựa, lưới đánh cá…) đã qua sử dụng khi thực hiện thủ tục hải quan, chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để xác định hàng hóa nhập khẩu có phải là phế liệu hay không.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam nguy cơ biến thành “bãi rác” của thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.