Thứ sáu, 29/03/2024 19:54 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/8/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 11/08/2019 10:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/8/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/8/2019.

Lễ hội Môi trường biển Đà Nẵng 2019: Hướng đến bảo vệ môi trường biển từ mô hình “cá bống xin rác”

Để nhân rộng mô hình “cá bống xin rác”, hướng đến bảo vệ môi trường biển tại chương trình Lễ hội Môi trường biển Đà Nẵng 2019. Chương trình này đã chính thức khai mạc tại công viên Lăng Ông (quận Sơn Trà) thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham dự.

Chương trình này nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch của TP. Đà Nẵng về sự thân thiện với môi trường, phát triển du lịch sinh thái bền vững, Lễ hội Môi trường biển Đà Nẵng 2019 chính thức giới thiệu đến người dân và du khách những hoạt động ý nghĩa, tuyên truyền về bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình, đại diện Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã tiếp nhận những “chú cá bống xin rác” (một mô hình nhằm tuyên truyền người dân bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác ra các bãi biển) được mọi người hưởng ứng tham gia. Đồng thời cũng trong dịp này, đại diện phía BQL đã trao giấy chứng nhận, tri ân những tập thể, cá nhân đã có đóng góp trong việc giữ gìn, làm sạch môi trường tại các khu vực biển Đà Nẵng và trên bán đảo Sơn Trà.

Cần nhân rộng mô hình “cá bống xin rác”, hướng đến bảo vệ môi trường biển

Phát biểu trong buổi khai mạc, ông Nguyễn Đức Vũ - Trưởng BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng gửi lời cám ơn đến những cá nhân, tập thể đã làm đẹp cho Sơn Trà và các bãi biển, đồng thời nhấn mạnh, ngay sau chương trình, BTC sẽ tiếp tục nổ lực nhân rộng các mô hình tuyên truyền, cùng người dân và du khách bảo vệ môi trường biển.

Chương trình năm nay với 5 hoạt động nổi bật, bao gồm: Lễ tri ân; Hội chợ biển; Các hoạt động sáng tạo chủ đề môi trường; Nghệ thuật đường phố và Triển lãm giáo dục cộng đồng… thu hút đông đảo người dân tham dự, đặc biệt là các em nhỏ khi được trải nghiệm những hoạt động vì lợi ích cộng đồng.

Tây Nguyên, Nam Bộ: Gần 1.000 tỷ đồng “trôi” theo mưa lũ

Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lớn những ngày qua cùng với lũ lụt tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ đã làm 10 người thiệt mạng, thiệt hại vật chất về nhà ở, nuôi trồng lên đến 992,5 tỷ đồng.

Qua thống kê báo cáo từ các địa phương, tính đến sáng 10/8, thiệt hại về người lớn nhất là tại tỉnh Đắk Nông với 5 người thiệt mạng. Các tỉnh Gia Lai, Đắk Lăk, Lâm Đồng đều có 1 người; Kon Tum 2 người. Tỉnh Đồng Nai hiện có 1 người mất tích và tỉnh Lâm Đồng có 4 người bị thương. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau có 1 người thiệt mạng do dông lốc làm sập nhà.

Tổng cộng có 3.717 ngôi nhà bị ngập nước. Riêng hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng có 789 nhà phải di dời. Mưa lũ cũng làm ngập hơn 18 nghìn ha lúa, hoa màu của người dân và thiệt hại hàng nghìn ha cây trồng; cuốn trôi làm chết 299 con gia súc và 120.741 con gia cầm. Khoảng 125ha nuôi cá truyền thống, 4.300m3 lồng bè cũng bị thiệt hại.

Lũ trên sông Đồng Nai tại trạm Tà Lài sau khi đạt đỉnh lúc 13 giờ ngày 9/8 (>BĐ3 0,60m) đang xuống chậm. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong 1-2 ngày tới, lũ trên sông Đồng Nai vẫn dao động ở mức cao, tình trạng ngập lụt tại các tỉnh Nam Tây Nguyên và tỉnh Đồng Nai vẫn duy trì, sau đó giảm dần. Vẫn còn nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Đồng Nai.

