Thứ ba, 23/04/2024 17:56 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/10/2019

MTĐT -  Thứ ba, 15/10/2019 13:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/10/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/10/2019.

Thủ tướng Nhật Bản chỉ đạo huy động tối đa hỗ trợ người dân do siêu bão Hagibis

Theo số liệu cập nhật, tính đến cuối ngày 14/10, số nạn nhân thiệt mạng do siêu bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản, đã lên tới 55 người.

Hiện các nhóm tìm kiếm, cứu nạn vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người mất tích và mắc kẹt tại những khu vực ngập sâu hoặc lở đất ở miền Trung và miền Đông nước này.

Theo hãng tin Kyodo, Các Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) phối hợp với cảnh sát và lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tiến hành các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ. Hiện vẫn còn 16 người mất tích và ít nhất 100 người bị thương. Tính đến trưa 14/10, ngoài 38.000 người thuộc 17 quận huyện phải sơ tán, khoảng 3.700 ngôi nhà vẫn bị ngập trong trong nước.

Tại cuộc họp chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai, Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe cho biết chính phủ sẽ huy động tối đa các lực lượng để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng của bão Hagibis cũng như khắc phục thiệt hại sau bão. Dự kiến, một nhóm liên ngành sẽ được thành lập để hỗ trợ cũng như giúp những mất nhà cửa hoặc người sơ tán tìm nơi tạm trú.

Chính phủ Nhật Bản lo ngại ảnh hưởng do bão gây ra đối với các hoạt động kinh tế và đời sống có thể kéo dài. Thủ tướng Abe khẳng định: "Chúng ta sẽ đáp ứng ở mức tối đa cho những người thiệt hại". Ông Abe cũng chỉ đạo các bộ trưởng đảm bảo cơ sở hạ tầng như các nguồn cung cấp điện, nước phải nhanh chóng được phục hồi, đặc biệt tại các khu vực bị bất điện, cung cấp thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết ngay, không cần chờ đợi đề xuất, yêu cầu từ chính quyền địa phương.

Cùng ngày, tại một cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cũng chỉ đạo SDF huy động tối đa nỗ lực để khắc phục thiệt hại sau bão.

Núi lửa Merapi tại Indonesia phun trào

Ngày 14/10, các nhà chức trách Indonesia đã ban bố cảnh báo đối với máy bay hoạt động trên đảo Java của nước này sau khi núi lửa Merapi bắt đầu phun trào, cột khói bốc cao 3 km.

Cơ quan núi lửa quốc gia Indonesia cho biết núi lửa Merapi, nằm giữa tỉnh Trung Java và Yogyakarta, bắt đầu phun trào vào lúc 16h30 chiều 14/10 (theo giờ địa phương).

Cơ quan núi lửa quốc gia Indonesia đã đưa ra khuyến cáo quan sát núi lửa ở mức độ màu cam, cho thấy khả năng xảy ra đợt phun trào tiếp theo.

Chính quyền địa phương đã ban hành lệnh cấm đi lại trong vòng bán kính 3km quanh miệng núi lửa, đồng thời cảnh báo người dân sống xung quanh về khói bụi do hoạt động của núi lửa.

Núi lửa Merapi là trong số 129 núi lửa hoạt động tại Indonesia và thường xuyên phun trào kể từ năm 1948. Có hàng nghìn người dân sống xung quanh núi lửa này.

Năm 2010, núi lửa Merapi phun trào trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 làm ít nhất 353 người thiệt mạng và 350.000 cư dân phải sơ tán khỏi những khu vực bị ảnh hưởng.

Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho biết một trận động đất với độ lớn 5,9 đã làm rung chuyển khu vực cách thành phố Bengkulu của Indonesia 147 km về phía Tây Tây Nam vào sáng sớm 15/10 theo giờ địa phương. 

