Thứ tư, 24/04/2024 20:22 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/10/2019

MTĐT -  Thứ năm, 10/10/2019 13:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/10/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/10/2019.

Phát hiện hạt vi nhựa tại Biển Bắc

Các chuyên gia khoa học quốc tế trên tàu thám hiểm của Nga vừa phát hiện sự có mặt của hạt vi nhựa trên toàn tuyến hàng hải ở Biển Bắc.

Đoàn chuyên gia gồm 80 nhà khoa học Nga, Trung Quốc và Thụy Điển thực hiện chuyến thám hiểm để đánh giá hậu quả sinh thái và sinh hóa của tình trạng tan băng vĩnh cửu tại các biển vùng Cực Đông và dọc theo tuyến giao thông hàng hải Đường Biển Bắc, trải dài từ eo Bering đến Na Uy.

Các nhà khoa học đã phát hiện lượng phát thải metan cao chưa từng có ở vùng nước thềm lục địa vùng cực. Đồng thời, họ cũng phát hiện các hạt vi nhựa trên mặt nước và trong các sinh vật biển trên toàn tuyến giao thông quan trọng này.

Gần 1.000 người tình nguyện thu gom rác thải tại bãi biển Vũng Tàu

Ngày 9/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu phối hợp với Tỉnh Đoàn và Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức ra quân tình nguyện thu gom rác thải trên bãi biển Vũng Tàu.

Tham gia chương trình có gần 1.000 người là cán bộ, nhân dân thành phố Vũng Tàu, Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường, Công ty Công trình đô thị Vũng Tàu, đoàn viên, thanh niên các khối lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, khu du lịch, học sinh, sinh viên của các trường đại học trên địa bàn.

Trước đó, trong hai ngày 7 và 8/10, toàn tuyến biển Bãi Sau thành phố Vũng Tàu (từ khu vực mũi Nghinh Phong đến khu vực Khu du lịch Long Cung, phường 12, thành phố Vũng Tàu) đã hứng chịu nhiều đợt rác thải tấn công.

Ghi nhận trong sáng 9/10, rác thải các loại, trong đó nhiều nhất là quả đước, củi mục, thân dừa nước, tay lưới, chai lọ, phao, xốp… xếp lớp dày đặc, kéo dài dọc Bãi Sau.

Chỉ trong thời gian ngắn, lượng rác khổng lồ đã được thu gom, trả lại sự sạch sẽ cho suốt tuyến bờ biển. Rác sau khi thu gom được tập kết lên bờ để xe chở rác chuyên dụng của Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu đưa đi xử lý.

Theo các chuyên gia môi trường, hàng năm, các bãi tắm trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu thường hứng chịu từ 2-3 đợt rác thải từ đại dương, đợt nhanh thì 3-4 ngày nhưng cũng có khi kéo dài cả tuần với đủ loại rác từ lục bình, cây mục, lưới, chai nhựa, phao, xốp, xác động vật…

Trong số đó, hai đợt rác dạt vào ồ ạt rơi vào tháng cuối tháng Tư, đầu tháng Năm khi thời tiết chuyển gió Tây Nam và cuối tháng Chín, đầu tháng 10, khi thời tiết chuyển mùa gió từ Tây Nam sang Đông Bắc, kết hợp thủy triều lớn đẩy rác từ cửa sông Sài Gòn, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây ra biển theo hướng gió và dòng chảy trôi về Bà Rịa-Vũng Tàu.

Giặc lửa hoành hành tại Australia, thiêu rụi hàng chục ngôi nhà

Reuters dẫn nguồn tin giới chức Australia ngày 9-10 cho biết, tình trạng cháy rừng tại Australia tiếp tục diễn biến phức tạp, phá hủy hoàn toàn hơn 20 ngôi nhà, gây ảnh hưởng tiêu cực tới người dân, nhất là tại khu vực New South Wales.

Đợt cháy rừng dai dẳng kéo dài với những vạt lửa khó lòng dập tắt đã tàn phá hơn 80.000 hecta đất đai thuộc bang New South Wales chỉ tính từ đầu tuần đến nay, Reuters cho biết.

Theo các quan chức cơ quan cứu hỏa bang New South Wales, khoảng 25 vụ cháy vẫn đang âm ỉ diễn ra tại khu vực này, với dự cảm rằng một đợt cháy rừng mới kéo dài sẽ lại diễn ra.

Tình trạng cháy rừng xảy ra vào đúng thời điểm các khu vực thuộc miền đông Australia đang bị hạn hán nghiêm trọng. Một số khu vực nông thôn thậm chí có thể rơi vào tình trạng cạn kiệt nước sạch vào năm tới do không có mưa.

Nhiệt độ trung bình tại Australia đã trở nên ấm hơn trong thế kỷ qua, một báo cáo về khí hậu hồi tháng 1 khẳng định. Chính điều này đã là tác nhân làm tăng tần suất và cường độ của các hình thái thời tiết cực đoan như hạn hán hay cháy rừng.

