Thứ năm, 28/03/2024 20:37 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/9/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 13/09/2019 10:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/9/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/9/2019.

Đồng Tháp xả lũ vào đồng ruộng lấy phù sa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp có kế hoạch xả lũ năm 2019 lấy phù sa.

Ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong điều kiện đê bao chắc chắn, các huyện, thị xã, thành phố vẫn có thể tiến hành xả lũ có kiểm soát nhằm lấy phù sa, tiêu diệt lúa rài, lúa chét, cắt đứt cầu nối sâu bệnh, hạt cỏ dại lưu tồn trong đất.

Các địa phương tổ chức thực hiện việc xả lũ đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, hoa màu của một số hộ dân tự phát trong ô bao; đồng thời chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với lũ cao, mưa lớn bảo vệ sản xuất như: kiểm tra, tu sửa các điểm đê xung yếu, các công trình cống, bọng, trạm bơm điện bị hư hỏng, rò rỉ, tu sửa máy bơm sẵn sàng tiêu úng và xây dựng phương án chủ động đối phó với tình huống thời tiết bất thường xảy ra.

Ông Thiện cho biết thêm, việc xả lũ vào ruộng các huyện, thị, thành phải tiến hành kiểm tra, rà soát các ô bao có kế hoạch xả lũ, xác định thời điểm xả lũ trên địa bàn, chủ động triển khai các giải pháp để tiến hành xả lũ đảm bảo an toàn sản xuất.

Đối với những ô đê bao không xuống giống Thu Đông, xả lũ sau khi kết thúc vụ Hè Thu cần kiểm tra, theo dõi thường xuyên để đảm bảo không ảnh hưởng đến các ô đê bao có kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông. Ủy ban nhân dân xã, phường,thị trấn lấy ý kiến người dân về kế hoạch xả lũ, công khai thời gian xả lũ từng ô bao, tuyên truyền rộng rãi về thời gian và mực nước xả lũ để tránh xung đột về lợi ích tại những ô đê bao có sự hiện diện cùng lúc của lúa, hoa màu, cây ăn trái.

Việc xả lũ lấy phù sa được đa số người dân thống nhất cao; kiểm soát được mực nước lũ. Thời gian xả lũ tương đối dài, các diện tích xả lũ ngập sâu giúp cung cấp phù sa, cải tạo đất, tiêu diệt mầm bệnh, giúp cây lúa phát triển tốt, giảm chi phí cải tạo đất.

Nguy cơ Đông Nam Á ô nhiễm vì cháy rừng ở Indonesia

Các vụ cháy rừng ở Indonesia tăng vọt khiến bụi mù lan rộng trên khắp khu vực Đông Nam Á, gây lo ngại về tác động của các đám cháy rừng không ngừng tăng trên toàn cầu đối với tình trạng trái đất nóng dần lên.

Những vụ đốt rừng bất hợp pháp đang hoành hành trên các đảo Sumatra và Borneo buộc chính quyền Indonesia triển khai các máy bay trực thăng cứu hỏa và hàng ngàn nhân viên an ninh để ứng phó thảm họa. Theo Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành ASEAN có trụ sở tại Singapore, số "điểm nóng" có nguy cơ cháy cao được vệ tinh ghi nhận tăng mạnh từ 861 lên 1.619 ở Borneo và Sumatra chỉ trong vòng một ngày hôm 12/9.

Theo đài CNN, hơn 930.000 ha diện tích đất bị thiêu rụi, hàng trăm người dân sơ tán và 9.000 nhân viên cứu hỏa được triển khai khống chế đám cháy. Bụi mù từ các đám cháy ở Indonesia lan sang Malaysia và Singapore tuần qua khiến ô nhiễm không khí tăng lên mức nguy hiểm.

Hôm 10/9, Cơ quan xử lý thảm họa quốc gia Malaysia đã phân phát nửa triệu khẩu trang ở bang Sarawak, nơi chứng kiến chỉ số ô nhiễm không khí (API) tăng vọt, theo hãng thông tấn Bernama. Khoảng 409 trường học ở bang này đã đóng cửa từ hôm 10/9.

Trong 24 giờ qua, 11 trong số 16 bang và vùng lãnh thổ của Malaysia có mức API "không an toàn" từ 101-200. Quận Rompin ở bang Pahang - Malaysia có mức API cao nhất lên đến 232. Còn chỉ số ô nhiễm không khí ở Singapore cũng tăng lên mức "không an toàn" hôm 10/9 vào khoảng 151. Đây là những con số đáng báo động nếu so với chỉ số API là 7 ở New York hay 24 ở London, thậm chí Bắc Kinh, thành phố thường xuyên hứng chịu ô nhiễm, cũng ở mức 50.

Thu gom 2 tấn rác ở điểm du lịch - bãi biển Đá Nhảy

Ngày 11/9, tại điểm du lịch - bãi biển Đá Nhảy, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (BĐBP Quảng Bình); Tiểu đoàn số 3 - Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Bắc Trung bộ và đoàn viên, thanh niên, học sinh xã Thanh Trạch đã tổ chức thu gom rác, làm sạch môi trường biển. Đây là hoạt động hưởng ứng Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” năm 2019.

Sau mưa lũ, điểm du lịch ở bãi biển Đá Nhảy (xã Thanh Trạch, Bố Trạch) ngập rác, do sóng biển trôi dạt vào. Để bảo vệ môi trường biển, hơn 120 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên và học sinh đã tham gia thu gom và xử lý trên 2 tấn rác thải, bao ni lon dọc bờ biển Đá Nhảy.

Nhân dịp này, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (BĐBP Quảng Bình); Tiểu đoàn số 3 - Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Bắc Trung bộ đã tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, buôn bán ở khu vực ven biển; khách du lịch và người dân bản địa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác, chất thải bừa bãi ở bãi biển.

Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” sẽ trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình; đây cũng là hoạt động thiết thực, nhằm xây dựng phên dậu lòng dân, để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Được biết trước đó, hàng tuần, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã tham gia thu gom rác, dọn vệ sinh khu vực bờ biển Đá Nhảy.

Quy hoạch lâu dài cho xử lý rác thải đô thị

Ngày 8/8, một lượng lớn rác thải tại bãi rác Cam Ly, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tràn mương chắn ra ngoài, làm hư hại nhiều diện tích nhà kính và vườn canh tác của người dân. Nhiều phương án khắc phục được đưa ra, nhưng thời tiết mưa liên tục trong nhiều ngày khiến quá trình khắc phục chưa thể thực hiện triệt để.

Được khai thác từ năm 1976 với hình thức chôn lấp, đến nay bãi rác này đã được các cơ quan chức năng xếp vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã có chủ trương đóng cửa bãi rác Cam Ly từ năm 2015. Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như bãi rác này ngừng nhận rác như chủ trương. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, dù thành phố Đà Lạt đã có nhà máy xử lý rác thải, bãi rác này vẫn phải tiếp nhận rác và hệ quả là xảy ra sự cố.

Vừa phải khắc phục sự cố tràn rác thải, bãi rác Cam Ly lại tiếp tục tiếp nhận khoảng 150 tấn rác của thành phố Đà Lạt mỗi ngày. Trong khi đó, tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt, lượng rác đưa về đây chỉ khoảng 20 tấn/ngày, chỉ bằng 1/10 so với thiết kế ban đầu của nhà máy này. Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt thuộc Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh, có tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, nhà máy này liên tục phải ngừng hoạt động, làm xáo trộn việc thu gom và xử lý rác của thành phố. Khác với lý do nhà máy đưa ra, theo thẩm định của cơ quan chức năng, nguyên nhân của tình trạng này có liên quan vấn đề kỹ thuật.

Đây không phải là nhà máy xử lý rác đầu tiên tại tỉnh Lâm Đồng hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng đến vấn đề xử lý rác của địa phương. Tháng 10/2018, người dân thành phố Bảo Lộc đã phải sống chung với rác nhiều ngày liền khi nhà máy xử lý rác ở đây gặp sự cố. Tình trạng ùn ứ rác tại các khu dân cư cũng xảy ra phổ biến tại nhiều nơi như: thành phố Hà Nội, tỉnh Cà Mau, tỉnh Hà Nam... với nguyên nhân duy nhất vẫn là các nhà máy xử lý rác thải đóng trên địa bàn gặp sự cố.

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã làm nảy sinh những thách thức lớn về môi trường, trong đó có vấn đề xử lý rác thải. Các địa phương dường như đang phải loay hoay cho bài toán quy hoạch lâu dài cho việc xử lý rác. Để giảm lượng rác thải cần xử lý hiện nay, không còn cách nào khác là phải thực hiện triệt để việc phân loại rác thải. Sự quá tải nhanh chóng của các bãi rác và khu xử lý chất thải tại Việt Nam hiện nay là do toàn bộ chất thải đều được tập trung về bãi rác mà không qua sự phân loại nào.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.