Cơ quan trên cho hay tâm chấn của trận động đất ở độ sâu 10 km, ban đầu xác định vị trí 4,5312 độ vĩ Nam và 101,1508 độ kinh Đông.

Indonesia nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực hoạt động mạnh của địa chất và núi lửa.

Bắt tài xế đổ trộm rác thải y tế và hàng chục tấn chất thải rắn nguy hại ra môi trường

Đột nhiên nhận thấy trong mỏ đá xuất hiện nhiều bãi chôn lấp chất thải rắn, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại. Người dân địa phương đã mật phục theo dõi tìm hiểu nguyên nhân.

Đến trưa ngày 14/10, người dân bắt được tại trận tài xế Nguyễn Công Luận đang tiến hành đổ trộm rác thải nguy hại trong một mỏ đá gần khu dân cư ở thôn 2, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Nhận được tin báo, cơ quan chức năng đến hiện trường tiến hành lập biên bản đối với tài xế Nguyễn Công Luận để điều tra, làm rõ hành vi đổ trộm chất thải rắn nguy hại ra môi trường. Bước đầu điều tra, Tài xế Luận đã thừa nhận hành vi của mình và cho biết số chất thải này được chở từ Bình Dương.

Theo người dân, từ nhiều ngày qua thấy có nhiều xe lạ được phủ kín bạt, mỗi ngày ra vào bãi đá trung bình 2 chuyến với thời điểm bất thường.

Số chất thải đổ trộm được người dân ghi nhận có nhiều chất thải độc hại với số lượng rất lớn, bao gồm cả chất thải y tế độc hại như kim tiêm, dịch truyền… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cho người dân và trẻ nhỏ vì địa điểm bị đổ trộm cách khu dân cư chỉ khoảng 2km.

Thêm nữa, khu vực này một số người dân đang sử dụng giếng khoan để phục vụ sinh hoạt, ăn uống. Bãi đá vẫn đang trong thời gian khai thác, chiều sâu của đất đã móc trong mỏ đá bằng với mực nước giếng khoan. Việc đổ chất thải ở khu vực thấp này có thể dẫn đến việc lây nhiễm, ngộ độc chất thải nguy hại cho người dân nơi đây. 

Brazil dọn dẹp bãi biển và điều tra sự cố tràn dầu

Đã gần 1,5 tháng trôi qua kể từ khi những vết dầu đen xuất hiện một cách bí ẩn, làm ô nhiễm hơn 130 bãi biển của Brazil và giết chết nhiều sinh vật biển. Tamar, một tổ chức bảo vệ rùa biển cho biết, sự cố tràn dầu này là thảm họa môi trường tồi tệ nhất mà họ chứng kiến kể từ khi thành lập vào năm 1980.

Tại thành phố Tibau do Sul, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố tràn dầu, người dân cùng nhà chức trách địa phương đang tích cực chung tay cùng dọn dẹp bờ biển. Trên toàn bộ bãi biển, hơn 100 tấn dầu đã được dọn dẹp. Tuy vậy, sau khi một số khu vực được dọn dẹp phần nào, một lượng dầu mới lại xuất hiện ở các khu vực khác. Hậu quả mà dầu gây ra là không nhỏ, nhiều con rùa biển, chim biển hay cá heo chết dạt bờ, toàn thân bọc trong dầu đen.

Váng dầu đã được phát hiện ở khắp 9 bang, kéo dài hơn 1.500km bờ biển phía Đông Bắc Brazil, khu vực nổi tiếng với các bãi biển đẹp và ngành du lịch phát triển. Mọi chuyện vẫn đang hết sức khó khăn. Điều đáng nói là trong suốt gần 1,5 tháng qua, nhà chức trách Brazil vẫn chưa thể xác định được nguồn gốc số dầu, chỉ biết chúng không tới từ nước này. Nhiều ý kiến tin rằng, số dầu trên có lẽ tràn ra trong quá trình vận chuyển ở ngoài khơi Brazil.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới