Thứ năm, 25/04/2024 14:36 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/9/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 01/09/2019 09:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/9/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/9/2019.

FLC Sầm Sơn được xả thải vào sông Mã

UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã cấp giấy phép xả nước thải vào sông Mã cho Tập đoàn FLC Sầm Sơn.

Quyết định số 138/GP-UBND ngày 30/8/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, CTCP Tập đoàn FLC (có địa chỉ tại tầng 5 tòa nhà FLC Land Mark Tower, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) được cho phép xả nước thải vào nguồn nước từ hoạt động của khách sạn 15 tầng (Grand Hotel) và khu nhà ở biệt thự, tại phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Cụ thể, nước thải sau khi xử lý sẽ được dẫn bằng hệ thống kênh tiêu 773 đến nguồn tiếp nhận là sông Mã (đoạn chảy qua phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn). Lưu lượng xả nước thải được quy định không quá 541 m3/ngày đêm.

Bên cạnh đó, giá trị các thông số ô nhiễm được phép xả vào nguồn nước không vượt quá giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải được quy định.

CTCP Tập đoàn FLC có trách nhiệm tuân thủ các nội dung quy định của giấy phép, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có bất kỳ thông số nào không đạt quy chuẩn đề ra.

Ngoài ra, công ty sẽ phải chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý tài nguyên nước và môi trường các cấp. Cùng với đó, hằng năm công ty phải báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND TP. Sầm Sơn về quá trình xử lý nước thải trước ngày 15/12.

Cuối cùng, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND TP. Sầm Sơn và các đơn vị liên quan, kiểm tra giám sát chất lượng nước thải từ hoạt động của cơ sở.

TP. Cần Thơ đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường

Thời gian qua, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân đối với công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường phát sinh từ các bãi rác.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở TN&MT TP. Cần Thơ tập trung thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ và giải pháp cấp bách về BVMT. Đồng thời, thực hiện chặt chẽ việc thẩm định và hậu kiểm báo cáo đánh giá tác động môi trường trước và sau khi dự án hoạt động; quản lý việc sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, hoạt động nhập khẩu phế liệu, ngăn chặn không đưa công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu không đảm bảo yêu cầu về môi trường.

Bên cạnh đó, công tác quan trắc môi trường được Sở TN&MT TP. Cần Thơ quan tâm thực hiện theo kế hoạch, thường xuyên cập nhật kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước, xâm nhập mặn, góp phần giúp thành phố chủ động trong việc đưa ra các giải pháp ứng phó.

Sở TN&MT còn tham mưu UBND TP. Cần Thơ điều chỉnh Chiến lược quản lý chất thải rắn tổng hợp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí và đang kêu gọi nhà đầu tư dự án xử lý rác thải công nghiệp thông thường của thành phố ở khu xử lý chất thải tại huyện Thới Lai.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã tổ chức làm việc với 50 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố. Qua đó, kịp thời phát hiện, nhắc nhở, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định về BVMT.

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho rằng, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố không để xảy ra sự cố nghiêm trọng về môi trường. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra cũng như kiểm soát ô nhiễm môi trường, cơ bản các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đúng theo các quy định pháp luật về BVMT. Tuy vậy, còn một số doanh nghiệp vi phạm khi chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục, nhất là báo cáo giám sát nguồn thải.

Thiếu niên Mỹ hối thúc các nỗ lực chống biến đổi khí hậu

Hàng trăm người biểu tình trẻ tuổi, trong đó có những trẻ em chỉ khoảng 6 tuổi, đã tập trung bên ngoài trụ sở LHQ hô vang các khẩu hiệu bảo vệ Trái Đất.

Ngày 30/8, nhà vận động môi trường trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg đã cùng với hàng trăm thiếu niên Mỹ tập trung bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, kêu gọi các nước, các nhà lãnh đạo thế giới tăng cường các nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu.

Hàng trăm người biểu tình trẻ tuổi, trong đó có những trẻ em chỉ khoảng 6 tuổi, đã tập trung bên ngoài trụ sở LHQ hô vang các khẩu hiệu bảo vệ Trái Đất. Với nhiều người trong số này, đây là lần đầu tiên họ tham gia một cuộc biểu tình bảo vệ khí hậu. Sự xuất hiện của Greta Thunberg đã truyền cảm hứng cho những thiếu niên trẻ tuổi sẵn sàng góp tiếng nói để bảo vệ hành tinh. Thunberg tham gia cuộc biểu tình ngay trước khi tới gặp Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Maria Fernanda Espinosa. Người phát ngôn của bà Espinosa cho biết trong cuộc gặp này, Thunberg đã hối thúc các nhà lãnh đạo, các quan chức LHQ không nên dừng lại ở lời nói mà cần có hành động thực tế

Cô gái 16 tuổi người Thụy Điển đã trở thành biểu tượng của hành động vì môi trường toàn cầu khi khởi xướng phong trào "Fridays For Future" (Những ngày thứ Sáu vì tương lai) từ năm 2018. Bị chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn phát triển Asperger ở độ tuổi 12, bệnh tật đã không thể cản bước Thunberg thực hiện ý tưởng bảo vệ môi trường của mình. Từ tháng 8/2018, cô đã bắt đầu ngồi bên ngoài Quốc hội Thụy Điển để kêu gọi các nghị sĩ hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu. Nhờ sức mạnh của truyền thông, hành động của cô nhanh chóng thu hút sự chú ý và truyền cảm hứng tới các sinh viên trên toàn thế giới và phong trào "Fridays for future" được ra đời từ đó.

Trong những tháng gần đây, vào thứ Sáu mỗi tuần, hàng nghìn học sinh, sinh viên ở hơn 120 quốc gia trên thế giới lại xuống đường tuần hành, hô vang các khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ hành tinh. Các cuộc tuần hành của giới trẻ nhằm đánh động dư luận thế giới phải có hành động cấp thiết chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường toàn cầu. Đây là lần đầu tiên, giới trẻ trên toàn thế giới đồng loạt xuống đường để bảo vệ tương lai của mình. Với những kiến thức tiếp thu được trong trường học, giới trẻ ngày nay hoàn toàn có lý do để lo ngại cho tương lai, vì đến năm 2050, chính họ sẽ là nạn nhân đầu tiên của những thảm họa sinh thái không thể đảo ngược được nếu nhân loại không khẩn cấp có hành động ngay từ bây giờ.

Cá chết nổi trắng, bốc mùi tại hồ điều tiết ở Đà Nẵng

Sáng 31/8, tình trạng cá chết xuất hiện tại hồ điều tiết Hòa Phú (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Một số khu vực trên hồ, các chết nổi trắng mặt nước.

Cá chết đa phần là loại rô phi, đã bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân sống gần khu vực này đều phải đóng kín cửa nhà.

Theo PLO, các nhân viên Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP Đà Nẵng đã dùng xuồng để chèo ra giữa hồ vớt, một số khác di dọc bờ hồ để vớt xác cá. Đồng thời, các nhân viên này cũng dùng biện pháp ngăn cá trôi ra các kênh để tránh gây ảnh hưởng đến khu vực khác. Hàng trăm ký cá chết được vớt lên đã được xử lý mùi và đưa đi tiêu hủy.

Theo bà Phạm Thị Như Hồng, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, hiện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Liên Chiểu đã đến lấy mẫu nước đi xét nghiệm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.