Thái Bình: Nước dưới đất hầu hết bị nhiễm mặn

Kết quả quan trắc môi trường nước mặt lục địa (4 điểm: nước sông Hồng tại cống Kem, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương; nước sông Kiến Giang tại ngã ba Phúc Khánh, TP. Thái Bình và ngã ba Vân Trường giữa huyện Tiền Hải và huyện Kiến Xương; nước sông Long Hầu tại cầu Long Hầu, huyện Tiền Hải) so sánh với QCVN 08-MT:2015/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt cho thấy. Hầu hết các điểm quan trắc có các thông số COD; BOD5; TSS; NH4+; Colifrom vượt quy chuẩn như: nước sông Kiến Giang tại ngã ba Phúc Khánh – TP. Thái Bình thông số COD vượt 1,53 lần; NH4+ vượt 12,73 lần; nước sông Long Hầu tại cầu Long Hầu, huyện Tiền Hải thông số COD vượt 1,87 lần; NH4+ vượt 3,63 lần…

Kết quả quan trắc môi trường nước dưới đất tại 12 điểm cho thấy hầu hết các giếng đều bị nhiễm mặn. Tầng chứa nước Holocen bị ô nhiễm bởi Fe, NH4+ như giếng QTB09 tại UBND xã Tân Lập, huyện Vũ Thư thông số NH4+ vượt 9,64 lần; thông số Fe vượt 7,76 lần; thông số As vượt 2,7 lần. Giếng QTB10 tại Trường mầm non xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương thông số NH4+ vượt 7,66 lần…

Các nước ASEAN hợp tác đối phó khẩn cấp với khói mù

Tháng 9/2019, hàng loạt thành phố của Đông Nam Á luôn trong tình trạng báo động đỏ về ô nhiễm không khí khi khói mù độc hại bao trùm dày đặc.

Thành phố Kuching và thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, thủ đô Hà Nội của Việt Nam, thủ đô Jakarta của Indonesia và đảo quốc Singapore đã bị đưa vào danh sách các thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. Các vụ cháy rừng tại Indonesia khiến Indonesia, Malaysia và Singapore chìm trong khói mù do đốt rừng. Năm 1999, Indonesia đã xem đốt rừng lấy đất nông nghiệp hoặc trồng dầu cọ là hành vi phạm tội và người vi phạm đốt rừng ở Indonesia có thể lĩnh án 10 năm tù. Vấn đề khói mù qua biên giới cũng đã khiến ASEAN ký Thỏa thuận kiểm soát ô nhiễm cháy rừng xuyên biên giới năm 2002. Năm 2002, ASEAN ký Thỏa thuận kiểm soát khói mù xuyên biên giới, đặt mục tiêu về một ASEAN không khói mù vào năm 2020. Dù không chịu tác động trực tiếp của cháy rừng tại Indonesia, thủ đô Bangkok của Thái Lan, Hà Nội và TP.HCM có mức độ ô nhiễm không khí báo động do khí thải từ ô tô, xe máy, khói bụi từ bếp than

Ngày 9/10, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Bộ Môi trường ASEAN lần thứ 15 tại tỉnh Siem Reap, Campuchia, hội thảo về các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng khói mù hoành hành trong khu vực đã diễn ra. Tại Hội thảo ASEAN+3, Bộ trưởng các nước ASEAN cùng 3 quốc gia đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thảo luận về tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lên tới mức độ nguy hiểm sau các vụ cháy rừng tại Indonesia.

Hội nghị Bộ trưởng Bộ Môi trường các nước ASEAN và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 7 - 10/10 tại Seam Reap, Campuchia, tập trung thảo luận và đưa ra tuyên bố về các vấn đề liên quan đến môi trường, chống biến đổi khí hậu, khí thải và khói bụi xuyên biên giới. Các Bộ trưởng bày tỏ lo ngại về mức độ nghiêm trọng và sự lan truyền địa lý của khói mù gần đây, gây ảnh hưởng đến các quốc gia ASEAN, đồng thời thể hiện sự thông cảm với hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi khói mù.

Các Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của những nước ASEAN và lời đề nghị hỗ trợ của nhiều quốc gia trên thế giới để giải quyết các vụ cháy rừng và khói mù xuyên biên giới. Các quốc gia thành viên ASEAN cam kết sẽ cảnh giác, theo dõi và đẩy mạnh các nỗ lực phòng ngừa khói mù để giảm thiểu bất kỳ sự xuất hiện nào của khói mù xuyên biên giới. Các Bộ trưởng cũng xem xét, đánh giá việc thực thi Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới trong thời gian qua và tái khẳng định cam kết thông qua các nỗ lực quốc gia và hợp tác khu vực để thực hiện hiệu quả hiệp định này vì một ASEAN không có khói mù.

Sản xuất đá bazan gây ô nhiễm môi trường

Người dân thôn Thuận Bắc, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông tiếp tục phản ảnh về tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại đá Bazan Đắk Mil.

Nước có chứa bột đá xả ra môi trường. Không khí bị ô nhiễm bởi bụi đá và tiếng ồn. Xe chở đá đổ bất thường vào ban đêm, tạo ra những tiếng nổ lớn làm đảo lộn cuộc sống, đặc biệt là giấc ngủ của người dân.

Điều đáng nói, tình trạng trên xảy ra sau khi hồi tháng 6 công ty này cũng đã bị xử phạt hơn 100 triệu đồng vì hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.