Tại tỉnh Đắk Nông, do sự cố Thủy điện Đắk Kar bị kẹt cửa van tràn xả lũ, đường ống áp lực bị vỡ, tỉnh đã tổ chức di dời 500 người dân để đảm bảo an toàn. Tỉnh Bình Phước cũng đã di dời 5.000 người. Hiện, mực nước hồ đã giảm so với thời điểm mực nước cao nhất. Văn phòng thường trực BCĐ Trung ương về PCTT kiến nghị tiếp tục theo dõi tình hình mưa, sẵn sàng duy trì lực lượng nếu tiếp tục có mưa lớn và mực nước hồ vượt +479,0m sẽ mở rộng vai phải 3-5m, thả rọ đá chống xói xả lũ về hạ du.

Tại hồ thủy điện Đắk Sin 1, do mưa lớn kéo dài, cây cối, đất đá vùi lấp làm hư hỏng nhà van, đường ống áp lực, nhà máy và đường giao thông. Công ty đã ngừng phát điện, đưa toàn bộ công nhân ra khỏi vị trí nguy hiểm; Xả lũ khẩn cấp qua tràn nhằm giảm mực nước hồ. Hiện nay đập đã an toàn, mực nước hồ đảm bảo mực nước dâng bình thường.

Riêng tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, mưa lớn đã gây ngập 8.424 nhà bị ngập; 1.985 người phải sơ tán. Ước tính thiệt hại 107 tỷ.

Theo dự báo, ngày 10-11/8, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chiều và tối có mưa rào và rải rác có dông, riêng khu vực Tây Nguyên trong ngày 10/8 có nơi mưa vừa, mưa to. Từ ngày 12 - 16/8, mưa giảm xuống còn diện rải rác và tập trung vào chiều và đêm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, vì vậy, các địa phương cần tiếp tục triển khai các phương án ứng phó, huy động mọi lực lượng sẵn sàng khi có tình huống khẩn cấp.

Ninh Bình: Tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản giao các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra việc chấ hành pháp luật về BVMT tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các KCN, CCN, làng nghề có hoạt động xả thải ra lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Theo đó, các ngành, đơn vị, địa phương phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những nguồn xả thải lớn (trên 200 m3/ngày đêm), xả thải trực tiếp ra lưu vực sông. Kiểm tra các điểm tập kết chất thải rắn, đề xuất phương án xử lý toàn bộ chất thải rắn trên địa bàn để đảm bảo chấm dứt tình trạng thải chất thải rắn bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Đề xuất phương án lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước tự động trên hệ thống sông Đáy thuộc địa phận tỉnh, đồng thời xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quan trắc chất lượng nước mặt, nước thải, hoạt động xả nước thải của các cơ sở xả thải và cơ chế quản lý sử dụng phần mềm. Nghiên cứu lập danh mục nguồn nước nội tỉnh, trong đó xác định rõ các nguồn nước nội tỉnh trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Tổ chức xác định, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan có biện pháp chặt chẽ kiểm soát nước thải, chất thải trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, mương tưới tiêu thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Sở Công Công thương, Ban Quản lý các KCN tỉnh đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng đưa vào vận hành các công trình xử lý nước thải tập trung tại các KCN, CCN làng nghề trên địa bàn tỉnh để xử lý nước thải trước khi ra môi trường đáp ứng được yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật cho. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các KCN, CCN, làng nghề và xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện trường hợp vi phạm về BVMT.

Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung; các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thuộc thẩm quyền; làng nghề có hoạt động xả thải trên địa bàn, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện trường hợp vi phạm về BVMT. Tổ chức thu gom, xử lý toàn bộ chất thải rắn phát sinh; chấm dứt và xử lý nghiêm tình trạng chất thải vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình trong làng nghề di dời hoạt động vào các KCN, CCN.

Nghệ An: Cần xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường của Công ty dệt may Halotexco

Nằm lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc, ngay giữa TP Vinh; thế nhưng đã hàng chục năm nay Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan không có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất. Chất thải rắn và nguy hại cũng không được thu gom và xử lý.

Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan, có địa chỉ tại số 33, đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Bến Thủy, TP Vinh. Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan (HALOTEXCO) thành lập ngày 24/9/2004, trên cơ sở sáp nhập Nhà máy Sợi Vinh (thành lập năm 1981) và Công ty dệt kim Hoàng Thị Loan (thành lập năm 1990), chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sợi - dệt may. Đây là công ty thuộc Tổng công ty dệt may Hà Nội.

Theo phản ánh của những người dân sống quanh khu vực đó cho biết, từ khi thành lập cho đến nay đơn vị này đã tiến hành khai thác, sử dụng hàng trăm mét khối nước dưới đất (nước ngầm) mỗi ngày trên cơ sở các giếng khoan cũ của Công ty dệt kim Hoàng Thị Loan trước đây từng sử dụng. Theo tìm hiểu của PV, tại khu vực khuôn viên của Công ty dệt kim Hoàng Thị Loan (nay là xí nghiệp may trực thuộc Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan) có 5 giếng khoan nước ngầm cỡ lớn được hình thành từ hàng chục năm về trước.

Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan chưa thu gom rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại cũng như chưa hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý theo quy định

Kết quả kiểm tra thực tế của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An mới đây cho thấy, Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan có khai thác, sử dụng hai giếng khoan trong khuôn viên của công ty phục vụ sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy và tạo hơi làm mát máy. Kết cấu giếng khai thác có đường kính ống chống khoảng 200mm bằng nhựa PVC, có chiều sâu khoảng 18 m; Tổng lưu lượng khai thác khoảng 50 đến 60m3/ một ngày đêm nhưng chưa có giấy phép. Ngoài ra, còn có 03 giếng khoan khác không khai thác, sử dụng nhưng chưa được trám lấp theo quy định.

Tại buổi kiểm tra Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan do Sở TN&MT tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với UBND TP. Vinh và UBND Phường Bên Thủy còn cho thấy, Nhà máy có nguồn nước thải sinh hoạt của cán bộ công nhân viên và nước thải từ việc làm mát, lọc bụi máy móc… Tuy nhiên công ty chưa đầu tư hệ thống nước thải để xử lý. Nước thải sinh hoạt được gom vào bể tự hoại, sau đó chảy thẳng vào mương thoát nước chung của công ty và xả ra môi trường. Nước thải sản xuất dùng để lọc bụi bẩn và làm mát máy cũng chảy thẳng ra mương thoát nước chung của nhà máy. Ngoài việc công ty chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải và chưa thu gom triệt để nước thải phát sinh. Vấn đề chất thải rắn và chất thải nguy hại cũng không được thu gom và xử lý đúng quy định của pháp luật.

Trước thực trạng trên, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan phải hoàn thành các hồ sơ, thủ tục còn thiếu cũng như khắc phục những tồn tại, sai phạm về môi trường và báo cáo Sở TN&MT trước ngày 30/7/2019. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV thì hiện nay đơn vị này mới chỉ thực hiện hồ sơ xin khai thác nước ngầm gửi lên Sở TN&MT Nghệ An để chờ cơ quan chức năng cấp phép khai thác nước dưới đất; còn lại các vấn đề khác như xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực thu gom, xử lý chất thải nguy hạ, chất thải công nghiệp theo quy định thì vẫn chưa được tiến hành.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong những ngày vừa qua chúng tôi đã rất nhiều lần đến Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan đặt lịch làm việc với đơn vị này để làm rõ thêm các vấn đề còn tồn tại nêu trên cũng như tiến độ xử lý, khắc phục… nhưng đều bị từ chối một cách khó hiểu.

Việc một đơn vị lớn, có thương hiệu và hoạt động có truyền thống lâu năm như Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan nhưng lại xem nhẹ các quy định của pháp luật về môi trường ngay giữa lòng TP Vinh là điều khó có thể chấp nhận được. Đề nghị Sở TN&MT tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải tiếp tục kiểm tra thực tế những sai phạm nêu trên để có hình thức xử lý có đủ sức nặng mang tính răn đe đơn vị vi phạm.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới