Thứ năm, 18/04/2024 20:02 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/8/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 10/08/2019 10:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/8/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/8/2019.

Bão Lekima đổ bộ vào tỉnh Chiết Giang: Hơn 700.000 người phải sơ tán

Siêu bão Lekima, cơn bão lớn nhất từ đầu năm đến nay với sức gió gần tâm bão lên đến cấp 16 đã đổ bộ vào tỉnh Chiết Giang lúc 1h 45 phút sáng nay (10/8 giờ địa phương) gây mưa lớn trên diện rộng.

Ngay trước khi cơn bão được mệnh danh là "Vua bão" này đổ bộ, nhiều nơi ở tỉnh Chiết Giang đã xảy ra mất điện, ngập nước, người dân có thể cảm nhận rõ các tòa nhà rung lắc, tiếng cửa kính bị giật vỡ do gió lớn.

Tính đến đêm qua, chính quyền địa phương đã phải di dời hơn 700.000 người, bố trí hơn 12.000 địa điểm tránh bão cho người dân. Hiện có hơn 100.000 người đang tránh trú tại các điểm tập kết. Hơn 200 chuyến bay cùng hàng loạt chuyến tàu đã bị hủy.

Chính phủ Trung Quốc đã phải nâng cấp độ các biện pháp ứng phó khẩn cấp từ cấp 3 lên cấp 2 - mức cao thứ hai trong hệ thống ứng phó bão khẩn cấp gồm 4 cấp độ của nước này. Trong khi các địa phương cơn bão đi qua giữ ở cấp 1, tức mức ứng phó khẩn cấp cao nhất.

600 tấn cá bè trên sông Đồng Nai bị lũ cuốn trôi

Ngày 9/8, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai cho biết, mực nước sông Đồng Nai qua hai huyện Tân Phú, Định Quán đang trên mức báo động 3,056 m (chỉ thấp hơn 0,25 m so với trận lũ lịch sử năm 1987) và tiếp tục dâng cao.

Nguyên nhân gây ngập lụt nghiêm trọng vào tối 8 đến sáng 9/8 là mưa lớn trên thượng nguồn sông Đồng Nai kết hợp Thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ và sự cố công trình thủy điện Đăk Ka ở Đăk Nông.

Ông Nguyễn Văn Lâm (58 tuổi, quê Bến Tre) bị lũ cuốn khi nuôi cá bè trên sông, hiện vẫn chưa được tìm thấy. Gần 1.000 hộ buộc phải di dời. Ngoài ra, có 41 bè cá của 12 hộ dân trên sông Đồng Nai bị cuốn trôi và chết. Nhiều trang trại gà, gia súc bị lũ nhấn chìm.

Hà Nội: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản 3330/SYT-NVY yêu cầu các đơn vị trong và ngoài công lập trực thuộc ngành, phòng y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa.

Hưởng ứng phát động của UBND thành phố Hà Nội về phong trào “Chống rác thải nhựa”, kế hoạch 3207/KH-SYT-CĐN ngày 1-8-2019 của Sở Y tế, Công đoàn ngành y tế về phát động phong trào chống rác thải nhựa trong ngành y tế, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị có các giải pháp để thực hiện phù hợp với thực tế của đơn vị.

Cụ thể, từng đơn vị phổ biến, phát động trong toàn thể công chức, viên chức, người lao động hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với bao bì nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Thường xuyên truyền thông hướng dẫn chống rác thải nhựa qua các kênh truyền thông của đơn vị, tờ rơi…cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh.

Tuân thủ việc thực hiện thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ngay từ nơi phát sinh và tăng cường tái chế, xử lý chất thải y tế là nhựa đảm bảo theo đúng quy trình, quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện kế hoạch từ khâu mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất cũng như vật dụng sinh hoạt của tập thể, cá nhân trong đơn vị. Thực hiện tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa” trong cơ quan, đơn vị.

Australia lên kế hoạch ngừng xuất khẩu rác thải tái chế ra nước ngoài

Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố sẽ hành động nhiều hơn để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và ban hành lệnh cấm các hoạt động xuất khẩu rác thải nhựa, giấy, kính, thủy tinh và lốp xe.

Thủ tướng Morrison cho biết hiện chỉ có khoảng 12% rác thải được tái chế trong nước và ông muốn thay đổi điều đó. Cùng với lãnh đạo các bang và các vùng lãnh thổ, người đứng đầu Chính phủ Australia khẳng định sẽ vạch kế hoạch để cải thiện hệ thống tái chế rác thải quốc gia.

Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng chính phủ Australia tại thành phố Cairns (bang Queensland), Thủ tướng Morrison nói Australia sẽ không xuất khẩu rác nhựa, giấy và thủy tinh sang các quốc gia khác, nơi mà chúng có nguy cơ sẽ bị thả trôi trong các đại dương. Thay vào đó, Chính phủ Australia sẽ hợp tác và tham vấn với các bộ, ngành để phát triển kế hoạch thay đổi cách xử lý rác thải thông qua hoạt động tái chế tại chỗ.

Theo ông Morrison, việc tăng cường hoạt động tái chế trong nước sẽ không những giúp xử lý vấn đề bảo vệ môi trường, mà còn góp phần tạo thêm việc làm cho người dân. Thay vì mất chi phí để chuyển rác thải ra nước ngoài, việc tái chế nhựa và một số nguyên liệu khác có thể tạo ra các loại bao bì mới, đồ nội thất hoặc thậm chí là các nguyên liệu sử dụng cho ngành giao thông đường sắt và nhựa rải đường...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.